Ẩm thực truyền thống của Nhật Bản, hay còn gọi là “Washoku” vừa được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Sự kiện này được coi là cơ hội để Nhật Bản thu hút du khách quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của nước này ra thế giới.
Nhật Bản đã đệ đơn đề nghị công nhận di sản lên UNESCO hồi năm 2012. Trong bản đăng ký có tên “Washoku: Văn hóa dinh dưỡng truyền thống của người Nhật”, Chính phủ Nhật Bản khẳng định món ăn Nhật trên khắp cả nước có đặc điểm chung cơ bản nhưng cũng có “sự đa dạng lớn” dựa trên điều kiện địa lý và lịch sử, dẫn đến việc sử dụng các loại hải sản và nông sản khác nhau cho bữa ăn. “Washoku” là món ăn truyền thống Nhật Bản, bao gồm những thành phần theo mùa từ gạo, cà và rau, mang một hương vị độc đáo và một phong cách ăn truyền thống trong nhiều thế kỷ qua.
Đặc trưng của “Washoku” là kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa béo phì. Bản đề xuất cũng cho biết món ăn Nhật đã phát triển như là một phần của đời sống thường nhật, có một sự kết nối mạnh mẽ với các sự kiện theo mùa như dịp năm mới và không ngừng được cải tiến do những thay đổi về môi trường tự nhiên và xã hội.
Theo Japan Today, “Washoku” không những trở thành ẩm thực quốc gia thứ hai nhận được sự công nhận danh giá này, mà còn là di sản thứ 22 của Nhật Bản lọt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, bên cạnh kịch Kabuki, Noh và Bunraku. Sự thừa nhận của UNESCO đã gửi đi thông điệp thúc đẩy việc bảo tồn món ăn truyền thống khỏe mạnh và ít năng lượng này tại đất nước Nhật, nơi người Nhật có khuynh hướng đang chuyển việc nấu nướng truyền thống sang tiêu thụ các thức ăn nhanh của phương Tây. Masanori Aoyagi, ủy viên Cơ quan Văn hóa của Nhật Bản, nhận định “Washoku” đã cho Nhật Bản một cảm giác gắn kết xã hội.
Đồng thời, trong bối cảnh cấu trúc kinh tế - xã hội thay đổi, cùng với quá trình toàn cầu hóa của thực phẩm đang tác động tới nỗ lực duy trì văn hóa dinh dưỡng truyền thống, chính phủ nước này cũng hy vọng thế hệ trẻ Nhật Bản sẽ nhận thức được các giá trị văn hóa.
Bên cạnh đó, Văn hóa muối Kim chi hay còn gọi là Kimjang của Hàn Quốc cũng đã được ghi danh là một trong những Di sản văn hóa thế giới. Kim chi là một món ăn truyền thống của người dân Hàn Quốc. Theo kết quả khảo sát được tiến hành bởi Cơ quan quản lý di sản văn hóa Hàn Quốc, 95% người dân Hàn Quốc ăn Kim chi mỗi ngày và 64% thường dùng Kim chi kèm với các món ăn khác.
Văn hóa Kim chi đã gắn liền với cuộc sống thường ngày của Hàn Quốc biết bao thế hệ, không những thể hiện tình cảm chia sẻ, gắn bó trong cộng đồng người Hàn, mà còn là một nét bản sắc độc đáo của người Hàn Quốc. Như vậy, Hàn Quốc đã sở hữu tổng cộng 16 di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
CHI HẠNH