Xác định mục tiêu trung hạn

Hôm qua, 11-10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với nhiều chỉ tiêu quan trọng; xác định GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8%, lạm phát kiềm chế ở mức khoảng 7%. Nghị quyết nêu rõ, trong hai năm 2014 - 2015, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt.

Như vậy, đây là lần đầu tiên nghị quyết cuối năm của Quốc hội đề ra mục tiêu cho cả 2 năm tiếp theo. Điều này phù hợp với kiến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế và ý kiến của các đại biểu Quốc hội về một tầm nhìn trung hạn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vì nếu kế hoạch phát triển chỉ bó gọn trong thời gian ngắn hạn sẽ khó tạo được niềm tin vào chính sách. Nghị quyết càng thuyết phục hơn khi báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa nên đặt vấn đề phục hồi tăng trưởng trong năm 2014 vì kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1 - 2 năm tới. Bởi thế, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014 được đánh giá là phù hợp, không quá thấp để ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, cũng không quá cao gây sức ép lên chính sách.

Nhìn lại năm 2013, có thể thấy kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, với tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kỳ vọng về lạm phát của dân chúng. Đây là một yếu tố thuận lợi tạo đà thực hiện kế hoạch năm sau. Giá hàng hóa thế giới cũng được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm trong hai năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2014 - 2015, giá năng lượng có khả năng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%. Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo nền tảng để thu hút đầu tư trong 2 năm tới. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn cũng như triển vọng Hiệp định TPP được ký kết trong tương lai gần. Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai thời gian qua, sẽ phát huy tác dụng trong năm tới. Những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu sẽ giúp hệ thống tài chính lành mạnh, nâng cao khả năng cấp tín dụng nền kinh tế.

Dù mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014 không cao nhưng để đạt được vẫn cần tới những giải pháp điều hành linh hoạt và quyết liệt. Trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế. Bài toán đặt ra là cần đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên mức 30% GDP (năm 2013 mới đạt khoảng 29,1%) để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, gỡ khó cho doanh nghiệp. Năm 2014, cũng cần tập trung xử lý những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản, hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Việc đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện quyết liệt để tạo bước chuyển biến mới, tạo tiền đề ổn định vĩ mô căn cơ, phát triển bền vững. Mặt khác, xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng nên việc thu hút vốn FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu, giải quyết việc làm xã hội. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp cấp bách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng để người nông dân thật sự có thể trụ vững, làm giàu trên mảnh đất của mình.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục