Vượt khó vươn khơi bám biển

Giá nhiên liệu tăng cao, thiếu hụt trầm trọng lao động đi biển đã khiến không ít chủ tàu cá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp khó khăn, phải để tàu nằm bờ. Tuy nhiên, nhiều tàu vẫn nổ máy vươn khơi đánh bắt, vừa mưu sinh vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo.  

Vừa trở về sau chuyến biển dài hơn 3 tháng ròng rã, ngư dân Nguyễn Văn Điểu (ngụ tại huyện Long Điền), chủ của cặp tàu lưới kéo hơn 800CV, tâm sự, chuyến biển đầu năm khá ổn, thu được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế nhưng do giá nhiên liệu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nên phần lãi không được như kỳ vọng.

Sau khi trừ các chi phí xăng dầu, lương thực, nước đá…thì mỗi thuyền viên được chia gần 15 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Còn tại cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu), ngư dân Huỳnh Sơn, chủ tàu lưới vây trên 700CV, chia sẻ, do chờ bạn thuyền từ các tỉnh miền Tây và miền Trung nên tàu cá của ông ra khơi chậm hơn so với tàu bạn khoảng 1 tháng. Giá nhiên liệu tăng khiến chuyến biển đầu tiên thua lỗ nhưng ông vẫn móc hầu bao chi cả trăm triệu đồng giữ chân thuyền viên, tiếp tục vươn khơi đánh bắt với kỳ vọng sẽ có mùa cá bội thu. 

Theo nhiều chủ tàu, giá nhiên liệu tăng cao chỉ là khó khăn nhất thời mà vấn đề lớn nhất của nghề cá hiện tại nằm ở việc thiếu hụt trầm trọng lao động đi biển, nhất là lao động có tay nghề. Một ngư dân cho biết từng bỏ ra hàng chục triệu đồng chi tiền huê hồng cho người môi giới, tiền ứng trước cho thuyền viên nhưng khi nhận người lại không như mong muốn bởi đa số là thanh niên mới vào nghề. Trong khi công việc ở các nhà máy, xí nghiệp cho thu nhập khá cao, lại không phải xa nhà dài ngày nên chẳng mấy người muốn làm nghề đi biển.

Báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, đến giữa tháng 3-2022, tổng sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn đạt hơn 91.000 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác của các loại nghề rê, vây, câu mực tăng và thu được nhiều hải sản có giá trị kinh tế như họ cá thu, cá ngừ, cá cờ, mực ống, bạch tuộc. 

Tuy vậy, áp lực chi phí chuyến biển tăng cao cũng như áp lực trả nợ các khoản vay cũng dễ dẫn đến việc đưa tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Trong khi nhiều địa phương khác không xảy ra tình trạng xâm phạm vùng biển nước ngoài thì từ đầu năm đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn xảy ra 1 vụ với 3 tàu và 25 thuyền viên bị phía nước ngoài bắt giữ do đánh bắt trái phép.

Do đó, các địa phương vẫn phải tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động của các đội tàu đánh bắt xa bờ để Ủy ban châu Âu (EC) không kéo dài thêm thời gian phạt “thẻ vàng” đối với mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục