Về vụ một số giáo dân Giáo xứ Thái Hà đục tường, chiếm đất của Công ty May Chiến Thắng

Ai nói sai sự thật?

Cơ sở pháp lý
Ai nói sai sự thật?

LTS: Sau khi đăng bài “Không chấp nhận hành động vi phạm pháp luật, kích động giáo dân” (SGGP ngày 20-8-2008) nói về việc một số giáo dân thuộc Giáo xứ Thái Hà (phường Quang Trung, Q.Đống Đa, Hà Nội) tự ý đục tường, chiếm đất của Công ty cổ phần May Chiến Thắng, Báo SGGP đã nhận được đơn khiếu nại của linh mục Cao Đình Trị (tự giới thiệu là Phó Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế VN – 38 Kỳ Đồng quận 3 TPHCM) gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Biên tập Báo SGGP và lãnh đạo một số báo đài. Trong đơn khiếu nại, linh mục Trị cho rằng “khu đất (178 Nguyễn Lương Bằng, Q.Đống Đa, Hà Nội - PV) mà Giáo xứ Thái Hà và Tu viện Dòng Chúa cứu thế Hà Nội là chủ sở hữu hợp pháp từ năm 1928, bị chiếm đoạt không có bất cứ một văn bản hoặc chủ trương nào phù hợp với hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Sau khi lên tiếng “răn dạy” và ám chỉ có tính miệt thị các cơ quan truyền thông “quý vị phải tôn trọng sự thực khách quan và đăng tải thông tin đúng lương tâm nghề nghiệp của những người làm công tác thông tin chứ không phải làm nô lệ, tay sai một cách mù quáng cho bất kỳ một tổ chức chính trị nào”, linh mục Trị còn yêu cầu các cơ quan truyền thông “trả lời bằng văn bản, cung cấp chứng cứ, đính chính những sai trái của mình…”.

Để rộng đường dư luận, Báo SGGP xin được trở lại vấn đề…

Cơ sở pháp lý

Tại Quyết định số 2476/QĐ-UBND (do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, ký ngày 30-6-2008), “Giải quyết đơn của ông Trịnh Ngọc Hiên - linh mục chính xứ Thái Hà ở 180/2 phố Nguyễn Lương Bằng, Q.Đống Đa và một số linh mục, giáo dân khiếu nại đòi quyền sử dụng đất tại khu vực 178 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, Q.Đống Đa”, nêu rõ: Tại Kết luận số 1615/KL-TTTP (P3) ngày 25-9-2007 của Thanh tra thành phố và Kết luận số 313/KL-TTLN ngày 20-6-2008 của đoàn thanh tra liên ngành thành phố (do Sở Tài nguyên và Môi trường là trưởng đoàn) đã kết luận:

Ai nói sai sự thật? ảnh 1

Tượng Đức Mẹ và Thánh giá linh thiêng được dựng lên và thờ phụng giữa bãi đất trống, thiếu tôn nghiêm. Ảnh: Viết Thành

Trong thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa năm 1960, thực hiện Thông tư số 73/TTg ngày 7-7-1960 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị, đã quy định “Đất cho thuê của các tôn giáo, các hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào”.

Ngày 24-10-1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (là người quản lý nhà, đất) đã ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước”, bàn giao toàn bộ nhà đất do Dòng Chúa cứu thế quản lý tại 116 Nam Đồng (trừ diện tích nhà thờ), gồm 3.905m² nhà chính, 945m² nhà phụ trên diện tích khoảng 60.000m2 đất cho Nhà nước quản lý, trong đó có khu nhà đất do Xí nghiệp Thảm len (nay là Công ty cổ phần May Chiến Thắng) đang sử dụng.

Như vậy, khu nhà đất tại 116 Nam Đồng (nay là khu vực 178 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, Q.Đống Đa) trước đây của Dòng Chúa cứu thế tại Hà Nội đã được Nhà nước thống nhất quản lý (trừ khu vực nhà thờ), hiện nay do một số đơn vị, hộ gia đình đang sử dụng.

Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa XI quy định: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất; Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo nhà, đất cho thuê; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; quản lý nhà đất vắng chủ; quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định về nhà, đất của đoàn hội, tôn giáo, quản lý nhà đất của những người đi di tản chuyển vùng hoặc ra nước ngoài…”.

Vì thế, dựa trên những quy định của pháp luật, việc linh mục Giáo xứ Thái Hà và một số giáo dân khiếu nại, đòi quyền sử dụng đất tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, Q.Đống Đa (Hà Nội) là không có cơ sở để giải quyết.

Cơ sở pháp lý như vậy là đã rõ. Thế nhưng, điều đáng nói là có những người trong và ngoài Giáo xứ Thái Hà, trong đó có cả linh mục Cao Đình Trị ở 38 Kỳ Đồng TPHCM, đã cố tình không thừa nhận tính pháp lý ấy. Từ đầu tháng 11-2007, họ đã huy động một số giáo dân phá đổ tường bao, dựng nhà nguyện, hang đá, dựng tượng Thánh, treo ảnh Đức Mẹ, tập trung đông người cầu nguyện, dựng Thánh giá, dựng lều bạt cử người trực suốt ngày đêm nhằm chiếm dụng đất, gây áp lực với chính quyền, tạo ra tình trạng mất trật tự trị an trong khu vực.

Không thể viện bất cứ lý do gì để vi phạm pháp luật

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

Văn bản pháp luật quan trọng nhất để giải quyết vụ việc này là Nghị quyết số 23 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, ngay tại Điều 1 đã khẳng định nguyên tắc, những trường hợp Nhà nước đã quản lý, giao quyền sử dụng cho đơn vị khác từ trước thời điểm tháng 7-1991 thì không hồi tố, không xem xét lại.

Trường hợp cụ thể này TP Hà Nội đã có quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo trả lời rất rõ ràng cho giáo dân. Quan điểm của TP là giáo dân Thái Hà có thể lập dự án đề nghị giao đất trình các cơ quan chức năng của TP xem xét, thực hiện đúng khung pháp luật hiện hành (Báo SGGP nhấn mạnh); nhưng tự ý chiếm dụng đất của người đang sử dụng hợp pháp là vi phạm pháp luật về đất đai; tự ý dựng tranh tượng, bàn thờ... là vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng.

Bên cạnh câu chuyện về tranh chấp đất đai ở đây còn có vấn đề về cách thức khiếu nại. Một bộ phận giáo dân Thái Hà đã có những hành vi vi phạm pháp luật như hủy hoại tài sản của Nhà nước, gây mất trật tự an ninh khu vực, gây tâm lý bất ổn trong cộng đồng dân cư, vi phạm Pháp lệnh Tôn giáo (hành lễ ngoài nơi thờ tự mà không được sự chấp thuận của chính quyền sở tại)...

Với những cơ sở pháp lý nêu trên, việc một số giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà “đòi đất” như họ đã làm trong thời gian qua là không có cơ sở, nếu không muốn nói là trái phép. Điều này cũng cho thấy, việc linh mục Cao Đình Trị cho rằng khu đất và tài sản của Giáo xứ Thái Hà “bị chiếm đoạt không có bất cứ một văn bản hoặc chủ trương nào phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam” là cố tình nói sai sự thật.

Cũng cần lưu ý rằng, việc linh mục Cao Đình Trị tự thay mặt linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế làm đơn khiếu nại gửi nhiều cấp; đồng thời tự nhận mình “đại diện cho 279 linh mục, tu sĩ Dòng Chúa cứu thế tại VN và toàn thể giáo dân Thái Hà, Tổng giáo phận Hà Nội, Giáo hội Công giáo VN” trong khi Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt và linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế VN đang đi công tác nước ngoài, là việc làm khó hiểu, không hợp lý.

Đáng nói hơn, trong thư của Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican gửi Đức cha Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội, ngày 30-1-2008, về việc tranh chấp về quyền sở hữu và quyền sử dụng tòa nhà kế cạnh tòa giám mục, có đoạn viết “…sự kiện mà những cuộc tụ họp như vậy cứ tiếp diễn không khỏi gây ra những lo lắng, bởi vì, như đã thường xảy ra trong những trường hợp tương tự, có thể có nguy hiểm thực sự là người ta sẽ không kiểm soát được tình thế, khiến nó có thể biến thành biểu tình bạo ngôn hay bạo lực. Bởi vậy, nhân danh Đức Thánh cha, luôn luôn được thông tin về diễn biến của tình thế, tôi xin Đức cha can thiệp để người ta tránh những thái cử có thể gây xáo trộn trật tự công cộng mà có thể trở về trạng thái bình thường. Và như vậy, trong một bầu khí trang nghiêm hơn, có thể lại tiếp tục đối thoại được với chính quyền, hầu tìm được một giải pháp thích ứng cho vấn đề tế nhị này”.

Linh mục Cao Đình Trị tự nhận “thay mặt cho toàn thể giáo dân Giáo xứ Thái Hà, cũng như Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo hội Công giáo VN”, mà chủ trương để “tức nước vỡ bờ, giáo dân đã vào bên trong khu đất này để tiếp tục cầu nguyện trong ôn hòa và trật tự” (lời trong đơn khiếu nại của linh mục Trị, trong khi thực chất là giáo dân đã đục tường, kéo đổ tường rào, dựng lều bạt canh giữ… như đài truyền hình đã đưa tin), như vậy có phải có ý định đưa “toàn thể giáo dân Giáo xứ Thái Hà, cũng như Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo hội Công giáo VN” làm trái ý chỉ của Đức Thánh cha?

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước VN là tôn trọng tự do tôn giáo. Mọi tôn giáo trên đất nước VN đều được tạo điều kiện hoạt động trên cơ sở tôn trọng pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi người, đã là công dân của nước CHXHCN Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật VN. Các giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà chấm dứt việc “đòi đất” theo kiểu tự động đập tường chiếm cứ, không những tôn trọng phép nước mà còn thực hiện ý chỉ của Tòa thánh “tránh những thái cử có thể gây xáo trộn trật tự công cộng mà có thể trở về trạng thái bình thường”.

Nam Việt

Ý kiến bạn đọc

  • Không nên đưa tượng Đức Mẹ ra để gây sức ép đòi đất

Thời gian gần đây, một số giáo dân trong giáo xứ Thái Hà bị kích động, đã phá tường rào Công ty May Chiến Thắng dựng 5 tượng Đức Mẹ, treo Thánh giá và tượng Chúa để gây sức ép đòi chính quyền địa phương trả diện tích đất đang thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần may Chiến Thắng (phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội), gây mất trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt đời sống người dân trong khu vực. Sống giữa một đất nước có chủ quyền, có hiến pháp và pháp luật, đây là một hành động không thể chấp nhận!

Là con chiên, ai cũng biết hình ảnh Chúa là thiêng liêng, Tượng Đức Mẹ là để thờ phượng, được đặt nơi tôn nghiêm. Ấy vậy mà  hình ảnh đó đang bị những người xưng danh là giáo dân ở Thái Hà, đem ra làm công cụ nhằm thực hiện mục đích khác. Đó không phải là hành động của những người có đức tin vào Chúa, kính Chúa. Cách thức mà các chức sắc giáo xứ Thái Hà tiến hành là kích động, lợi dụng giáo dân để đòi lại mảnh đất đã đẩy tình hình thêm phức tạp, đi ngược lại với lời dạy của Chúa, sống phải biết yêu thương, bác ái, kính Chúa, yêu thương tha nhân. Vậy nên, tôi thật sự thất vọng khi thấy các linh mục và giáo dân sử dụng tượng Đức Mẹ để đòi đất…

Phạm Đình Lân
(một giáo dân ở P.6 Q.Tân Bình TPHCM)

  • Giáo dân đập tường chiếm đất không những vi phạm pháp luật, mà còn trái đạo đức

Trong những ngày qua, việc một số người dân ở Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) tụ tập đông người, tự động tháo dỡ tường rào Công ty cổ phần May Chiến Thắng và dựng tượng Đức Mẹ, tổ chức cầu nguyện ngay trên khuôn viên nhà máy, đã gây bức xúc trong dư luận. Việc làm này không những vi phạm pháp luật, mà còn trái đạo đức, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. 

Về mặt luật pháp, Nhà nước ta đã nhiều lần thể hiện chính sách về nhà, đất như chia ruộng đất cho nông dân nghèo; hợp tác hóa nông nghiệp, vận động đưa đất vào tập đoàn sản xuất… Mục đích của những chủ trương này là tạo sự công bằng, no ấm cho người dân và ổn định, phát triển kinh tế - xã hội  đất nước.

Tuy nhiên, sau những lần cải cách, thay đổi chính sách về nhà đất, ngoài những thành tựu, ưu điểm  thì vẫn còn những hạn chế mà sau đó nhà nước đã rà soát, điều chỉnh. Bởi lẽ, mục tiêu của mọi cuộc đổi mới đều xuất phát từ người dân và hướng đến mục đích dân giàu, nước mạnh. Điều đó đã được thể hiện rõ, khi chương trình đưa đất vào tập đoàn không hiệu quả, Nhà nước đã điều chỉnh chính sách, giao đất lại cho nông dân. Và mới đây nhất, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết nhằm xử lý, trả lại nhà đã bị xác lập quyền sở hữu nhà nước sau năm 1975. Theo tôi, Nhà nước cũng sẵn sàng cấp đất cho giáo dân để làm nơi sinh hoạt tôn giáo, nếu thấy đó là yêu cầu chính đáng.

Về mặt đạo đức, việc người dân tụ tập đập phá tường rào, dựng tượng là không thể chấp nhận được vì làm ảnh hưởng đến cuộc sống người khác. Bởi sau hành động này là sản xuất, kinh doanh của công ty may bị ngưng trệ và người lao động sẽ bị mất việc, cuộc sống của gia đình họ chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Hành động vừa qua của những người  dân ở Giáo xứ Thái Hà không những vi phạm pháp luật mà còn đẩy những người lao động vào chỗ mất công ăn việc làm, điều này đi ngược lại giáo lý của nhà thờ cũng như đạo đức, tinh thần thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam.   

Bảo Trung
(Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục