Xác định lại thời điểm chuyển quyền sỡ hữu nhà ở

(SGGPO).- Chiều 10-3, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục với nội dung xem xét dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương với 178 điều; tăng thêm 4 chương và 25 điều so với hiện hành.

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo tại phiên họp, các nhóm nội dung chủ yếu được đề nghị bổ sung, sửa đổi nhằm bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở…

Dự luật cũng đã quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình quy định của pháp luật về xây dựng; bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định nhằm góp phần giảm giá bán nhà ở; hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở…

Đặc biệt, các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là việc quản lý sử dụng các nhà chung cư cao tầng, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp và việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ lần này cũng đã được luật hóa khá cụ thể.

Ban soạn thảo cũng cho biết, hầu hết các ý kiến tham gia góp ý đều nhất trí cao với nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau cần phải xin ý kiến của Quốc hội.

Liên quan đến thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở (Điều 14), có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở với 4 trường hợp khác nhau (như nêu tại dự thảo Luật). Theo đó, trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa cá nhân với cá nhân thì kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua thanh toán đủ tiền cho bên bán, bên cho thuê mua; trường hợp tặng cho, đổi nhà ở giữa cá nhân với cá nhân thì kể từ thời điểm bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở; trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư với khách hàng thì kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhận bàn giao nhà ở; trường hợp thừa kế nhà ở thì kể từ thời điểm mở thừa kế theo pháp luật về thừa kế. Loại ý kiến khác lại đề nghị chỉ nên chia thành 3 trường hợp, gồm trường hợp mua bán, tặng cho, thuê mua, đổi nhà ở giữa cá nhân với cá nhân thì kể từ khi hợp đồng được công chứng, chứng thực; trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua, thuê mua thì kể từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà ở; trường hợp thừa kế nhà ở thì kể từ khi mở thừa kế theo pháp luật về thừa kế.

Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Điều 155) cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cho phép mọi cá nhân nước ngoài mà được nhập cảnh vào Việt Nam nếu có nhu cầu thì đều có quyền mua và sở hữu nhà ở. Loại ý kiến thứ hai kiến nghị quy định điều kiện chặt chẽ hơn, chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 03 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở. Việc này nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

ANH PHƯƠNG


Sáng nay, 10-3, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc. Trong buổi sáng, dự án Luật Kinh doanh bất động sản đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày để Ủy ban cho ý kiến.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung mới. 

Một trong số này là việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu, bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả.

Đặc biệt, dự luật đã mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế...

Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước, cụ thể là được kinh doanh theo 6 hình thức: (1) Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; (2) Mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; (3) Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; (4) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; (5) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật; (6) Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa mở rộng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật (Luật Đất đai 2013 cũng chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất).

Ngoài ra, tại Điều 14 về nguyên tắc kinh doanh bất động sản còn quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản và được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để làm trụ sở, văn phòng làm việc, để sản xuất, kinh doanh.

Dự luật cũng đã mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành.

Đồng thời, bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung 6 nhóm nội dung mới nêu trên, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) còn quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các loại nhà, công trình được đưa vào kinh doanh; quy định rõ điều kiện, hồ sơ của bất động sản đã hình thành và bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh; bổ sung nội dung về chuyển nhượng, cho thuê một phần diện tích đất trong dự án bất động sản; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tế hiện nay hoặc để bảo đảm thống nhất với các đạo luật khác có liên quan...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục