WTO đạt thỏa thuận thương mại lịch sử

Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu bế tắc 12 năm qua vừa được thắp lên hy vọng sau khi 159 nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 7-12 đạt được thỏa thuận lịch sử về thương mại tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Bali, Indonesia.
WTO đạt thỏa thuận thương mại lịch sử

Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu bế tắc 12 năm qua vừa được thắp lên hy vọng sau khi 159 nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 7-12 đạt được thỏa thuận lịch sử về thương mại tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Bali, Indonesia.

1.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới

“Thỏa thuận Bali” bao gồm những cam kết tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại bằng việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và dỡ bỏ các rào cản thương mại. Một số nhà kinh tế nhận định thỏa thuận này có thể mang lại 1.000 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cho hay những quyết định vừa được bộ trưởng thương mại 159 nước thành viên WTO đưa ra, là bước tiến quan trọng hướng tới hoàn tất các vòng đàm phán Doha.

Theo AFP, tưởng chừng thỏa thuận tại Indonesia lần này đã bị đổ bể sau khi Cuba, Bolivia, Venezuela và Nicaragua vào phút chót từ chối chấp nhận thỏa thuận với lý do thỏa thuận sẽ không giúp cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Tuy nhiên, bước sang ngày thứ 5 của hội nghị (kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch), bất đồng đã được dàn xếp với sự nhượng bộ của các bên liên quan.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan (phải) chia vui cùng Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan (phải) chia vui cùng Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo.

Trong những ngày làm việc vừa qua, bên cạnh các vấn đề liên quan đến thương mại, các bộ trưởng cũng đã thảo luận một số nội dung không thuộc Vòng đàm phán Doha, trong đó có Hiệp định mua sắm chính phủ (sửa đổi), Hiệp định công nghệ thông tin (sửa đổi)… và thảo luận về các vấn đề như tăng cường hỗ trợ các nước kém phát triển gia nhập và tham gia WTO, thực thi cam kết ngăn chặn bảo hộ, thương mại điện tử, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin…

Thách thức cho WTO

“Thỏa thuận Bali” là một phần nội dung quan trọng của Vòng đàm phán Doha vốn đang bế tắc do bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển liên quan đến các thoả thuận về tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nông nghiệp là nội dung gay cấn nhất và chiếm thời gian nhiều nhất.
 
Ngoài việc tạo bước đột phá khai thông Vòng đàm phán Doha giậm chân tại chỗ 12 năm qua, thỏa thuận trên cũng đã giải cứu WTO, tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, khỏi bờ vực của sự thất bại. Cam kết của các bộ trưởng đã đánh dấu hiệp định thương mại toàn cầu đầu tiên của WTO kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1995.

Simon Evenett, chuyên gia thương mại quốc tế của Đại học Gallen, Thụy Sĩ khẳng định: “Thất bại tại Bali sẽ là một cú giáng mạnh vào uy tín của WTO”. Vì vậy, có thể dễ hiểu lý do ông Roberto Azevedo đã không thể giấu nổi vui mừng, hân hoan tuyên bố trong buổi bế mạc rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức, WTO được giải thoát”.
 
Tuy nhiên, không ít ý kiến chỉ trích thỏa thuận này chưa thỏa mãn được các yêu cầu của nhiều quốc gia. Phong trào phát triển thế giới (WDM) cảnh báo thỏa thuận hợp tác trên không dành cho người nghèo khi các nước đang phát triển đã buộc phải nhượng bộ các nước phát triển trong các chương trình nghị sự và WTO không thể là một diễn đàn tạo ra hệ thống kinh tế công bằng trên toàn cầu. Trong khi đó, ông Evenett cho rằng các điều khoản “quanh co” trong văn bản làm cho một số phần của thỏa thuận trở nên vô nghĩa như các điều khoản về an ninh lương thực chẳng hạn.

Ngoài ra, đàm phán Doha cũng đang vấp phải thách thức đến từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu. Các nhà đàm phán TPP ngày 7-12 đã tham dự phiên đàm phán mới nhất tại Singapore trong nỗ lực ký kết hiệp định này vào cuối năm nay để hình thành một khu vực tự do mậu dịch trải từ Hoa Kỳ tới New Zealand, từ Nhật Bản tới Peru. Nếu TPP thành công, nó sẽ trở thành “hiệp định thương mại của thế kỷ 21” đầu tiên, và sẽ là bước tiến quan trọng nhất về thương mại tự do trong suốt 2 thập kỷ qua. Khi đó, vai trò của WTO cũng như vòng đàm phán Doha sẽ bị các quốc gia xem nhẹ.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục