Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Đưa hàng tiền cứu trợ đến sớm và đúng đối tượng

Đưa hàng tiền cứu trợ đến sớm và đúng đối tượng

* Báo SGGP cứu trợ lũ lụt tại huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái

(SGGP). - Ngày 13-8, tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới xã Nga Quán, Trấn Yên, Yên Bái. Chủ tịch Quốc hội đã động viên bà con đoàn kết hơn nữa, giúp đỡ nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đại diện Báo SGGP tặng gia đình anh Vũ Văn Thực (ở thôn Liên Hiệp, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình) 1 triệu đồng. Nhà anh bị sập hoàn toàn do lở đất đêm 8-8.

Đại diện Báo SGGP tặng gia đình anh Vũ Văn Thực (ở thôn Liên Hiệp, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình) 1 triệu đồng. Nhà anh bị sập hoàn toàn do lở đất đêm 8-8.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa để hàng hóa, tiền cứu trợ của nhân dân cả nước đến với người dân sớm hơn và đúng đối tượng. Triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh thị trường, không để giá cả tăng đột biến làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh sau bão lũ, khẩn trương sửa chữa nhà cửa cho dân, trạm xá và trường học để chuẩn bị năm học mới.

* Ngày 13-8, UBMTTQ Việt Nam đã tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong cán bộ, viên chức cơ quan, đồng thời tiếp nhận tiền ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức hảo tâm khác. Tính đến ngày 13-8, UBMTTQ Việt Nam đã tiếp nhận hơn 4,7 tỷ đồng tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các địa phương ủng hộ nhanh và nhiều nhất là TPHCM và Hà Nội cùng 1 tỷ đồng, Ninh Bình hơn 300 triệu đồng; Vĩnh Phúc, Hà Giang, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 200 triệu đồng.

Cùng ngày, cán bộ công chức Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Hội Nông dân Việt Nam cũng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức Văn phòng Chủ tịch nước đã ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương để góp phần chia sẻ khó khăn, mất mát với các gia đình bị nạn.

* Chiều 13-8, Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Quang Dũng đã tiếp Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM Hứa Minh Lượng. Tại buổi tiếp, ông Hứa Minh Lượng nhắc lại sự kiện hồi tháng 5 vừa qua tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc bị động đất và ngỏ lời cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã chia sẻ và hỗ trợ người bị nạn trong trận động đất ở Tứ Xuyên. Ông Hứa Minh Lượng cho biết toàn thể cán bộ và nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc ở TPHCM đã quyên góp 1.000 USD cứu trợ nhân dân vùng lũ phía Bắc.

* Chiều 13-8, Ban Cứu trợ TPHCM (Thành lập theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP) đã chuyển đến đồng bào gặp khó khăn do lũ tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn mỗi địa phương 200 triệu đồng. Trước đó, Ban Cứu trợ cũng đã chuyển 1 tỷ đồng của nhân dân TPHCM đến giúp nhân dân các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ vượt qua khó khăn. Tại TPHCM, ngay sau khi vận động được 1,9 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân lũ lụt các tỉnh phía Bắc, trong ngày 13-8, đã có thêm 638 triệu đồng và 1.000kg hàng hóa được quyên góp.

* Chiều 13-8, cùng với Báo Hà Nội Mới, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Báo SGGP đã có mặt ở Yên Bái để cứu trợ nạn nhân lũ quét. Đại diện Báo SGGP và Báo Yên Bái đã đến thăm và hỗ trợ một số gia đình bị sập nhà hoàn toàn tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (mỗi gia đình 1 triệu đồng) và trao UBMTTQ huyện Yên Bình 5 triệu đồng để giúp các gia đình còn lại. Trong chương trình cứu trợ tại tỉnh Yên Bái, Báo SGGP sẽ tiếp tục trao thêm UBMTTQ tỉnh 30 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình nạn nhân khác.

Ngày 12-8, thông qua UBMTTQ TPHCM, Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) ủng hộ 100 triệu đồng giúp đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại bởi lũ quét.

* Ngày 13-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đã có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 và Sở Công thương các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai khẩn cấp tập kết hàng hóa để phân phối, đảm bảo cung cấp đủ và không gián đoạn các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân vùng lũ. Bộ Công thương cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình khó khăn để đầu cơ, găm hàng, ép giá, gây mất ổn định thị trường… Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 13-8, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên nhiều sông, suối ở Quảng Ninh đã xảy ra lũ làm một cháu bé (SN 1995 ở phường Mông Dương, thị xã Cẩm Phả) bị cuốn trôi. Ngoài ra, tại khu vực đảo Vạn Gia, thị xã Móng Cái cũng có 4 người mất tích do lốc xoáy làm chìm thuyền...

Số người chết do bão lũ tại các tỉnh phía Bắc đã là 119 người (tăng 7 người). Trong đó, Lào Cai 53 người (tăng 5 người), Yên Bái 35 người, Phú Thọ 8 người (tăng 2 người), Quảng Ninh 8 người, Hà Giang 9 người, Lạng Sơn 2 người, Bắc Kạn 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 1 người, Điện Biên 1 người. Số người mất tích chỉ là 40 người (giảm 5 người so với ngày 12-8).

M. QUÂN - A. NHI - Q.LẬP- B.AN - T.HÀ - V.A. - M. ANH - N.Y. - M.HẠNH

*****

Làm vệ sinh môi trường ngay khi nước rút

Người dân sau những ngày vật lộn với mưa lũ bị mất sức đề kháng nhiều nên nếu có dịch bệnh xảy ra sẽ lây lan rất nhanh và nguy hại tới sức khỏe – TS Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, đã có nhận định trên trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

* PV: Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay tại các tỉnh miền núi phía Bắc sau trận mưa lũ khủng khiếp vừa qua?

* TS NGUYỄN VĂN BÌNH: Theo báo cáo của các địa phương và giám sát tình hình dịch tễ của chúng tôi, cho đến chiều 13-8, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang và Bắc Kạn chưa có dịch bệnh nguy hiểm nào xảy ra sau lũ. Tuy nhiên, các cơ sở y tế ở những địa phương trên cũng đang tiếp nhận điều trị hơn 100 người bị thương sau lũ. Ngoài ra, số người bị sốt, dị ứng, nước ăn chân và đau mắt cũng khá nhiều.

* Với tình hình như hiện nay, ông có thể cho biết, những dịch bệnh nào có nguy cơ bùng phát tại các địa phương trên trong những ngày tới ?

* Tại những địa phương trên từ trước tới nay, vẫn là vùng có dịch sốt rét lưu hành do đó sau những ngày ngập lụt thì dịch sốt rét có nguy có bùng phát lớn nhất, tiếp đó là sốt xuất huyết vì mật độ muỗi sẽ phát sinh cao. Ngoài ra, các dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tả, thương hàn và đau mắt đỏ cũng có nguy cơ bùng phát do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

* Vậy ông có khuyến cáo cho người dân phòng tránh những dịch bệnh trên sau những ngày hậu lũ ?

* Ngay sau khi nước lũ rút, các địa phương cần chủ động làm vệ sinh môi trường, thu dọn xác động vật chết sinh hoạt. Đối với việc xử lý nguồn nước sinh hoạt, cần phải để nước lắng đọng sau đó dùng phèn chua hoặc Cloramin B mới hiệu quả. 

KH. NGUYỄN 


Thông tin liên quan:

>> Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân

>> Sáng nay, Hội Chữ thập đỏ TPHCM quyên góp trên 450 triệu đồng

>> Lào Cai khẩn trương cứu người, cứu đường

>> Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hỏi và chia buồn sâu sắc tới người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ

>> Ghi chép từ tâm lũ Lào Cai- Yên Bái : Hàng ngàn người đang khốn khó

>> Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc

>>Nỗi đau xé lòng ở làng lũ quét

Tin cùng chuyên mục