Vượt qua “bão giá”

Ngăn chặn lạm phát không chỉ là của riêng ai mà là của tất cả mọi người, mọi nhà, tổ chức xã hội, đoàn thể...
Vượt qua “bão giá”

Ngăn chặn lạm phát không chỉ là của riêng ai mà là của tất cả mọi người, mọi nhà, tổ chức xã hội, đoàn thể...

  • Chuyện tay kéo vàng

“Tuấn nó hụt hơi dữ lắm rồi. Bây giờ phụ bán cà phê…”, ông bạn nói vậy. Chuyện khó của “Tuấn râu” anh em biết từ lâu. Hôm sau hỏi kỹ Tuấn nói vẫn giữ nghề hớt tóc nhưng phải kiếm thêm đắp đổi cho đủ sống. “Cũng chỉ được non một tháng chủ quán lại không cần nữa, nghỉ rồi” - Tuấn cho biết.

Có thời, người ta đồn rằng Tuấn là “cây kéo vàng” đất Tây Đô. Chuyện đó chưa kiểm chứng được nhưng là tay kéo đặc biệt thì ai cũng thừa nhận. Đặc biệt ở nơi Tuấn hành nghề chỉ đơn sơ có hai cái ghế mà khách đến liên tục. Rồi “xoa đầu tạo dáng” cho toàn cán bộ cỡ bự, mèng mèng cũng giám đốc, trưởng phó ban ngành, cánh nhà báo, nhà văn… Làm nghề hớt tóc muốn đông khách ngoài kỹ thuật còn cần cái duyên. Chuyện bên Tây bên ta phải biết, ăn nói cuốn hút, biết chia sẻ “tư tưởng”… Nhưng chắc người ta còn thương cái nết chịu khó, bươn bả mưu sinh của Tuấn. Nhiều khi khách quen đưa tiền “ứng trước” giúp qua cái ngặt hay có tết được lì xì tới 500.000 đồng…

Nay, cái tiệm bên lề đường Nguyễn Trãi đã phải dời vào trong hẻm, Tuấn lấy hiên nhà làm “căn cứ”, khách quen mất dần. Bây giờ vừa làm tại nhà vừa bươn bả đến tận nhà khách hớt tóc nếu khách yêu cầu mà sống vẫn chật vật. “Ba năm trước cắt tóc cho một người mua được 2-3kg gạo, nay dù giá đã tăng gấp đôi nhưng chỉ mua được hơn 1kg gạo. Bây giờ kiếm được 2 triệu đồng/tháng là mừng rồi”, Tuấn phân trần. Có lần Tuấn tính lên miền Đông vừa giữ đất cho người quen vừa mở tiệm hớt tóc nhưng phải lộn về vì còn mẹ già và hai đứa con.

Cái hẻm Tuấn ở chủ yếu là dân nghèo thành thị. “Cả trăm hộ chỉ có mấy nhà khá, còn lại làm tự do, buôn thúng bán bưng qua ngày, hầu hết phải vay mượn, giật gấu vá vai” - Tuấn bùi ngùi nói sau khi vuốt lại tờ vé số cho phẳng phiu trước khi nhét vào bóp.

  • Đau đầu với giá

Từ Tết Tân Mão trở lại người ta thấy tàu ghe ở Rạch Giá, Kiên Giang neo lại bến nhiều hơn. Ông Ba Tâm, chủ một tàu đánh cá, giải thích: “Do giá xăng dầu tăng liên tục khiến cả trăm tàu cào phải nằm bờ. Chi phí nhiên liệu mỗi chuyến ra biển tăng gần 20% mà giá sản phẩm chỉ tăng dưới 10%. Tính không kỹ có nước… húp cháo”. Cái khó thúc đẩy sự sáng tạo. Dân trong nghề cải tiến chân vịt, hộp số đẩy nước mạnh hơn lại giúp giảm nhiên liệu gần 20%. Cần dầu hay bổ sung hậu cần giữa biển chỉ cử một tàu vào bờ, không còn cảnh mạnh ai nấy chạy khơi khơi như trước nữa…

“Kiên Giang có trên 8.000 tàu đánh bắt, nghĩa là hàng chục ngàn hộ dân sống nhờ biển cả. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ trong thời buổi lạm phát, trượt giá hiện nay” - ông Tuấn tâm sự.

Ông Trung, một cán bộ sống tại Cần Thơ, tính nhẩm gia đình thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, đứa con học đại học trên thành phố mất khoảng 2 triệu đồng tiền trọ, tiền ăn dè sẻn cho nó cũng tròm trèm bằng đó. Tiền điện, nước, Internet trước 600.000 – 700.000 đồng/tháng, nay phải dự trù cả triệu đồng, rồi tiền ăn, tiền học thằng nhỏ ở nhà…

Chị Trần Thị Trinh, 22 tuổi, công nhân một nhà máy trong KCN Long Đức (Trà Vinh) nói: “Thu nhập cả tháng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng, tiền trọ bốn chị em hùn hạp với nhau cũng mất gần 20% thu nhập/người. Xách giỏ đi chợ như bị “khủng bố”. Chuối già, chuối sứ mà cũng trên trăm ngàn đồng/nải là sao? Bởi vậy cá bạc má, dưa chua ăn hoài. Ai cũng muốn tăng ca kiếm thêm nhưng còn phụ thuộc đầu ra”.

Cực nhất vẫn là nông dân vốn “ăn trước trả sau”, tiền mặt luôn heo hắt. Tính từ đầu năm 2011, giá thức ăn chăn nuôi tăng 4 lần. Hiện thức ăn cho heo, gà đã trên 10.000 đồng/kg, thức ăn cho cá tra 10.500 - 11.000 đồng/kg. Các chủ ao hầm nuôi cá khắp đồng bằng đều như ngồi trên lửa.

Ông Nguyễn Văn Bình (Châu Thành - Đồng Tháp) nuôi cá tra gần 10 năm nay, than phiền: “Chưa bao giờ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như vậy. Tuy hiện tại cá tra đang có giá cao (26.000 đồng/kg) nhưng thức ăn cho cá tra đã là 11.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí cho 1kg cá đã vào khoảng 21.000 đồng. Giá cá bấp bênh, giá thức ăn tăng liên tục ai dám mở rộng ao nuôi?

Ông Tư Sanh, chủ trang trại nuôi heo, cho biết hiện giá heo dao động 4.400.000 - 4.700.000 đồng/tạ, nhưng heo tăng giá thì thức ăn cũng tăng cao nên nuôi nhiều sợ lỗ nặng. “Giá có thể sẽ tiếp tục tăng. Cần phải bình ổn được giá thức ăn chăn nuôi thì người nuôi mới an tâm tái đàn” - ông nói.

Mãi đến tận tháng 5 này người lao động mới được hưởng tiền lương tối thiểu (tăng lên 830.000 đồng) nhưng “chưa mừng đã lo” bởi vật giá đồng loạt leo thang từ nhiều tháng trước. Tính trung bình một người lao động (đã tốt nghiệp đại học) đang hưởng bậc lương 3.0 thì được hưởng thêm số tiền lương tăng là 300.000 đồng/tháng. Khoản tăng này đối với ngân sách Nhà nước là nỗ lực rất lớn nhưng nếu tính với người lao động thì lại chẳng thấm vào đâu so với cơn “bão giá” ngoài thị trường.

  • Hết mưa nắng hửng lên thôi

“Sức mua giảm thấy rõ” - bà Lê Thị Lệ Hoa, Giám đốc siêu thị Co.opMart Cần Thơ, thừa nhận. Đơn vị của bà là 1/5 công ty tham gia chương trình bình ổn giá, với tổng trị giá 15 tỷ đồng không lãi suất của Cần Thơ. “Chúng tôi vừa hoàn vốn cho địa phương và sẵn sàng tiếp tục tham gia nếu có yêu cầu” - bà Lệ Hoa nói và cho biết thêm các đối tác cũng “ngộp” lắm nhưng vì quan hệ làm ăn lâu dài nên vẫn chấp nhận đồng hành.

Người tiêu dùng ĐBSCL chọn hàng thời “bão giá”.

Người tiêu dùng ĐBSCL chọn hàng thời “bão giá”.

Ông Nguyễn Trung Mãn, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP Cần Thơ, đánh giá chương trình bình ổn giá đã có kết quả khá tích cực và sở đang xây dựng kế hoạch bình ổn giá cho năm 2011 và Tết Nguyên đán 2012.

Chi phí ăn ở, đi lại, y tế, học hành… đều tăng, gõ cửa từng gia đình, xộc đến mỗi doanh nghiệp nhưng bị “va đập” mạnh nhất vẫn là nhà nông và dân nghèo thành thị. Bài toán cải thiện dân sinh đã khó lại càng khó hơn trong thời “bão giá”.

Chánh văn phòng UBND quận Ninh Kiều, Cần Thơ Lê Hoàng Thọ cho biết chính quyền vừa hỗ trợ để chuyển đổi nghề cho người chạy xe ôm trên địa bàn hơn 7 tỷ đồng (5 triệu đồng/người) cùng các chương trình trợ giúp cho người cao tuổi, người nghèo, cận nghèo… Cần Thơ đã cắt giảm hàng loạt công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng và giám sát chặt chẽ hiện tượng “tát giá theo xăng”. Các doanh nghiệp đề ra biện pháp tự bảo tồn giá…

Lạm phát bao giờ sẽ qua chưa ai đoan chắc được nhưng chắc chắn hết mưa nắng sẽ hửng lên thôi.

Cách chi tiêu của người dân đồng bằng cũng khác hồi trước, cũng tự thích nghi rồi. Nông dân đã bớt nhiều thói quen giữ lúa mà bán lúa mua gạo để ăn, lại bớt ăn gạo để chuyển sang ăn lương thực chế biến (bún, mì ăn liền, miến, hủ tiếu khô...), thực phẩm chế biến. Người dân học làm “người tiêu dùng thông minh”, tiết giảm chi tiêu không cần thiết, bỏ thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm, sử dụng điện hợp lý...

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục