Xã hội hóa nguồn lực đầu tư

Kết thúc năm 2007, nhìn lại quá trình phát triển trong 5 năm qua cho thấy, so với cả nước vốn đầu tư trên địa bàn TPHCM ít phụ thuộc vào ngân sách và doanh nghiệp nhà nước. Đó là cả một quá trình đầy năng động của TPHCM trong việc thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển.

Con số so sánh của các cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ đầu tư phát triển trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TPHCM thấp hơn so với cả nước, khoảng 35% GDP trong giai đoạn 2001-2005 trong khi cả nước dự ước là 36,98%.

Tuy nhiên, TP đạt tăng trưởng cao hơn mức chung của cả nước, có nghĩa là hiệu quả đầu tư trên địa bàn TPHCM cao hơn mức bình quân chung. Phân tích sâu cho thấy, hệ số ICOR của TPHCM đạt khoảng 3 trong khi cả nước là 4,7.
 
Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM cao hơn so với của cả nước. Cụ thể, đầu tư khu vực dân doanh chiếm 41% (cả nước chiếm 26%), khu vực đầu tư có vốn nước ngoài chiếm 22% (cả nước là 16,4%). Điều này dẫn đến kết quả, những năm gần đây vốn đầu tư từ khu vực dân doanh chiếm tỷ trọng cao nhất.

Năm 2000 vốn ngân sách và doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 48% tổng vốn đầu tư trên địa bàn, đầu tư nước ngoài gần 30% và khu vực dân doanh chỉ chiếm hơn 22%. Đến năm 2005, khu vực đầu tư của khu vực dân doanh chiếm tới 52% tổng vốn đầu tư trên địa bàn, còn đầu tư từ ngân sách và doanh nghiệp nhà nước giảm còn 36% và đầu tư nước ngoài còn có 22%.

Tỷ trọng đầu tư vào các ngành dịch vụ cũng tăng nhanh, từ khoảng 50% vào năm 2000 lên 65,9% vào năm 2004 và hiện nay vẫn tiếp tục tăng khi TPHCM áp dụng nhiều biện pháp ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp-xây dựng giảm tương ứng.

Sự thay đổi cơ cấu đầu tư trên được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP trong giai đoạn hiện nay. Cùng với việc cơ cấu phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính từ ngân sách theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển, tập trung cho những chương trình-công trình trọng điểm, đã góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tăng trưởng nhanh hơn.

Các nhà đầu tư kỳ vọng TPHCM trở thành đầu kéo toàn vùng cùng phát triển nhanh và vững chắc.

THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục