Xã hội hóa giáo dục đại học phải là con đường cơ bản

Báo SGGP Online
Xã hội hóa giáo dục đại học phải là con đường cơ bản
GS Trần Phương. Ảnh: Xuân Trung

GS Trần Phương. Ảnh: Xuân Trung

(SGGPO).- Như Báo SGGP Online đã đưa tin, ngày 4-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, Báo SGGP Online đã phỏng vấn GS Trần Phương, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ về quan điểm của ông trong vấn đề đổi mới giáo dục mà xã hội đang quan tâm.

GS Trần Phương nói, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã được Trung ương Đảng thông qua và đang được ngành GD-ĐT triển khai. Đây là một “trận đánh lớn” đúng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nói, xã hội rất mong mỏi đề án thành công để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

*Phóng viên: Có nhiều vấn đề về đề án mà xã hội đang rất quan tâm về giáo dục, nhất là về cơ chế tài chính giáo dục. Theo GS cơ chế tài chính giáo dục hiện nay đã thỏa đáng chưa?

*GS Trần Phương: Có lẽ cần xét lại trường công có đáng phải bao cấp 70% học phí không? Hiện nay Nhà nước dành 20% ngân sách cho giáo dục là hết mức rồi; chỉ tới đó thôi. Vấn đề là chúng ta phải tiêu vào những việc gì? Nếu cứ dùng như hiện nay, giáo dục nước ta không tiến lên được. Hai lần Đại hội Đảng (Đại hội X và XI), Bộ Chính trị có mời tôi phát biểu. Tôi nói rằng không có một nước nào mà bắt trẻ con tiểu học phải nộp học phí cả. Vậy mà ở ta, trẻ từ mầm non trở lên đã phải đóng học phí (hiện nay chỉ miễn học phí cho tiểu học-PV). Như vậy là nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình. Thu thuế của dân thì ít nhất cũng phải bảo đảm cho trẻ con từ mẫu giáo tới tiểu học được đi học miễn phí. Nếu tỉnh, thành phố nào phổ cập THCS thì hãy bảo đảm cho tất cả các trường THCS không phải nộp học phí.

Vấn đề cần đặt ta là, với 20% ngân sách đó, chỉ dùng cho trẻ con để trẻ con không phải nộp học phí thì chúng ta còn bao nhiêu tiền?. Với số tiền còn lại đó, Nhà  nước bỏ tiền ra để xây trường, lại phải bao cấp cho tất cả sinh viên trường công lập 70%. Với xuất đầu tư cho mỗi sinh viên ấy, liệu có thể nâng cao chất lượng đào tạo được không? Nếu còn giữ bao cấp kiểu này thì thử hỏi giáo dục đại học Việt Nam tiến lên bằng cách gì?. Trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này mà Trung ương vừa thông qua, Bộ GD-ĐT đề ra đủ thứ mục tiêu cao xa, nhưng mà tiền đâu? Nếu chỉ dựa vào 20% ngân sách mà không sửa cách chi tiêu thì tiến lên làm sao được?

*Vậy đâu là giải pháp thưa  ông?

*Vì vậy, một giải pháp quan trọng nhất là tất cả các trường đại học công lập đều phải yêu cầu phụ huynh đóng tiền chi phí đào tạo cho con em  mình, trừ một số ngành đặc biệt. Các trường công lập không được bao cấp nữa, kể cả các đại học quốc gia cũng vậy. Nhà nước cần xem xét, chỉ cấp học bổng cho những sinh viên có vai trò quan trọng về nghiên cứu cho đất nước, hoặc những ngành đặc biệt quan trọng.

Hiện nay nhiều trường thuộc ngành quốc phòng đào tạo cả những ngành kinh doanh, cả CNTT, đủ thứ cho dân sự thì hà cớ gì lại lấy tiền từ ngân sách quốc phòng? Các trường quốc phòng đào tạo cả cho dân sự thì khác gì trường đại học dân lập? Để cho giáo dục đại học tiến lên thì phải xã hội hóa ngay cả các trường công lập. Tất cả các trường công như ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương phải thu học phí như trường đại học ngoài công lập.

Ngoài việc xóa bao cấp đối với sinh viên trường công, thì phải phát triển trường ngoài công lập. Ảnh mang tính chất minh họa: Sinh viên ĐH KHTN tốt nghiệp 2013. Ảnh: Mai Hải

Ngoài việc xóa bao cấp  đối với sinh viên trường công, thì phải phát triển trường ngoài công lập. Ảnh mang tính chất minh họa: Sinh viên ĐH KHTN tốt nghiệp 2013. Ảnh: Mai Hải

Cần xác định lại nội hàm của xã hội hóa. Xã hội hóa là gì? Xã hội hóa đâu phải chỉ là lập ra 80 trường ngoài công lập? Xã hội hóa trước tiên là phải áp dụng trong hệ thống trường công lập. Con em của dân muốn có được cái nghề thì cha mẹ phải trả chi phí đào tạo. Ai nghèo không có tiền thì Nhà nước có chính sách cho vay để đi học.

Chúng ta hay nói xã hội hóa giáo dục thì cũng cần phải có lộ trình? Nói lộ trình là muốn giữ lại cái cũ, không làm gì cả. Có những trường đại học dân lập thu học phí 9 triệu đồng/năm học nhưng sinh viên vẫn vào ào ào. Phải chăng do tư tưởng bao cấp còn quá nặng nề nên chúng ta không dám chuyển hướng. Vì thế, nếu cứ với 20% ngân sách cho giáo dục, mà không thực hiện xã hội hóa, thì giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng sẽ không phát triển được. Nếu không chuyển hướng tư duy về xã hội hóa giáo dục thì đại học không phát triển được.

*Xã hội hóa giáo dục đại học ở đây có đồng nghĩa với phát triển đại học ngoài công lập?

*Chúng ta định phấn đấu đến năm 2020 nước ta sẽ đạt được công nghiệp hóa về cơ bản, trong khi đó thì Chiến lược phát triển giáo dục chỉ xác định đại học phát triển ở mức mấy phần trăm/năm. Nếu đại học chỉ phát triển mấy phần trăm/năm thì làm gì có công nghiệp hóa? Vì vậy, ngoài việc xóa bao cấp  đối với sinh viên trường công, thì phải phát triển mạnh trường ngoài công lập. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đề ra mục tiêu đạt 400 sinh viên/vạn dân và 40% sinh viên học trong các trường ngoài công lập, nay không thấy được nhắc lại? Lý gì Nhật Bản giầu có như thế mà 80% sinh viên học ở các trường đại học cao đẳng ngoài công lập? Vì ngân sách không thể đủ để bao cấp được.

Đảng, Nhà nước ta cần dứt khoát phải khẳng định rằng con đường xã hội hóa giáo dục đại học là con đường cơ bản. Phải áp dụng xã hội hóa ngay cả với đa số các trường công lập. Có như vậy, giáo dục đại học mới có thể phát triển.

Nếu chúng ta dừng lại  ở 2 triệu sinh viên đại học thì sự nghiệp công nghiệp hóa của chúng ta sẽ như thế nào đây? Ai làm công nghiệp hóa?. Vấn đề lớn nhất là chúng ta cần phát triển giáo dục đại học theo hướng "đại chúng" để công nghiệp hóa. Chúng ta phải làm gì cho giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, trong điều kiện ngân sách không thêm được? Có hai giải pháp, một là, sinh viên tất cả các trường công đều phải nộp học phí. Nhà nước chỉ cấp học phí cho những ngành nghề mà Nhà nước đặc biệt quan tâm, chẳng hạn như đào tạo kĩ sư nguyên tử; hai là phải mở thêm trường ngoài công lập chất lượng. Xóa bao cấp đi sẽ tự khắc có sự bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Nếu còn bao cấp thì còn bất bình đẳng. Tất cả các trường ngoài công lập nên chuyển sang phi lợi nhuận, người góp vốn chỉ cần lấy lãi bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ (11%); không nên chia lợi nhuận, bởi tất cả những phức tạp, lủng củng của trường ngoài công lập thường khởi nguồn từ sự ăn chia.

Đảng, Nhà nước hãy giải phóng các trường  công lập khỏi sự bao cấp của Nhà nước về học phí, để thực sự xã hội hóa giáo dục đại học, mở ra con đường rộng thênh thang cho giáo dục đại học phát triển theo hướng "đại chúng hóa". Đó là điều kiện tối cần thiết để thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

• Xin cảm ơn GS! 

PHAN THẢO 

>> Để đổi mới giáo dục thành công, phải chuẩn bị con người

>> Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Tin cùng chuyên mục