Thay cho giám định của cơ sở y tế, giờ đây theo quy định mới, việc xác định dạng tật, đánh giá mức độ khuyết tật (KT) do phường - xã thực hiện bằng phương pháp quan sát, phỏng vấn trực tiếp người KT. Qua 2 tháng thực hiện, bước đầu nhiều phường - xã phản ánh rất khó khăn để… đưa ra kết luận mức độ KT chính xác.
Dễ mà khó
Để xác định dạng tật, mức độ KT, UBND các phường - xã đã thành lập Hội đồng xác định mức độ KT (gọi tắt là hội đồng), gồm chủ tịch UBND phường - xã, trưởng trạm y tế, lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cùng công chức chuyên trách lao động xã hội. Kết hợp với quan sát và phỏng vấn trực tiếp, các thành viên trong hội đồng dùng phiếu xác định dạng KT và phiếu đánh giá mức độ KT để cho điểm. Với người trên 6 tuổi, hội đồng sẽ đánh giá các hoạt động tự đi lại, tự ăn uống, tự đi vệ sinh, vệ sinh cá nhân, tự mặc đồ, nghe, nói, làm việc gia đình… Có 3 mức độ thực hiện được, thực hiện nhưng cần sự trợ giúp và không thực hiện được, tương ứng với 3 mức điểm 2, 1 và 0. Số điểm tối đa cho 8 hoạt động trên là 16, được chia theo các mức: từ 0 - 4 là mức độ đặc biệt nặng, từ 5 - 11 là nặng và từ 12 điểm trở lên là nhẹ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh, dù bảng hướng dẫn rất rõ ràng nhưng vẫn rất khó đối với các thành viên không có chuyên môn về y tế, ngoại trừ thành viên ở trạm y tế. Nếu phường đánh giá sai mức độ KT sẽ rất nhạy cảm, vì mức độ KT có liên quan đến chế độ trợ cấp. Tại quận 10, sau buổi đánh giá mẫu 4 người KT ở phường 11 để cho 15 phường khác chứng kiến, lãnh đạo một phường cho biết, cùng một trường hợp nhưng mỗi người đánh giá mỗi kiểu, mức điểm giữa các thành viên chênh nhau nhiều đã gây khó cho chủ tịch hội đồng đưa ra kết luận. Các địa phương có đông người KT còn đang phải chạy đua thời gian cho kịp yêu cầu hoàn thành trong tháng 12-2013. Chủ tịch UBND phường 15, quận 10 Tô Trung Kiệt lo lắng, phường có hơn 160 người KT đang hưởng trợ cấp, chưa kể người mới phát sinh. Mỗi buổi giám định, phường chỉ làm được khoảng 10 trường hợp. Như vậy, rất khó kịp hoàn thành trong tháng 12-2013. Tại quận 11, UBND nhiều phường phải tổ chức các buổi giám định vào ngày cuối tuần vì cuối năm, lịch làm việc đã kín trong tuần.
Lo ngại xác định tâm thần, tự kỷ
Hiện các địa phương đang tập trung xác định lại dạng tật, mức độ KT đối với những người KT đang được hưởng trợ cấp xã hội. Tiếp đó, mới rà soát, xác định dạng tật, mức độ KT với người mới phát sinh. Đến nay, quận 11 đã xác định, đánh giá được 631 trường hợp (trong đó có 4 trường hợp mới). Bà Thân Thị Trang, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH quận 11, cho biết, với trường hợp người KT đang hưởng trợ cấp thì các phường dễ đưa ra kết luận hơn vì có thể tham khảo hồ sơ của đương sự, trong đó có giấy tờ của cơ quan y tế. Với các trường hợp mới sẽ rất khó vì không có căn cứ tham khảo, thường hoàn toàn phụ thuộc vào quan sát, phỏng vấn của các thành viên. Trong khi đó, các KT về vận động, nghe - nói, nhìn… còn có thể dễ nhận biết, đánh giá. Nhưng để xác định, đánh giá người tâm thần thì không đơn giản và điều lo nhất là tình trạng thất thường lúc nặng, lúc nhẹ của người bệnh rất dễ dẫn đến việc thẩm định không chính xác. Thậm chí không loại trừ có trường hợp giả bệnh tâm thần nặng để được trợ cấp, hay trốn tránh các trách nhiệm dân sự, hình sự. Vừa qua, quận 11 có trường hợp nghiện rượu, người mê mê tỉnh tỉnh lại muốn ghé phường xác định diện tâm thần để được hưởng chế độ trợ cấp!
Theo lãnh đạo các địa phương, đối với các trường hợp khó đưa ra kết luận, các phường, xã được khuyến khích nên tiếp tục theo dõi một thời gian rồi mời người KT đến xác định, đánh giá lại (lần 2). Tuy nhiên, Luật Người khuyết tật không quy định có trường hợp lần 2 và thời gian giữa hai lần xác định, đánh giá. Thực tế, cũng rất khó để thành viên hội đồng theo dõi người KT, nhất là khi đương sự có dụng ý giả bệnh. Cùng với lo ngại về xác định, đánh giá người bệnh tâm thần, các phường, xã cũng đang lúng túng với các trường hợp tự kỷ. Phòng LĐTB-XH quận 11 cho biết, vừa qua, ở phường 6 có một em bé 2 tuổi bị tự kỷ. Khi phường đưa ra xét mới thấy trong hai mẫu phiếu xác định dạng KT và phiếu đánh giá mức độ KT đều không thể hiện mục bệnh tự kỷ. Vì vậy, phường phải gửi trường hợp này lên Hội đồng giám định y khoa.
Bên cạnh một số phường như phường Cầu Ông Lãnh (quận 1), phường 25 (quận Bình Thạnh)… phản ánh thực hiện tương đối thuận lợi, nhiều địa phương đề nghị, công tác xác định, đánh giá mức độ KT nên để cơ sở chuyên môn y tế làm như trước đây, còn phường - xã lo thực hiện chính sách thì sẽ thuận lợi hơn.
ĐƯỜNG LOAN