WHO: Dịch Ebola vẫn còn báo động khẩn cấp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra thông báo dịch Ebola vẫn trong tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu khi cơ quan này ghi nhận dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn tại các quốc gia Tây Phi gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea.
WHO: Dịch Ebola vẫn còn báo động khẩn cấp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra thông báo dịch Ebola vẫn trong tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu khi cơ quan này ghi nhận dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn tại các quốc gia Tây Phi gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Thêm trường hợp nhiễm dịch

Sau phiên họp của ủy ban khẩn cấp về Ebola, WHO ra tuyên bố cho biết tình hình lây lan virus chết người này tại các quốc gia trên hiện vẫn là mối lo ngại lớn đối với toàn cầu. Số liệu mới nhất do WHO công bố cho thấy số người thiệt mạng do virus vẫn tăng mạnh, hiện đã lên tới 4.900 người trong tổng số 9.936 trường hợp nhiễm bệnh. Tổ chức này cũng cảnh báo số người nhiễm có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 tới nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp hiệu quả và kịp thời để dập dịch.

Trong lúc này, Bộ Y tế Mali ngày 24-10 thông báo nước này đã phát hiện ca nhiễm virus Ebola đầu tiên. Đó là một bé gái hai tuổi, gần đây có đến Guinea. Bé gái trên nhập viện ở thị trấn miền Tây Kayes một ngày trước đó và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola. Bệnh nhân này cùng những người có tiếp xúc với em đã được đưa tới khu vực cách ly.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Mali cho biết bệnh nhân trên đã đi du lịch Guinea với người thân và chính quyền đã nắm được lịch trình chuyến đi này. Theo đó, bệnh nhân đã đến Kissidougou, nơi dịch Ebola bùng phát đầu tiên vào tháng 12-2013.

Các bác sĩ đang đưa 1 bé gái nghi nhiễm Ebola đi chữa trị tại vùng dịch Sierra Leon.

Tại Mỹ, ngày 24-10, Sở y tế New York cho biết bác sĩ Craig Spencer, 33 tuổi, thành viên của tổ chức nhân đạo Thầy thuốc không biên giới, vừa từ Guinea trở về Mỹ từ giữa tháng này đã có kết quả dương tính với virus Ebola. Hiện, bác sĩ Craig đã được đưa đến Bệnh viện Bellevue, một trong tám bệnh viện ở New York có bộ phận điều trị bệnh nhân Ebola. Dự kiến, bệnh nhân sẽ trải qua các đợt xét nghiệm tiếp theo để xác định lại kết quả ban đầu. Nhà chức trách đã phong tỏa căn hộ của bác sĩ Craig nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan.

Tuy nhiên, nhân viên y tế cho biết Ebola không phải là loại virus dễ dàng lây nhiễm do ở gần người bệnh, loại virus này chỉ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch từ cơ thể người bệnh. Bệnh viện Giáo hội New York - Đại học Colombia, nơi làm việc của bác sĩ Craig, cho biết kể từ khi về nước bệnh nhân không tiếp xúc với bất kỳ trường hợp nhiễm Ebola nào.

Ra sức đối phó

Trong nỗ lực tăng cường ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch Ebola, nhà chức trách Mỹ đã ban hành những quy định về an ninh y tế, yêu cầu những hành khách đến từ các quốc gia có dịch Ebola chỉ được vào Mỹ qua một trong số năm sân bay có trang bị thiết bị phát hiện virus Ebola. Các du khách này cũng được khuyến cáo trong vòng 21 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Mỹ phải thông báo hàng ngày nhiệt độ cơ thể và bất cứ triệu chứng bất thường nào giống với triệu chứng xuất hiện khi nhiễm virus Ebola cho các nhân viên y tế.

Ngày 23-10, các nước châu Phi cam kết cử hơn 1.000 nhân viên y tế tới Liberia, Sierra Leone và Guinea nhằm đối phó với dịch Ebola. Trước đó, các thành viên Đông Phi của Liên minh châu Phi (AU) đã cam kết cử 600 nhân viên y tế đến hỗ trợ. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh thiếu các chuyên gia y tế có năng lực chuyên môn cao, một trong những cản trở lớn trong cuộc chiến chống Ebola tại khu vực này. Cùng ngày, Nigeria thông báo lập Kế hoạch quốc gia Sẵn sàng đối phó Ebola (NEPP) nhằm phát hiện nguy cơ tái bùng phát dịch Ebola tại nước này.

Trước đó, WHO tuyên bố Nigeria hết dịch Ebola trong 6 tuần qua, tuy nhiên, Abuja cho rằng vẫn cần chủ động trong cuộc chiến chống loại virus dễ lây lan này bởi nguy cơ lây nhiễm từ các nước láng giềng. Theo kế hoạch NEPP, Nigeria sẽ thành lập một Trung tâm quốc gia xử lý khẩn cấp tại thủ đô Abuja, nâng cao ý thức người dân về căn bệnh này...

Cùng lúc này, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định chi 24,4 triệu EUR (30,9 triệu USD) cho nghiên cứu chống virus Ebola. EC cho biết số kinh phí trên sẽ được phân bổ cho 5 dự án, từ thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với một loại vaccine tiềm năng tới thử nghiệm các hợp chất hiện có và các hợp chất mới trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola. EC cho biết số kinh phí này sẽ được phê duyệt nhanh để đảm bảo dự án sớm được triển khai.

Ngày 24-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thông báo lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng khoản viện trợ cho khu vực Tây Phi lên 1 tỷ EUR (1,26 tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh Ebola.

Quyết định trên được đưa ra trong trong ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ). Trước đó, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU và Ủy ban châu Âu (EC) đã nhất trí viện trợ gần 600 triệu EUR để chi trả cho nhân viên và trang thiết bị y tế tại những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh dịch Ebola là Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Cùng ngày, truyền thông Anh đưa tin Thủ tướng Cameron cũng vừa cam kết viện trợ thêm 80 triệu bảng Anh (khoảng 132 triệu USD) cho cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola đang lây lan nhanh ở khu vực Tây Phi, nâng tổng số tiền mà Chính phủ Anh sẽ đóng góp lên 205 triệu bảng Anh. Trong số tiền này, khoảng 50 triệu bảng sẽ được dành cho 200 đơn vị chăm sóc và điều trị bệnh nhân Ebola ở Sierra Leone, 20 triệu bảng dành cho quỹ tín thác của Liên hiệp quốc và số còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ việc mai táng các bệnh nhân bị tử vong ở Sierra Leone.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục