Vượt biển

Khi thực hiện nhiệm vụ mở tuyến đường biển chi viện vũ khí cho miền Nam, ông Ngô Văn Tân (bí danh Năm Kỷ) được sát cánh cùng Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa (bí danh Hai Địa) - người được đích thân đồng chí Lê Duẩn chỉ định - 3 lần vượt biển kiểm tra, xác định các địa điểm, bến bãi chuẩn bị cho tàu từ miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam.
Vượt biển

Khi thực hiện nhiệm vụ mở tuyến đường biển chi viện vũ khí cho miền Nam, ông Ngô Văn Tân (bí danh Năm Kỷ) được sát cánh cùng Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa (bí danh Hai Địa) - người được đích thân đồng chí Lê Duẩn chỉ định - 3 lần vượt biển kiểm tra, xác định các địa điểm, bến bãi chuẩn bị cho tàu từ miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam.

Ra Bắc

Ông Ngô Văn Tân (bí danh Năm Kỷ)

Ông Ngô Văn Tân (bí danh Năm Kỷ)

Vào một đêm giữa tháng 6-1961, chiếc thuyền (“mượn” của tập đoàn tàu đánh cá Trần Lệ Xuân và được thay thế các linh kiện, máy tốt nhất) rời bến Vàm Lũng.

Ông Năm Kỷ nhớ lại: “Ông Bông Văn Dĩa tạng người bình thường nhưng có cái bụng hơi to nên anh em gọi là ông Hai Địa. Ông chỉ huy chiếc thuyền từ Cà Mau vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí. Tàu chỉ trang bị lưới chài, cột buồm, la bàn, đêm tối ngắm sao mà đi. Thời điểm đó, lực lượng hải quân ngụy bố ráp, tăng cường tuần tra 3 lớp. Sát bờ là hải thuyền, khu vực giữa là hải quân ngụy và ngoài cùng là hạm đội 7 tuần tra. Chúng tôi len lỏi trong các tàu thuyền đánh cá.

Khoảng 6 ngày sau, ông Hai Địa nói chắc đến miền Bắc rồi. Khoảng 22 giờ đêm đó thì thuyền của chúng tôi bị tàu bè vây bắt. Nghe anh em dân quân, công an nói tiếng miền Bắc, trên tàu ai cũng mừng nhưng không dám nói thật nhiệm vụ của mình. Qua trao đổi, chúng tôi biết là tàu đang ở vùng biển của tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi được đưa vào sông Nhật Lệ quản thúc”.

Theo nguyên tắc đã thống nhất, ông Hai Địa khăng khăng xin gặp lãnh đạo Ty Công an hay ông Lê Duẩn để báo cáo tình hình. Thông tin dân quân Quảng Bình bắt được tàu “điệp báo” được chuyển về Hà Nội.

Ông Hai Kỷ kể tiếp: “5 ngày sau, ông Lê Duẩn vào Quảng Bình và đưa ông Hai Địa về Hà Nội. 7 ngày sau đó, chúng tôi được ô tô đưa về Hà Nội. Sau này, chúng tôi mới biết, 5 ngày sau khi chúng tôi rời Vàm Lũng thì có thêm 2 tàu nữa xuất bến từ Cà Mau. Đoàn đi lần đó có ông Tư Mao, Tiểu đoàn trưởng, Khu ủy viên; ông Tư Lưới, Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi. Tuy nhiên, thuyền ra đến Đà Nẵng thì bị kẹt lại”.

Không có vũ khí không về

Ra Hà Nội, anh em thủy thủ tàu Cà Mau và Bến Tre hội ngộ. Ai cũng vui vì đã tham gia và hoàn thành nhiệm vụ. Các ông Hai Địa, Sáu Bắc (Đặng Bá Tiên, chỉ huy tàu Bến Tre) đã nhiều lần được mời làm việc, báo cáo với ông Lê Duẩn và Bộ Chính trị. Các ông còn may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Sáu Bắc bồi hồi kể lại: “Sau khi hỏi thăm sức khỏe anh em trong đoàn cũng như mục đích của chuyến đi, Bác Hồ cười cười nói: “Vác cây súng vào Nam quý hơn vác cây vàng”. Bác Hồ hỏi tôi tên gì. Tôi trả lời Đặng Bá Tiên. Và, Bác Hồ đã đặt tên cho tôi là Hải. Đặng Hải có nghĩa là được biển, khuất phục được biển tìm ra miền Bắc xin vũ khí vào Nam đánh giặc. Tôi đã sử dụng tên đó đến bây giờ”. Những thành viên trong đoàn thuyền từ Nam vượt biển ra Bắc được Trung ương Đảng ưu ái trong suốt thời gian lưu lại thủ đô Hà Nội, được bố trí cho đi tham quan nhiều di tích ở miền Bắc và bồi dưỡng kỹ thuật lái, sửa chữa tàu…

Vượt biển ảnh 2

Các thành viên trên hai chuyến tàu từ Bến Tre và Cà Mau vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí chi viện cho miền Nam

Tháng 2-1962, sau một thời gian nghỉ ngơi, anh em trong đoàn được lệnh vào miền Nam. Ai nấy đều mừng vui, nhưng tất cả đều chưng hửng khi nhận nhiệm vụ: Tàu vào và không chuyển vũ khí. Ông Năm Kỷ kể tiếp: “Lúc này, để đảm bảo an toàn, chú Ba Trung (tên thật Trần Văn Đáng) do cụt tay (vì bẩm sinh) phải ở lại, ông Võ Tấn Thành (bí danh Hai Thành, Phó Bí thư chi bộ thuyền xuất phát từ Cà Mau) đề xuất, tàu vượt biển ra miền Bắc để xin vũ khí chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, nếu không có vũ khí thì không vào. Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục, vận động nhưng không được”.

Nhiệm vụ của chuyến tàu trở vào Nam lần này không phải chỉ ghé về Cà Mau mà là tập trung kiểm tra tuyến biển, ghi nhận địa điểm mà ngụy tập trung canh phòng; tìm bến bãi, mạn trên bờ ở các tỉnh để tàu vào an toàn. Ông Năm Kỷ xúc động kể: “Lúc tàu rời bến ở Hải Phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ xuất hiện và chỉ đạo: Mỗi chuyến tàu chi viện chỉ cần 50% số vũ khí vào được bờ đã là thắng lợi. Nhiệm vụ này lịch sử sẽ ghi nhận. Nếu thành công thì chiến tranh kết thúc sớm”.

Trên đường về Nam, tàu tiếp tục len lỏi giữa các tàu đánh cá. Ông Năm Kỷ cho biết: “Về đến Cà Mau, các ông Tư Mao, Hai Dĩa, Hai Tranh lập tức đi Hòn Chuối, Hòn Khoai, đảo Phú Quốc… chọn bến bãi cho tàu sắt tải trọng cả chục tấn vào an toàn. Ở tỉnh Trà Vinh, các ông ấy đã chọn được con lạch rất sâu ở bãi “Đám lá tối trời”.

Chúng tôi ở lại Vàm Lũng. Ngày đêm chia nhau thức để đo con nước lên xuống. Có thể nói Vàm Lũng là bến lý tưởng nhất, nước cạn còn 8 tấc, nước dâng lên cao đến 1,6m. Đặc biệt, rừng tràm tầng tầng lớp lớp che phủ ngày đêm, tàu vào lúc nào cũng đảm bảo an toàn. Tháng 7-1962, chúng tôi được lệnh trở ra miền Bắc cũng trên con tàu cũ…

"Đoàn tàu miền Nam vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí theo đúng nghĩa mở đường. Từ thành công của chuyến vượt biển, của công tác chọn bến bãi, thành lập kho vũ khí cho tàu vào an toàn… Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển và thành lập đơn vị tàu không số mang tên “Phương Đông”.

Trong thời điểm, quân Mỹ đưa quân và vũ khí tối tân ào ạt vào Việt Nam nhằm dập tắt phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc của quân và dân ta thì hàng vạn tấn vũ khí, hàng chục cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường miền Nam đã được miền Bắc kịp thời chi viện cho miền Nam trên con đường huyền thoại này.

Có thể nói, những người vượt biển đầu tiên ra miền Bắc là những chiến sĩ cảm tử. Trong lòng họ chỉ có trái tim nóng hổi, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, nhìn sao Bắc đẩu làm chuẩn cho tàu tiến về phía trước… Họ lênh đênh trên biển, có lúc gặp sóng to, gió lớn, sự săn lùng ráo riết của tàu chiến Mỹ và quân đội Sài Gòn suốt ngày đêm, mạng sống của họ chỉ tính bằng giây, bằng phút… "

Trung tướng LÊ THÀNH TÂM (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB TPHCM)

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục