Vượt qua khoảng tối

Chỉ bởi cái tai bị thuyết phục bằng những lời đường mật về một thiên đàng giả tạo, nhiều người dân 2 làng Roh và Tok, xã Ia Blang, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) từng bước dấn thân trên con đường tối về nhận thức. Sau tháng ngày lầm lạc, đắm chìm trong ảo tưởng, họ lầm lũi trở về với tâm lý tự ti, mặc cảm. Tuy nhiên, nhờ tinh thần bao dung, đùm bọc của buôn làng, những con người lầm lỡ dần dần khơi dậy được niềm tin trên con đường mới…
Vượt qua khoảng tối

Chỉ bởi cái tai bị thuyết phục bằng những lời đường mật về một thiên đàng giả tạo, nhiều người dân 2 làng Roh và Tok, xã Ia Blang, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) từng bước dấn thân trên con đường tối về nhận thức. Sau tháng ngày lầm lạc, đắm chìm trong ảo tưởng, họ lầm lũi trở về với tâm lý tự ti, mặc cảm. Tuy nhiên, nhờ tinh thần bao dung, đùm bọc của buôn làng, những con người lầm lỡ dần dần khơi dậy được niềm tin trên con đường mới…

Ảo tưởng một thiên đường

Siu Kơk ở xã Ia Blang (huyện Chư Sê) có 6 người con, 2 cô con gái đầu đã lập gia đình và ở riêng. Trong câu chuyện ngày thường, Siu Kơk tự cho mình là người hiểu và nhận trách nhiệm đưa tín đồ của đạo “Tin Lành Đề Ga” đến cửa thiên đàng. Ở đó mọi người không cần làm việc cũng có cái ăn, cái mặc, tiền bạc được cung cấp dồi dào đến mức không phải lên nương rẫy nữa!

Đang lao động trên nương rẫy nuôi sống cả gia đình, con cái được đi học, điều kiện cuộc sống không hề thua kém bạn bè nhưng do nhận thức còn hạn chế, Siu Lu tin rằng người bạn Siu Kơk nói đúng. Từ đó, ngấm ngầm vận động bà con dân tộc Ja Rai tại 2 làng Roh, Tok, xã Ia Blang (huyện Chư Sê) bỏ buôn làng, vượt biên sang Campuchia để đến được thiên đàng.

Nhưng rồi sau những tháng ngày băng rừng, lội suối tự đày đọa thân xác mình, Siu Lu cùng một số người nhẹ dạ khác mới nhận thức được một thực tế: thiên đường Tin Lành Đề Ga không hề tồn tại… Lần tìm về làng trong cảm giác tự ti, mặc cảm luôn luôn thường trực, suốt những năm 2004, 2005, Siu Lu tự tách mình ra khỏi cuộc sống buôn làng, ngập tràn trong thất vọng về chính bản thân mình. Những ngày tháng ấy, gia đình Siu Lu thiếu thốn mọi thứ từ hạt gạo, hạt muối cho đến những nụ cười.

Cụ Siu Rơi, già làng Roh giận Siu Lu lắm nhưng tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng Ja Rai vẫn mạnh mẽ, già chỉ còn biết hờn trách: “Cái tai thằng Lu dễ nghe nhưng cái bụng không chứa đựng được gì”. Già Siu Rơi bực tức cũng đúng, bởi suốt khoảng thời gian lầm lỗi của mình, Siu Lu cũng dụ dỗ nhiều hộ dân tin theo lời nói của Siu Kơk, tin rằng phía bên kia bên giới đang tồn tại một thiên đường.

Theo già Siu Rơi, lợi dụng những khó khăn và nhận thức còn thấp kém của dân làng, 3 đối tượng cốt cán của nhóm tuyên truyền cho “tà đạo” là Siu Kơk, Siu Lu và Rơ Mah Mlung đã dụ dỗ, lôi kéo họ vượt biên, xúi giục bà con tụ tập gây rối.

Bộ đội giúp người dân xã Ia Blang trong sản xuất và nâng cao nhận thức, từng bước bỏ đạo "Tin Lành Đề Ga".

Bộ đội giúp người dân xã Ia Blang trong sản xuất và nâng cao nhận thức, từng bước bỏ đạo "Tin Lành Đề Ga".

Ánh sáng cuối đường hầm

Với ngọn lửa của tình đoàn kết, đùm bọc sẻ chia trong cộng đồng Ja Rai, nhiều người con của làng Roh, Tok lầm lỡ theo đạo “Tin Lành Đề Ga” khi trở về đã được dân 2 làng rộng lòng tha thứ. Những năm qua, Đội công tác 351, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã cùng anh em trong đội và các ban ngành trong xã Ia Blang tích cực đến từng gia đình nắm tình hình, động viên, giúp đỡ họ dần dần nâng cao nhận thức và tự nguyện từ bỏ con đường sai trái.

Chính quyền địa phương hết lòng giúp đỡ, cung cấp cây giống để trồng, đất sản xuất; bộ đội tích cực giúp bà con trồng và chăm sóc lúa nước, hồ tiêu, cà phê... Những việc làm nghĩa tình, thiết thực đó đã giúp cho những đối tượng đang đi trên con đường sai trái trở về, vững lòng tin và yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, trong đó có Siu Lu.

Chuyện 97 hộ, với 297 người ở 2 làng Roh và làng Tok xã Ia Blang, huyện Chư Sê tự nguyện bỏ đạo, quay về sống với buôn làng như lời khẳng định sức mạnh đoàn kết, tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Được biết, ngoài việc dần dần tìm lại được niềm tin trong cuộc sống, Siu Lu còn tích cực vận động những đối tượng lầm lạc cần quay trở về sống với buôn làng. Ghi nhận thành tích và những tiến bộ của Siu Lu, Đảng ủy - UBND xã Ia Blang đã đề cử anh làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn với mức lương 320.000 đồng/tháng.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định là tiền đề để bà con các dân tộc trên địa bàn xã Ia Blang yên tâm lao động sản xuất ổn định cuộc sống. Năm 2009, xã Ia Blang đã được UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Thủ tướng tặng bằng khen.

Già làng Tok, cụ Siu Chơi tự hào: “Bà con đồng bào Ja Rai có nhiều người không nhận thức được đã phạm phải lỗi lầm lớn. Nhưng bằng tình yêu thương, đùm bọc và đặc biệt là sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Đội công tác 351, họ được trở về gắn với cuộc sống của buôn làng”. 

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục