Lộc Tấn là xã biên giới nằm cách xa trung tâm huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) gần 30km với hơn 10% hộ nghèo sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Khi hay tin một trạm xá quân dân y sẽ được xây dựng ngay tại nơi xa xôi, hẻo lánh này, người dân ai nấy đều vui mừng, háo hức hẳn lên.
Chị Rlem, người dân tộc S’Tiêng nhà ở ấp Thạnh Đông vui vẻ nói: “Mình mừng lắm, đêm qua không ngủ được chỉ mong trời sáng để ra đây chứng kiến lễ khởi công…”. Chị cho biết, sáng nay còn có rất nhiều đàn ông, phụ nữ và cả trẻ con trong làng kéo ra đây xem lễ, nhưng chờ lâu quá đi làm rẫy hết rồi.
Với người dân ấp Thạnh Tây - nơi được chọn địa điểm để xây dựng trạm xá quân dân y - thì ai cũng vui mừng hẳn lên. Chị Đặng Thị Trinh nói: “Từ đây ra tới xã cũng hơn 10km, nhà có người đau bệnh phải đi nửa ngày mới mua được thuốc uống. Giờ thì không lo nữa rồi, chỉ vài bước chân là đã có bác sĩ, có thuốc thang không phải đi đâu xa”.
Theo thiết kế, Trạm xá quân dân y Lộc Tấn có diện tích xây dựng gần 200m² bao gồm 2 khu nhà cấp 4 với các phòng khám bệnh, phòng điều trị hơn 10 giường bệnh. Tổng giá trị đầu tư công trình hơn 500 triệu đồng do Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh tỉnh Bình Phước tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 2 tháng thi công. Theo đồng chí Hoàng Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Tấn, ngoài Trạm xá quân dân y có khuôn viên hơn 5.000m², xã đã quy hoạch dành ra 2ha để xây dựng nhiều công trình dân sinh khác như khu vui chơi thiếu nhi, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… Trong tương lai không xa nơi đây sẽ hình thành một trung tâm văn hóa với các cơ sở vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cũng có kế hoạch xây dựng thêm nhiều công trình khác bên cạnh Trạm xá quân dân y để phục vụ người dân được tốt hơn. Theo đại tá Phùng Tiến Lãng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, trong diện tích hơn 5.000m² đất được giao, đơn vị sẽ dành ra 3.000m² để đào ao thả cá và trồng rau xanh, lập vườn thuốc Nam. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng hơn 100 triệu đồng do Đồn Biên phòng Chiu Riu - đơn vị quản lý hoạt động của Trạm xá quân dân y vận động các doanh nghiệp đóng góp và huy động ngày công của bộ đội tham gia xây dựng. Số tiền thu được từ mô hình ao cá, vườn rau, vườn thuốc sau này sẽ được lập thành quỹ riêng để trích ra hàng tháng hỗ trợ lại cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ neo đơn không nơi nương tựa. Chưa kể lượng rau xanh, bầu bí thu hoạch được hàng ngày cũng sẽ tặng các hộ nghèo, người đau ốm để cải thiện đời sống. Đây có thể được coi là một công trình mẫu có sự kết hợp của nhiều mô hình hoạt động gắn với chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng biên giới xa.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Trần Thị Bích Lệ, toàn huyện Lộc Ninh hiện nay chưa có xã nào đạt chuẩn y tế theo tiêu chí mới. Với mô hình Trạm xá quân dân y gắn kết với nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe và phục vụ đời sống người dân như ở xã Lộc Tấn sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho các xã trong huyện, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
HOÀI NAM