Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc

Dốc toàn lực giúp dân chống thiên tai
Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc
  • 143 người chết và mất tích
  • Nguy cơ lũ quét, ngập úng, sạt lở

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến chiều 10-8, đã có 143 người chết và mất tích, trong đó số người chết tại tỉnh Lào Cai là 36 người, Yên Bái 36 người, Hà Giang 9 người, Quảng Ninh 8 người, Phú Thọ 6 người và Bắc Kạn 1 người. Ngoài ra, còn có hàng chục người khác bị thương.

Dốc toàn lực giúp dân chống thiên tai

Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc ảnh 1

Nhiều khu vực ở Lào Cai bị cô lập trong nước lũ. Ảnh: QUỐC HỒNG

Trong ngày 10-8, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ NN-PTNT, Bộ đội Biên phòng cùng địa phương đã tập trung chỉ đạo chống lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh.

Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn cũng đã điều động một trực thăng theo yêu cầu của tỉnh Lào Cai để giám sát công tác khắc phục hậu quả do đường sắt, đường bộ đã bị gián đoạn. Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, các địa phương tập trung mọi phương tiện, lực lượng khẩn trương giúp đỡ người dân, khắc phục hậu quả mưa lũ trên tinh thần giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Về phía quân đội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng 8 tỉnh biên giới phía Bắc từ Sơn La đến Quảng Ninh tập trung lực lượng tham gia xử lý các tình huống, giúp dân di dời, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã huy động 300 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng các lực lượng tại địa phương tổ chức tìm kiếm cứu nạn được 37 người và giúp di dời 40 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các địa phương tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề

Thống kê ban đầu, tính đến chiều ngày 10-8, tỉnh Lào Cai vẫn là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài số người chết và mất tích lên tới gần 50 người thì đã có 39 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.600 căn nhà bị ngập nước hoặc bị đất đá sạt lở vùi lấp; trên 1.500ha lúa, cây hoa màu bị thiệt hại. Hiện tuyến đường từ trung tâm tỉnh Lào Cai đến huyện Bát Xát, nước đã rút nhưng một số xã vùng cao các huyện Sa Pa, Bát Xát và Bảo Thắng vẫn đang trong tình trạng bị cô lập.

Tại tỉnh Yên Bái, hiện 8 phường, xã của thành phố Yên Bái vẫn bị ngập. Thành phố Yên Bái đã di chuyển hơn 2.400 hộ dân trong vùng ngập đến nơi an toàn, còn lại gần 500 hộ đang trong vùng nguy hiểm tiếp tục được di chuyển. Nhiều tuyến đường trong thành phố Yên Bái và các tuyến đường liên huyện, liên xã bị ngập lụt và sạt lở nhiều đoạn. Ước thiệt hại về kinh tế do mưa lũ gây ra trên địa bàn Yên Bái trên 40 tỷ đồng.

Tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục có mưa trên diện rộng, ngoài thiệt hại về người, đã có 81 nhà bị sập, 5 nhà bị trôi, 39 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 1.265 nhà bị ngập nước, 1.868,5ha lúa và 690ha hoa màu bị ngập, 650 hồ lớn nhỏ bị vỡ và 3 cầu bị trôi. Đặc biệt nhiều đoạn đê bao thuộc các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê bị nước tràn kéo dài 15km. Giao thông từ Thanh Ba đi Hạ Hòa hiện tại đã bị tắc nghẽn do nước lũ dâng cao.

Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc ảnh 2

Ngập lụt tại thôn Kim Thành xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai).

Mưa lớn kéo dài tại Quảng Ninh đã gây ách tắc, ngập lớn tại các phường Bãi Cháy, Cao Xanh, Hà Tu, Yết Kiêu, Hà Khánh... TP Hạ Long và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ông Vũ Đức Đam - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TP Hạ Long khẩn trương khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước các khu dân cư bị úng ngập. Sở GTVT tiếp tục kiểm tra các tuyến đường, đặc biệt đường dẫn 2 bên cầu Bãi Cháy, cầu Vân Đồn để đảm bảo an toàn giao thông.

Tại tỉnh Tuyên Quang, đến ngày 10-8, mưa lũ đã làm ngập và hư hỏng 155 ngôi nhà, 9 cầu kiên cố và cầu tạm, 9,8km đường, cùng nhiều công trình thủy lợi. Toàn tỉnh có hơn 1.500ha lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại nặng. Hiện nay UBND các huyện, thị xã đang tập trung khắc phục hậu quả lũ, lụt, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.

Tại tỉnh Thái Nguyên, trong các ngày qua mưa lớn làm sập, phá hủy nhiều nhà dân và công trình công cộng; hàng ngàn hécta lúa, hoa màu bị vùi lấp, ngập chìm trong nước; nhiều tuyến đường giao thông và các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng. Tại huyện Định Hóa, các tuyến đường tỉnh lộ 268, 264; các tuyến đường liên xã Chợ Chu - Lam Vỹ - Linh Thông - Bảo Linh - Phú Đình - Bình Thành bị ngập úng cục bộ gây ách tắc giao thông. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Định Hóa, mưa lớn đã làm cho 1.000ha lúa bị ngập úng, trong đó có 200ha bị vùi lấp hoàn toàn; 18 nhà dân bị hư hại nặng. Trên các trục đường bị sạt lở gần 3.000m3 đất, đá gây ách tắc giao thông. Tổng trị giá thiệt hại trong đợt này trên 3 tỷ đồng. Nước lũ cũng đã cuốn trôi anh Trương Văn Hoa, sinh năm 1962, ở xóm Trung Tâm, xã Sơn Phú khi anh cố cứu một thanh niên bị nước cuốn khi đang qua cầu tràn của xã Sơn Phú. Các huyện: Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ.

Mực nước các sông tiếp tục lên cao

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương mặc dù mưa đã giảm ở nhiều tỉnh nhưng lượng nước ở các sông tiếp tục lên cao. Tính đến chiều 10-8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái là 34,22m, trên báo động 3 là 2,22m; tại Phú Thọ là 19,00m, trên mức báo động 3 là 0,1m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,38m, trên báo động 2 là 0,58m; hạ du sông Hồng tại Hà Nội là 9,77m, trên báo động 1 là 0,27m; hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,54m, trên báo động 2 là 0,04m.

Dự báo mực nước trên các sông Bắc bộ tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh vào một hai ngày tới. Đáng chú ý, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho biết, hiện có một vùng áp thấp đang hình thành ở phía Bắc nên trong một vài ngày tới mưa to sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, người dân vùng núi các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải tiếp tục cảnh giác với nguy cơ lũ quét, ngập úng và sạt lở đất.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã tới Yên Bái chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát điều quan trọng nhất hiện nay là tổ chức, hướng dẫn người dân sơ tán ra khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở cao vì hiện vẫn còn rất nhiều vùng nằm trong khu vực nguy hiểm có thể xảy ra lũ quét. Sau khi nước rút, sớm có kế hoạch giúp đỡ người dân khôi phục lại nhà cửa; nhanh chóng tập trung lực lượng thông tuyến.

Bạch Liễu

Tin cùng chuyên mục