Xe buýt TPHCM: Khốn đốn vì bị phạt

Xe buýt TPHCM: Khốn đốn vì bị phạt

Hiện nay, xã viên hợp tác xã (HTX) xe buýt chưa hết khó khăn bởi chi phí nhiên liệu tăng lại đang phải đối mặt với những “luật” phạt quá khắc nghiệt do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm) đặt ra. Có những đơn vị doanh thu trong tháng chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng nhưng số tiền phạt trên 220 triệu đồng!

Mức phạt quá cao!

Nhìn bảng xử phạt hành vi vi phạm hợp đồng do trung tâm áp dụng từ đầu năm 2008, chúng tôi không khỏi giật mình: xe buýt dừng quá thời gian quy định (2 phút) phạt 1 triệu đồng; chạy sai lộ trình phạt 800.000 đồng; mất 1 chuyến phạt 800.000 đồng; đón trả khách xa lề 0,25m phạt 500.000 đồng... So sánh với bảng xử phạt vi phạm năm 2007, bảng mức phạt năm 2008 đều tăng gấp 2-4 lần. Chủ nhiệm một HTX xe buýt (có 30 xe đang hoạt động) ngán ngẩm khi đưa cho chúng tôi xem quyết định xử phạt trên 220 triệu đồng và nói: “Chỉ tính riêng lỗi mất chuyến từ ngày 8 đến 11-2, số tiền phạt đã lên đến 112 triệu đồng, trong khi doanh thu của HTX trong 1 tháng chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng. Chính vì vậy mà không ít xã viên đã xin nghỉ chạy để khỏi phải đóng phạt”.

Xe buýt TPHCM: Khốn đốn vì bị phạt ảnh 1

Thật khó khăn cho xe buýt vào sát lề đón khách vì vướng các phương tiện khác.

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo nhiều đơn vị vận tải xe buýt đều cho rằng, để hoạt động xe buýt đi vào nề nếp, cần phạt nặng những hành vi vi phạm thuộc về lỗi chủ quan của tài xế và chủ xe như: không mở máy lạnh, phóng nhanh vượt ẩu, thái độ phục vụ hành khách không tốt…

Tuy nhiên, những lỗi thuộc về khách quan như chậm giờ, đậu đỗ không đúng vạch sơn, xe dừng tại trạm quá thời gian quy định thì cần phải xem xét lại. Đại diện HTX Quyết Thắng phân tích, việc phạt 1 triệu đồng cho hành vi dừng xe quá thời gian quy định 2 phút là không hợp lý. Trên thực tế, ở những trạm dừng đông khách hoặc có người già, phụ nữ mang thai, trẻ em thì xe dừng lâu hơn 2 phút mới rước được khách. Hay lỗi dừng đậu cách lề đường lớn hơn 0,25m, không đúng vạch sơn cũng cần xem xét lại, bởi rất nhiều trạm dừng bị các phương tiện khác dừng đậu lấn chiếm hết vạch sơn. Còn việc mất chuyến hay chậm giờ chủ yếu là do kẹt xe…

Một tài xế chạy tuyến Bến Thành-An Sương bộc bạch: “Với giá dầu hiện nay, các tài xế không dại gì cố tình chạy chậm để bị phạt chậm giờ. Tuy nhiên, trên đường vướng hàng trăm “lô cốt” thì đi nhanh làm sao được. Nhất là giờ cao điểm xe cộ kẹt cứng hàng giờ chưa thoát ra được, nhưng chỉ cần lách qua tuyến đường kế cạnh không kẹt để đi là bị cảnh sát phạt ngay”.

Khi nào điều chỉnh mức phạt?

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM cho biết, Hiệp hội xe buýt TPHCM đã có văn bản kiến nghị Sở GTCC xem xét lại mức phạt hiện nay vì nếu kéo dài tình hình này sẽ làm tăng áp lực cho xã viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này (27-5), trung tâm vẫn chưa xem xét lại mức phạt. “Đành rằng mức phạt cao sẽ giúp lái xe, tiếp viên ý thức phục vụ hành khách tốt hơn nhưng mức phạt mới về mất chuyến, trễ giờ quá cao vô tình gây áp lực khiến tài xế xe buýt phải chạy nhanh dẫn đến dễ gây tai nạn giao thông” – ông Hải nói.

Đại diện HTX xe buýt 19-5 cho rằng, việc hàng loạt tuyến đường bị rào chắn, đào xới ngổn ngang, ùn tắc giao thông thường xuyên khiến cho lỗi chậm giờ mất chuyến cũng tăng lên. Thế nhưng, thực tế đó cơ quan quản lý không thấy mà chỉ biết phạt và phạt. Trong khi đó, trạm dừng, nhà chờ bất hợp lý như nằm gần ngã tư, ngã ba gây ách tắc giao thông, tài xế rất khó đón trả khách thì không thấy phạt ai (!).

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM mới đây, Hiệp hội xe buýt TP và nhiều đại diện các đơn vị hoạt động xe buýt cũng đã kiến nghị HĐNDTP cần giám sát xem cách thức xử phạt xe buýt hiện nay đã đúng luật hay chưa. Vì cùng một hành vi vi phạm nhưng mức phạt của trung tâm đề ra cao hơn nhiều lần so với mức phạt mà pháp luật quy định. Đơn cử, hành vi không dừng hẳn xe khi đón trả khách, theo Nghị định 146 chỉ phạt 400.000 đồng, trong khi mức phạt của trung tâm đề ra là 1.000.000 đồng! Một số xã viên đặt vấn đề, phải chăng trung tâm được nhận 30% trích từ tiền xử phạt nên đã đẩy mức phạt lên cao?

Trao đổi với PV Báo SGGP về những bất hợp lý trong cách xử phạt xe buýt hiện nay, Phó Giám đốc Sở GTCC Dương Hồng Thanh thừa nhận, hình thức xử phạt của trung tâm hiện nay còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là mức phạt quá cao, dễ gây áp lực cho các xã viên và tài xế. Ông Thanh cho biết, ông đã chỉ đạo cho trung tâm nhanh chóng xem xét hình thức phạt và mức phạt đối với xe buýt. “Mục đích phạt là để lái xe, tiếp viên không vi phạm, phục vụ hành khách tốt hơn chứ không phải xử phạt để gây khó khăn cho xã viên và áp lực cho tài xế” – ông Thanh nhấn mạnh. 

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục