Xã hội hóa trạm y tế phường, xã

Xã hội hóa trạm y tế phường, xã

Phản hồi bài “Người dân ngán vào trạm y tế”

Báo SGGP vừa có bài “Thiếu nhân lực, trang thiết bị cũ kỹ - Người dân ngán trạm y tế” phản ánh nhiều hạn chế của trạm y tế (TYT) phường, xã nhưng Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TPHCM vẫn triển khai chủ trương cho khám Bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu. Cùng lúc này, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM cũng đang giám sát công tác y tế dự phòng, nhất là ở TYT phường, xã. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, xung quanh vấn đề trên.

Ông Huỳnh Công Hùng (phải) giám sát công tác y tế dự phòng tại Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

Ông Huỳnh Công Hùng (phải) giám sát công tác y tế dự phòng tại Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

- Phóng viên: Thưa ông, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vừa giám sát một số đơn vị y tế dự phòng (YTDP). Ông đánh giá thế nào về YTDP thành phố hiện nay?

>> Ông HUỲNH CÔNG HÙNG: Nếu nói YTDP thành phố thì tách ra 2 cấp. Một là YTDP thành phố, hai là YTDP quận, huyện gắn với TYT phường, xã. Nhìn chung là có sự chuyển bộ về nhận thức đối với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo từ trung tâm YTDP đến TYT phường, xã khá tốt. Điều này thể hiện ở chỗ quán triệt trong công tác truyền thông, đầu tư cho hoạt động, đội ngũ YTDP, đầu tư cơ sở vật chất cho YTDP phường, xã. Trên cơ sở đó, gắn liền với việc thực hiện 5 nhiệm vụ mà thành phố đã giao cho trung tâm YTDP các quận, huyện đến TYT phường, xã là chăm sóc các bệnh lao, nhi khoa, HIV, sức khỏe sinh sản, những bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường và cả ung thư giai đoạn cuối… Nói chung đều có sự chia sẻ hỗ trợ đối với bệnh nhân. Tôi thấy sự chuyển bộ đó đã tạo được những kết quả ban đầu khá tốt, thể hiện trong phòng chống dịch bệnh, trong tiêm chủng, trong khám sức khỏe ban đầu cho người dân. Song song đó là sự chuyển bộ để tiến tới khám BHYT cho người dân tại các TYT phường, xã. Chính việc chuẩn bị như vậy cho thấy sự phân cấp y tế, nhất là YTDP từ thành phố xuống xã, phường là khả thi và bước đầu tiếp cận được nhiệm vụ thực hiện dự án “Bác sĩ gia đình”.

- Liệu thực trạng các TYT phường, xã hiện nay có đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh BHYT ban đầu hay không, thưa ông?

Nếu nói về điều kiện thì qua một số TYT mà Ban Văn hóa - Xã hội đi giám sát cộng với thẩm định của ngành y tế thành phố thì không chỉ dừng ở 64 TYT ở các quận, huyện đủ điều kiện. Hầu như TYT ở các huyện là khá. Một số quận nội thành như Phú Nhuận, Bình Thạnh, hoặc quận vùng ven như Thủ Đức, quận 12 có đủ điều kiện để khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở TYT. Nhưng phải có kế hoạch và quy trình rất rõ, bao gồm cả phác đồ điều trị, thuốc men và mối quan hệ giữa bệnh viện quận, huyện với trung tâm YTDP hay trung tâm YTDP với TYT. Điều này theo tôi đã có những cuộc làm việc với Bảo hiểm xã hội thành phố. Đó là giữa Trung tâm YTDP và Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng với nhau. Trên cơ sở đó trung tâm YTDP giao nhiệm vụ cho TYT để có cơ chế cấp thuốc, quản lý thuốc khám chữa bệnh ban đầu. Như vậy thì thỏa mãn được yêu cầu khám BHYT tuyến đầu là khám và nhận các loại thuốc thông thường. Qua khám ở TYT, gắn kết với trung tâm YTDP, gắn kết với bệnh viện để chuyển viện khi cần thiết. Và khi bệnh viện tiếp nhận thì thông tin ngược lại. Trong tam giác này, sẽ gắn kết với dự án “Bác sĩ gia đình” rất hiệu quả. Theo tôi, với điều kiện của những TYT được thẩm định thì đủ điều kiện để khám BHYT ban đầu.

- Nhưng theo Luật Khám chữa bệnh thì trung tâm YTDP các cấp chỉ có chức năng phòng dịch, không có chức năng khám chữa bệnh. Vậy, việc đưa khám BHYT ban đầu về TYT phường, xã có đi chệch hướng quy định hiện hành?

Sự bất cập này sẽ được kiến nghị giải quyết sửa đổi Luật Khám chữa bệnh theo hướng trung tâm YTDP có chức năng khám chữa bệnh. Thực tế là hiện nay YTDP đã chăm sóc và quản lý bệnh như lao, sản và một số bệnh ban đầu khác như thai sản, kế hoạch hóa gia đình hoặc bệnh mãn tính như huyết áp. Vậy TYT vượt chức năng, vừa phòng dịch vừa chăm sóc sức khỏe. Và chính chăm sóc sức khỏe ban đầu là được quyền khám bệnh. Còn quy định hiện nay là do cấp trên không cho người ta làm. Chuyện đó phi lý. Cho nên cái sai phải điều chỉnh để làm sao đội ngũ sau này chuyên về YTDP, cử nhân y tế cộng đồng làm công tác dự phòng nhưng bác sĩ thì phải cho khám bệnh. Có khám bệnh được thì bác sĩ mới làm tốt công tác phòng bệnh. Bản thân người làm công tác YTDP cũng không sống bằng YTDP. Điều này trước hết là hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế! Những bác sĩ hiện nay đang công tác ở các trung tâm YTDP, các TYT phường, xã không được khám bệnh, không cho chức năng khám bệnh, mở phòng mạch thì liệu bác sĩ sống bằng gì? Và không cho khám bệnh thì sự lãng phí này như thế nào? Và liệu trong bao nhiêu thời gian đào tạo được đội ngũ bác sĩ như thế. Theo tôi, y tế cơ sở là bao gồm cả y tế quận, huyện, là bệnh viện quận, huyện, trung tâm YTDP và TYT xã, phường. Còn hiểu y tế cơ sở là TYT phường, xã không thì đó là cắt khúc.

- Xin hỏi, nếu được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu tại TYT, ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ cũng bình thường thôi. Tôi sống ở địa phương nào thì người ta quản lý sức khỏe của tôi ở đó. Nhưng cần thiết tôi có thể đăng ký khám bệnh ở bệnh viện quận. Còn trường hợp cấp cứu thì không tính. Vấn đề là chất lượng khám chữa bệnh ở các TYT. Không thể nói là chất lượng tốt thì tôi mới về hay tôi về thì chất lượng mới lên. Trách nhiệm là phải làm đồng bộ, đầu tư về TYT là phải đưa bác sĩ, đưa con người, thiết bị đảm bảo chất lượng. Và hơn nữa là xâu chuỗi được TYT với trung tâm YTDP, với bệnh viện. Quan điểm của tôi là phải xã hội hóa các TYT phường, xã, để từ đó anh em bổ trợ cho nhau, phát triển nghề nghiệp, sống bằng sức của nó chứ sống bằng những đồng tiền của ngân sách phòng chống dịch bệnh thì TYT phường, xã không bao giờ phát triển được.

- Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG LÂM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục