Kỳ họp thứ 3 QH khóa XII:

Kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 16 đối với 6.000 người đang được quản lý tập trung sau cai

Hôm nay, 8-5, ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp, QH đã nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban QH về hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy. Ngoài ra, QH cũng đã nghe Báo cáo của Chính phủ về việc thí điểm tổ chức quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TP HCM và một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 16/2003 của QH và Báo cáo thẩm tra về công tác này của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH.

Quản lý người nghiện sau cai: hướng đi đúng, nhưng khó

Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của QH tại 7 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án quản lý người sau cai nghiện, đến cuối tháng 3-2008, cả nước có 32.228 người đã chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai (trong đó riêng tại TPHCM là 30.681 người). Ngoài TP.HCM là địa phương tiên phong, sáu tỉnh thành còn lại là Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Bình Dương.

Báo cáo khẳng định, là địa phương tiên phong trong công tác này, TPHCM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại TPHCM, sau 5 năm thực hiện NQ16, tội phạm hình sự đã giảm từ 16.000 vụ (năm 2001) xuống còn 9.000 vụ (năm 2006); tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao từ 66% (năm 2003) xuống 45% (2006).

Trong số 7 địa phương thực hiện NQ16, chỉ có TPHCM đã và đang thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, số người tái hòa nhập cộng đồng có việc làm chiếm gần 70%. Tỷ lệ tái nghiện bị phát hiện trong số 11.566 người tái hòa nhập cộng đồng chỉ có 6%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và phải có thời gian để theo dõi đánh giá, xem xét kết quả.

Thủ đô Hà Nội tuy được phê duyệt đề án muộn hơn, song cũng nhanh chóng triển khai thực hiện khá bài bản và đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, tại các địa phương còn lại, tình hình triển khai đề án chậm và trắc trở. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết: "Thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết là 5 năm nhưng các địa phương triển khai quá chậm. Trong đó có nguyên nhân rất lớn là khả năng đầu tư cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý"…

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 16 đối với 6.000 người đang được quản lý tập trung sau cai cho đến thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực, song Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai yêu cầu Chính phủ “giải bài toán kinh phí” cho các địa phương khác để thực hiện công việc này.

Báo cáo giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nêu rõ 2 nhóm ý kiến xung quanh vấn đề quản lý người sau cai nghiện.

Theo đó, một số đại biểu đề nghị thực hiện quản lý sau cai theo 2 hình thức: quản lý tại cộng đồng với đa số người cai nghiện bắt buộc xong và quản lý sau cai tập trung cho những người có nguy cơ tái nghiện cao. Nếu lựa chọn phương án này, Chính phủ sẽ phải có kế hoạch tổ chức một số cơ sở quản lý sau cai cho những địa phương không có điều kiện tài chính.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng nên kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc thêm một năm, không nên quản lý tập trung sau cai nghiện, mặc dù cách này cũng đặt ra thách thức về kinh phí do phải kéo dài thêm thời gian.

Dự kiến, các ĐBQH sẽ thảo luận tại tổ vào chiều ngày 10-5 và tại Hội trường trong phiên họp toàn thể sáng 16-5 về vấn đề này.

Tạo điều kiện về nhà ở cho sĩ quan Quân đội

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đa số các đại biểu đều đồng tình với nội dung sửa đổi 15 điều của dự án Luật này vì đó đều là những vướng mắc trên thực tế thời gian qua cần phải được thảo gỡ, như quy định sĩ quan tại ngũ được hưởng tiền lương, phụ cấp, nhà ở. Vì cuộc đời binh nghiệp là sự nghiệp, ngành nghề của người sĩ quan.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao giá trị của giấy chứng minh sĩ quan, bởi trên thực tế giấy này không có giá trị trong các giao dịch dân sự. Trong khi đó, để được cấp giấy chứng minh sĩ quan còn khó hơn nhiều so với việc để được cấp giấy chứng minh nhân dân.

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, đa số các đại biểu cũng đều tán thành với quy định tại điều 17 về việc trong trường hợp đặc biệt, việc cho phép tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM), việc đồng ý cho Thủ tướng được gia hạn thay vì phải để Quốc hội thông qua là phù hợp. Bởi trên thực tế, nhiều dự án giai đoạn khai thác, thăm dò tại những khu vực biển nhạy cảm có khi bị kéo dài hơn thời hạn quy định (theo quy định, thời hạn thăm dò không được quá 5-7 năm).

A.PHƯƠNG - H.MY

Tin cùng chuyên mục