Trong đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 26 có đến 9 môn thi đấu chính thức và 1 môn biểu diễn (chiếm 1/4 số lượng môn và 1/8 nhân sự của đoàn) được thực hiện theo hình thức xã hội hóa mà trong đó nhà nước không bỏ hoặc bỏ một ít chi phí. Về cơ bản, những môn này không có nhiều khả năng tranh đoạt huy chương nhưng đã giải quyết một vấn đề hết sức cơ bản cho thể thao nước nhà, đó là phát triển rộng, đều, tiếp cận được trình độ quốc tế của các môn thể thao chưa phổ biến tại Việt Nam.
Cứ mỗi kỳ SEA Games, bên cạnh các môn thi đấu tranh đoạt huy chương để tính thành tích toàn đoàn thì có phân nửa số môn được cử đi tham gia cốt để học tập, lấy thêm kinh nghiệm thi đấu. Chủ trương xã hội hóa đã có từ lâu nhưng phải đến SEA Games lần này mới thể hiện rõ nét. Sự chậm chạp đó có nguyên nhân từ các bộ môn vốn vẫn khá thụ động khi thực hiện công tác xã hội hóa. Đấy là lý do vì sao mà các môn tự túc kinh phí tại SEA Games lần này đều nằm ở lĩnh vực thể thao giải trí. Nghĩa là dù đã có tiến triển nhưng xem ra, để có một nền thể thao xã hội hóa thực sự tiến lên chuyên nghiệp vẫn còn khá xa và nhiều khó khăn.
Ngay như môn bóng đá, suốt một tháng qua, liên quan đến việc ra đời công ty quản lý giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam (V.JSC) vẫn còn trong quá trình tranh cãi về quyền lợi của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) với sự độc lập toàn diện của công ty này. Bản chất của VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đã từng góp vốn thành lập Công ty VFD để kinh doanh riêng, vậy mà lại bối rối trước tiến trình chuyên nghiệp hóa thực thụ các giải bóng đá của mình.
Chính VFF yêu cầu các CLB phải chuyển đổi thành các công ty đại chúng, độc lập với các bộ môn bóng đá địa phương, nhưng khi các CLB đòi hỏi quyền tự quyết, thì họ lại muốn Công ty V.JSC phải là thành viên của mình. Trong khi đó, chính sự ra đời của V.JSC sẽ giúp cho VFF giảm bớt công việc, thúc đẩy mạnh hơn quá trình chuyên nghiệp hóa, thu hút thêm nhiều nguồn lực xã hội mà bản thân VFF vẫn đang khá chậm chạp thực hiện. Sự ra đời của V.JSC về cơ bản, cũng là một phần đóng góp của xã hội đối với quá trình phát triển bóng đá Việt Nam tương tự như VFF chia sẻ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục TDTT vậy.
Một tổ chức được đánh giá là được xã hội hóa nhanh như VFF mà còn bị động như thế đủ để cho thấy chủ trương lớn của Chính phủ đang được thực thi nửa vời như thế nào.
Nguyên nhân không khó thấy: Dù phát triển nhanh nhưng VFF cũng như nhiều liên đoàn thể thao khác vẫn như một kiểu “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ máy lãnh đạo vẫn còn quá nhiều người kiêm nhiệm hoặc được biên chế từ các bộ môn sang để “ăn lương 2 nơi, làm việc một kiểu”. “Chất lượng xã hội” trong bộ máy vẫn còn quá ít nên khi gặp phải xu thế đòi chuyên nghiệp thực thụ từ dư luận thì lại có quan điểm thu gọn, củng cố quyền lực hoặc tiếp tục nối dài chức năng quản lý.
Những thành công tại môn cờ vua, cầu lông thật quá ít ỏi. Ngay cả việc xã hội hóa đến 1/4 số môn như tại SEA Games 26 lần này cũng chỉ là một bước tiến nhỏ. Sự trục trặc khi ra đời Công ty V.JSC ở môn bóng đá lại càng cho thấy điều quan trọng trong việc xã hội hóa thể thao vẫn chính là thay đổi ý thức từ chính những người đang quản lý thể thao trước khi yêu cầu thêm đóng góp của xã hội.
Tâm Việt