Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét

Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét

Cuối cùng, nhóm phóng viên Báo SGGP cũng đặt được chân lên thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nơi đang có 21 người là nạn nhân của cơn lũ quét kinh hoàng. Không ai ngờ, một bản đang tràn trề sức sống, nhưng chỉ sau 1 cơn lũ, tất cả đã tan thành một đống hoang tàn ngổn ngang những đá hộc, cây cối, bùn đất...

Tuyệt vọng tìm người thân giữa đống hoang tàn

Tùng Chỉn nằm ở xa tít tận miền biên cương Tổ quốc. Đường đi trắc trở, gập ghềnh, mênh mang sóng nước. Trong khi bên dưới, cả tỉnh Lào Cai lại bị chia cắt thành nhiều “ốc đảo”, 2 huyết mạch chính để lên Tây Bắc đã bị “băm” thành nhiều đoạn nên cho đến nay, chỉ có một vài nhóm phóng viên là thực sự đặt được chân vào rốn lũ.

Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét ảnh 1

Bộ đội của tỉnh Lào Cai khẩn trương giúp dân dựng lại nhà cửa. Ảnh: VĂN PHÚC

Đã 3 ngày rồi, hàng trăm con người như bơi trên dòng nước đỏ ngầu, lật từng tảng đá, bới từng vạt đất để kiếm tìm từng thi thể của các nạn nhân xấu số trong niềm hy vọng ngày càng mong manh, bất lực. Dọc bờ sông rùng rợn gió và cả con đường lầy lội dẫn từ trung tâm xã Trịnh Tường vào thôn Tùng Chỉn, hàng ngàn con người vẫn đang nhẫn nại đứng kín đen, kéo dài 6 - 7km, đôi mắt bần thần, đau xót, như không tin vào những gì vừa xảy ra là sự thật. Mọi người lầm lũi. Chẳng ai nói được một câu nào. Họ vẫn đợi và hy vọng.

Một người dân chỉ ra con suối mênh mang đá cuội, bảo rằng cách đây vài ngày, đây vẫn còn là một ngôi làng với cửa nhà, nương bãi, cây xanh. Tiếng trẻ nhỏ vẫn bi bô, nô đùa. Thế mà, chỉ trong chớp mắt, tất cả đã bị san thành bình địa, chỉ còn lại cảnh hoang tàn. Bên dưới bãi đá trắng kia cũng là hàng trăm hécta lúa của người dân thôn Tùng Chỉn bị chôn vùi.

Trời vừa tảng sáng, ông Trảng Minh Sử đã kéo đứa con trai Trảng Minh Sẻo chạy từ cái lán tạm của lực lượng biên phòng ra bờ suối để lang thang soi tìm những người thân mất tích. Thế nhưng, trước mặt ông, cả một thung lũng chỉ toàn là bùn và đá. Thời gian càng trôi đi, niềm hy vọng trong ông cứ cạn dần. Nhìn gương mặt người đàn ông xấu số cứ nấc lên vì mất vợ, 2 đứa con máu mủ và 1 nàng dâu (vợ của anh Sẻo), chẳng ai cầm được nước mắt. Một nỗi đau buốt đến tận lòng.

Cho đến tối qua (11-8), theo thông tin mới nhất của chúng tôi, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy được 2 thi thể.

Không để dân đói

Trên bãi đá, thiếu tá Giang Thanh Hải, người được giao chỉ huy lực lượng chiến sĩ gồm 305 người - điều động từ tỉnh Điện Biên sang ứng cứu dân vùng lũ - chạy đôn chạy đáo, mồ hôi tứa ra trên mặt, tóc tai bù xù, mất ngủ nhiều đêm để chỉ đạo anh em tìm kiếm người dân mất tích. Cứ chốc chốc lại có người kêu chỗ này, chỗ kia có mùi hôi thối, các anh lại hấp tập lao tới đào bới, kiếm tìm, nhưng chỉ một lúc lại đành thất vọng vì đó chỉ là những con heo chết, trâu chết, thậm chí có nhiều lúc đào bới mãi mà chỉ là một vài con... gà chết.

Chúng tôi trở lại Đồn biên phòng xã Trịnh Tường đúng vào lúc bữa cơm trưa của hơn 50 người dân thôn Tùng Chỉn còn sống sót, đã được đưa ra sống tạm tại đây. Mặc dù đói ăn, khát uống đã nhiều ngày, nguồn lương thực, thực phẩm còn rất ít do đường chi viện chưa có, song bữa cơm của bà con cũng có rau muống, đậu phụ và chút cá khô. Chị Lý Xeo Mẩy vừa bưng bát cơm lên lại ôm mặt khóc rưng rức, từ đầu đến cuối bữa cơm chỉ nghẹn ngào: “Tôi có 1 đứa con là lao động chính trong gia đình. Tôi thì đau ốm, con mất đi chẳng biết trông cậy vào ai để sống những ngày còn lại”. Thấy chị Mẩy khóc, những người trong bữa cơm chẳng ai bảo ai, cứ vậy những giọt nước mắt lăn trên gò má. Những đứa trẻ con cũng khóc.

Anh Giang Thanh Hải dẫn chúng tôi đi về khu đồn biên phòng đang đóng và bảo: “Bộ đội biên phòng sẽ cùng với chính quyền xã và lực lượng quân đội, ngay trong ngày 11-8, sẽ bắt đầu tiến hành khảo sát, tìm kiếm chỗ lập làng mới cho bà con và trong một tuần trước mắt sẽ dựng khoảng 8 - 9 ngôi nhà để dân ở tạm. Trước mắt, trong lúc tang tóc, khó khăn, chúng tôi sẽ chăm lo bữa ăn cho bà con thật chu đáo để họ không phải thiếu đói”.

Trong cơn lũ, cũng có những chuyện ly kỳ, chẳng hạn như trường hợp của chị Lục Thị Đổi. Chị kể, khi bắt đầu nghe có tiếng ầm ầm ở đầu nguồn, tiếng đá hộc lăn lộc cộc, cây đổ ầm ầm thì chị chỉ kịp cuốn đứa con nhỏ mới có 27 ngày tuổi vào lưng và chạy ra khỏi nhà. Ngoái đầu trở lại, đã thấy cả cái nhà bị dòng nước trắng kéo tuột đi. Quá sợ, chị không còn đứng vững nữa. Bất ngờ nhìn thấy con trâu đang đứng ở gốc cây, chị chỉ kịp túm chặt lấy đuôi của nó và thế là con trâu lồng lên, kéo chị và cháu nhỏ ra khỏi dòng nước lũ mà thoát chết trong gang tấc.

Nhóm PV

Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét ảnh 2

Tìm kiếm xác của 19 nạn nhân còn lại trong đống đất, đá đổ nát mênh mông.

Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét ảnh 3

Một nhà dân ở khu C3, tổ 3 thị trấn Phố Ràng bị lũ bùn dội thẳng vào nhà.

Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét ảnh 4

Nỗi đau xé lòng, không diễn tả nổi của những người dân thôn Tùng Chỉn, nơi có 21 người chết và mất tích khi những người thân yêu của họ vẫn còn bặt vô âm tín.

Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét ảnh 5

Ngôi nhà của bà mẹ trẻ Đặng Thị Sâm, 22 tuổi, ở bản Cuông 3, xã Xuân Hòa bị dòng nước từ núi Đại Thần “thổi” tung cả một gia tài. Giờ 3 mẹ con phải đi ở nhờ hàng xóm.


Lào Cai: 3-4 ngày nữa mới khai thông đường

Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy PCLB Trung ương đến chiều 11-8, số nạn nhân chết, mất tích và bị thương do mưa lũ ở nhiều tỉnh phía Bắc đã lên tới gần 200 người. Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ của bão số 4 còn làm 307 căn nhà bị sập, trôi, 4.230 căn bị ngập và hư hại gần 9.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại và hàng ngàn gia súc bị chết. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Cho đến chiều qua, tuyến quốc lộ 70 đã cơ bản được khơi thông đoạn từ thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) lên TP Lào Cai. Còn lại, các tuyến đường huyết mạch dẫn từ Lào Cai, Yên Bái về xuôi vẫn đang “án binh bất động” bởi nước ngập và sạt lở, việc đi lại vô cùng nan giải. Trong đó, đoạn đường 70 từ thị trấn Phố Ràng về huyện Yên Bình (Yên Bái) và xuôi ngã ba Đoan Hùng (Phú Thọ) có nhiều khúc đường bị đổ ụp xuống vực, vẫn chưa thể vá lấp kịp. Ngoài ra, đoạn quốc lộ 4D từ Sa Pa sang Điện Biên vẫn bị sạt lở nặng nề.

Sở GTVT tỉnh Lào Cai tính toán rằng, tuyến quốc lộ 70 chí ít phải 3 - 4 ngày nữa mới khai thông. Hiện tại, hàng ngàn người đang từng giờ trông chờ đường 279 khơi thông. Sở GTVT tỉnh Lào Cai cũng cho biết thêm, chậm nhất là đến sáng 12-8, đường 279 có thể thông xe. Như vậy, cùng với đoạn đường 70 từ TP Lào Cai về Phố Ràng đã được thông, hàng ngàn người và phương tiện đang mắc kẹt tại Lào Cai có thể ra khỏi rốn lũ an toàn.

* Thông tin liên quan:

* Ghi chép từ tâm lũ Lào Cai- Yên Bái 
Hàng ngàn người đang khốn khó

* Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc

Tin cùng chuyên mục