(SGGP). – Ngày 29-11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 với tựa đề “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam”.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam, nhưng một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế”. Theo báo cáo của WB, với phần lớn lực lượng lao động có khả năng đọc và viết, thách thức hiện nay của Việt Nam là làm thế nào có thể biến các sinh viên tốt nghiệp từ những người “giỏi học theo sách” trở thành những người có tư duy phản biện và biết cách giải quyết vấn đề, những người được trang bị đầy đủ để lĩnh hội các kỹ năng kỹ thuật từ các trường đại học, trường dạy nghề và trong suốt quãng đời làm việc của mình.
Báo cáo đưa ra phân tích cho thấy tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cầu đối với lao động, chuyển từ các công việc chủ yếu là thủ công và đơn giản ngày nay sang các công việc phi thủ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Các chuyên gia của WB đề xuất một kế hoạch gồm 3 bước để thực thi chiến lược tổng thể về kỹ năng cho Việt Nam. Cụ thể, bước 1 sẽ tập trung tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non; bước 2 là xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông; bước 3 là phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn giữa người sử dụng lao động với sinh viên, các trường đại học và các trường dạy nghe.
BẢO MINH