Sau 4 tháng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2014 có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 1-1-2015), đã bộc lộ khó khăn về việc tính thời hạn tái tục của người tham gia BHYT đối với trường hợp thẻ hết hạn sử dụng chưa quá 3 tháng. Bởi Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định nhóm tham gia BHYT theo gia đình gồm: “Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 điều này và người đã khai báo tạm vắng; toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 điều này”. Việc gián đoạn thời gian tham gia BHYT của người dân xuất phát từ quy định trên, vì tham gia toàn bộ gia đình, nguồn tài chính cùng nộp một lúc, chắc chắn gặp khó khăn nên phải tiết kiệm để khi có đủ tiền nộp cho tất cả các thành viên mới thực hiện.
Bên cạnh đó, khoản d mục 1 của Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định: “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”. Vậy nếu một người tham gia liên tục nhiều năm từ ngày 4-4-2010, có thẻ BHYT hết hạn sử dụng lần sau cùng ngày 3-3-2015, ngày 26-4-2015 mới đến đại lý đóng phí BHYT cho bản thân và toàn bộ các thành viên trong gia đình, thì thời hạn hưởng quyền lợi của bản thân được tính từ ngày 26-4-2015 hay ngày 4-3-2015? Nếu tính từ ngày tiếp tục đóng phí 26-4-2015, thời gian tham gia gián đoạn gần 2 tháng có được tính là liên tục để hưởng quyền lợi theo quy định tại khoản đ mục 1?
Điều 4 Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: “100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến”.
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT theo quy định của Nhà nước, đề nghị liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung nội dung này, nêu rõ: “Trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng thì thời hạn tái tục được tính nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước”.
NGUYỄN TIẾN ĐẠT (BHXH huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)