Xả chất thải ra môi trường: Phạt cao, vi phạm vẫn tăng

Theo Nghị định 155 (có hiệu lực từ 1-2-2017), mức phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường rất cao, thậm chí có hành vi mức phạt tăng gấp 10 lần so với trước; song, tại TPHCM, số vụ vi phạm đến nay vẫn chưa được kéo giảm.

Đáng chú ý hơn, tại một số quận ven, huyện ngoại thành của thành phố, nạn lén đổ - xả - chôn lấp rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại diễn biến phức tạp hơn với nhiều chiêu thức mới, tinh vi.

Doanh nghiệp tái phạm liên tục

Bình Chánh là một trong những quận/huyện có số vụ vi phạm về môi trường nằm trong tốp đầu tại TPHCM những năm qua. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện này, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 150 trường hợp vi phạm về môi trường, xử phạt hành chính gần 14 tỷ đồng.

Vi phạm tập trung chủ yếu ở các hành vi: thải - xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn; chuyển giao, chôn lấp chất thải không đúng quy định…

Đại diện lãnh đạo huyện Bình Chánh nhìn nhận, số vụ vi phạm về môi trường trong thực tế còn cao hơn nhiều, do công tác giám sát, quản lý của chính quyền, ngành chức năng cơ sở có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt. Phần lớn các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý khi chính quyền, ngành chức năng kiểm tra chuyên đề, định kỳ tại doanh nghiệp (DN), cơ sở; còn các vi phạm (chôn lấp, đổ lén chất thải công nghiệp ra kênh rạch…) được phát hiện từ việc mục sở thị của cán bộ, hoặc từ tố giác - phối hợp của người dân, thì rất ít.

Ở một số địa phương khác như các quận 12, 7, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè… cũng tồn tại các hạn chế, vi phạm tương tự.   

Bên trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), mặc dù công tác quản lý nhà nước về môi trường được thắt chặt hơn, song vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí có nhiều DN, cơ sở tái phạm nhiều lần.

Xả chất thải ra môi trường: Phạt cao, vi phạm vẫn tăng ảnh 1 Rác thải do một đơn vị san lấp mặt bằng đem chôn lén tại ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh bị báo chí phát hiện mới đây
Ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường - Ban Quản lý các KCX và công nghiệp TPHCM (Hepza), cho hay từ năm 2017 đến nay, Hepza phát hiện, xử lý 27 DN vi phạm các quy định về đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, với số tiền gần 7 tỷ đồng.

Theo ông Trực, với mức phạt mới theo quy định trong Nghị định 155 rất cao, việc xử phạt được xem là một trong những giải pháp căn cơ để kéo giảm số vụ vi phạm môi trường, nhưng thực tế thì khác, nhiều DN vẫn không “ớn” phạt.

Đơn cử như Công ty TNHH Green W.V (KCN Lê Minh Xuân). Tháng 7-2017, DN này bị Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM (PC05) xử phạt 160 triệu đồng về hành vi “thải bụi, khí thải vượt chuẩn cho phép ra môi trường”. Tuy vậy, đến tháng 6-2018, khi lực lượng chức năng kiểm tra lại phát hiện DN tái phạm hành vi cũ.

Ngoài việc lén lút thải - xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn, đổ rác thải ra môi trường, hiện nay không ít đối tượng, cá nhân, tổ chức vi phạm sử dụng nhiều chiêu thức mới tinh vi để tuồn rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại ra môi trường.

Ngày 12-4, Đội 5 - PC05 bắt quả tang ông Dương Minh K. chở rác thải công nghiệp (cao su vụn) bằng xe tải đổ xuống khu đất đang san lấp tại khu vực gần sông ở ấp 5, xã Phong Phú (huyện Bình Chánh).

Tương tự, lợi dụng việc san lấp mặt bằng, mới đây một cá nhân hợp đồng san lấp mặt bằng cho ông Trần Hồng Thái và bà Nguyễn Thị Cẩm Sa tại ấp 2, xã Phong Phú. Quá trình san lấp, đối tượng này vận chuyển lượng lớn chất thải đến chôn lấp bên dưới khu đất. Đáng chú ý, vụ việc chỉ được phát giác từ báo chí.       

Buông lỏng quản lý + bất cập trong xử lý: Vi phạm nhiều! 

Vì sao mức phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường cao nhưng số trường hợp vi phạm không giảm, tái phạm nhiều lần? Phó Chủ tịch UBND một huyện ngoại thành ở TPHCM cho rằng, quy định về việc cưỡng chế, xử lý trường hợp vi phạm, tái phạm còn nhiều bất cập là nguyên nhân chính dẫn đến việc DN vi phạm không sợ phạt, để vi phạm kéo dài.

Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản luật liên quan khác chưa có quy định cụ thể biện pháp cưỡng chế trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bất cập này kéo theo khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền, vì trong quyết định cưỡng chế phải ghi rõ biện pháp cưỡng chế được áp dụng. 

Ngoài ra, theo Hepza, hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong việc cưỡng chế cá nhân, tổ chức vi phạm. “Để cưỡng chế một DN vi phạm về môi trường cố tình không đóng phạt, cơ quan lập biên bản vi phạm phải liên hệ với cơ quan thuế, ngân hàng - nơi DN đăng ký tài khoản - để phong tỏa tài khoản, truy thu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngân hàng không cung cấp tài khoản DN với lý do phải bảo mật thông tin cho khách hàng. Thậm chí có trường hợp, cơ quan chức năng chưa tiếp cận được tài khoản thì DN đã tẩu tán hết tiền”, đại diện lãnh đạo Hepza nêu rõ bất cập, đồng thời kiến nghị UBND TPHCM và các quận - huyện cần quán triệt đến các cơ quan liên quan phải phối hợp tốt trong quy trình xử lý; hoặc cơ quan thẩm quyền cần ban hành quy định riêng, cụ thể hơn trong việc cưỡng chế. 

Cùng với đó, công tác xử lý các vi phạm về môi trường ở cấp quận/huyện còn nhiều lúng túng do thiếu cán bộ chuyên trách, không có thiết bị đo đạc, thiếu kinh phí…

Việc quản lý, giám sát, theo dõi để phát hiện, xử lý các vi phạm của chính quyền cơ sở (phường/xã) chưa thực sự tốt; hoạt động tuyên tuyền, kêu gọi các đoàn thể xã hội, người dân tham gia giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm chưa hiệu quả…

Các tồn tại trên đã và đang góp phần khiến tình trạng vi phạm môi trường ngày càng gia tăng, tội phạm về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp. 

Tin cùng chuyên mục