Vụ một số giáo dân Giáo xứ Thái Hà đục tường, chiếm đất của Công ty May Chiến Thắng

Như thế là thách thức pháp luật!

Như thế là thách thức pháp luật!

Trong những ngày qua, hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng và dư luận trong cả nước đã lên tiếng, phản ứng trước hành vi tổ chức chiếm đoạt và phá hoại tài sản Công ty cổ phần May Chiến Thắng của một số linh mục, giáo sĩ và giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà (Báo SGGP đã có bài “Không chấp nhận hành động vi phạm pháp luật, kích động giáo dân” đăng ngày 20-8 và bài “Ai nói sai sự thật?” đăng ngày 27-8).

Những tưởng sau khi bị lên án bởi dư luận, những linh mục, tu sĩ chăn dắt giáo dân có hành vi, lập luận sai trái trên sẽ nhìn lại mình, có biện pháp “can thiệp để tránh những thái cử gây xáo trộn trật tự công cộng” như ý chí của Tòa thánh Vatican. Thế nhưng, càng ngày các vi phạm của họ càng trở nên nghiêm trọng hơn, cố tình thách thức pháp luật.

Vi phạm ngày càng trắng trợn

Như thế là thách thức pháp luật! ảnh 1

Một số giáo dân trèo tường, treo ảnh Đức Mẹ ở những nơi thiếu tôn nghiêm. Ảnh: Viết Thành

Từ ngày 22 đến 24-8, nhà thờ Thái Hà tổ chức cho hàng trăm giáo dân, có ngày lên tới 1.000 giáo dân, chủ yếu được huy động từ nhiều địa phương khác nhau, về tụ tập tại khu đất để “uy hiếp” Công ty cổ phần May Chiến Thắng, thách thức chính quyền. Thậm chí, vào chiều 24-8, linh mục Nguyễn Văn Thuật, Phó chánh xứ Giáo xứ Thái Hà còn lôi kéo khoảng 500 học sinh tiểu học và THCS ở các trường như Phan Huy Chú, Cát Linh, Quang Trung… trên địa bàn Hà Nội vào khuôn viên của công ty để cầu nguyện, đọc kinh thánh, hát thánh ca…

Dường như cảm thấy những hành động trên vẫn chưa đủ, đến hồi 15 giờ 15 ngày 26-8, khoảng hơn 100 giáo dân từ nhà thờ xứ Thái Hà lại được cha xứ dẫn dắt tràn vào khuôn viên Công ty CP May Chiến Thắng để hành lễ trái phép. Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi có một số người trong số đó ăn mặc quần áo theo kiểu dân tộc thiểu số, mang theo cồng, chiêng và các nhạc cụ để khua gõ.

Sau khi lễ xong, hơn 100 giáo dân đã theo sau đội cồng, chiêng đi quanh khu đất của công ty trong vòng 30 phút, vừa khua gõ chiêng vừa hát thánh ca, mặc cho nhân dân xung quanh phản ứng. Đến 19 giờ 40 cùng ngày, cùng một lúc lại có 4 linh mục dẫn dắt hơn 250 giáo dân tràn sang khu đất để hành lễ. Đến 20 giờ 30, một nửa số giáo dân trên lại cùng đội cồng, chiêng đi vòng quanh khu đất, khua gõ inh ỏi.

Vào 6 giờ sáng hôm qua, 27-8, lại tiếp tục có 2 linh mục và 2 tu sĩ cùng hơn 80 giáo dân tràn sang lấn chiếm khu đất. Đến chiều, gần 100 giáo dân, chủ yếu là phụ nữ, vẫn tiếp tục ngồi lì trong khuôn viên của Công ty CP May Chiến Thắng để giữ đất đã lấn chiếm trái phép từ nhiều ngày trước.

Mặc dù chính quyền TP Hà Nội và quận Đống Đa đã kiên trì giải thích theo đúng trình tự pháp luật, hợp tình hợp lý, đưa ra tất cả dẫn chứng, điều khoản, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể và khẳng định quyền sử dụng hợp pháp khu đất là thuộc Công ty CP May Chiến Thắng, cũng như đưa ra đầy đủ, xác thực các bằng chứng về nguồn gốc khu đất đang bị lấn chiếm, tranh chấp… nhưng một bộ phận giáo dân Giáo xứ Thái Hà cùng các linh mục, tu sĩ vẫn phớt lờ, tiếp tục dùng hình thức cầu nguyện làm “công cụ” chiếm dụng đất trái phép.

Điều nực cười là trong các buổi tiếp xúc với Giám đốc Công an TP Hà Nội và lãnh đạo Công an quận Đống Đa, linh mục Giáo xứ Thái Hà lại đưa ra những lý lẽ ngụy biện cho các hành vi vi phạm pháp luật, đổ cho “giáo dân đã tự ý hành động”, và việc bức tường của Công ty CP May Chiến Thắng bị đổ là… “do trời mưa”!

Và xúc phạm hình ảnh Chúa

Khởi tố hình sự vụ các giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) chiếm đất, gây rối trật tự công cộng

(SGGP). – Trước vụ việc hàng trăm giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà (Đống Đa - Hà Nội) lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, lại được sự hậu thuẫn của các linh mục trong giáo xứ, để tràn vào khuôn viên, đập phá tường rào, công trình của Công ty cổ phần May Chiến Thắng, cố tình gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, dựng tượng, thánh giá, hành lễ trái phép nhiều ngày liền, ngày 27-8, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 524 về 2 tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 và “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự đối với việc nêu trên để điều tra và áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết nhằm làm rõ và xử lý các đối tượng phạm tội.

Theo Công an quận Đống Đa, trưa ngày 15-8, tại khu vực tường rào bảo vệ phía sau Công ty cổ phần May Chiến Thắng (địa chỉ tại số 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra vụ một số giáo dân dùng búa, cuốc và vật cứng đập phá tường rào, cắt dây thép gai, phá hủy 1 đoạn tường dài 6m. Sau đó, hàng trăm người đã tràn vào khu đất do Công ty cổ phần May Chiến Thắng quản lý để chặt phá cây, san lấp mặt bằng, dựng lều bạt, đưa tượng, thánh giá vào và cầu nguyện, hát thánh ca gây mất trật tự tại khu vực…

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, trưng cầu hội đồng định giá tài sản bị thiệt hại và tiến hành áp dụng một số biện pháp điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Theo thượng tá Vũ Công Long, Trưởng Công an quận Đống Đa, các hành vi của một bộ phận giáo dân xứ Thái Hà là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu phạm vào các điều của Bộ luật Hình sự. Công an quận sẽ xem xét làm rõ người phạm tội, tình tiết phạm tội và sẽ sớm cưỡng chế người dân lấn chiếm đất đai trái phép ra khỏi khu vực. Thượng tá Vũ Công Long cũng cho rằng, phần đông giáo dân của Giáo xứ Thái Hà đều tốt, trong vụ này chỉ có một bộ phận nhỏ đứng sau, lợi dụng những giáo dân nhận thức thấp để thực hiện những mưu đồ xấu, gây rối trật tự công cộng. 

VĂN PHÚC HẬU

Theo những người dân ở quanh nhà thờ Thái Hà chứng kiến kể lại thì việc hàng trăm giáo dân ở nhà thờ xứ Thái Hà tự động đập phá tường rào, cắt dây thép gai để nhảy vào lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất của Công ty CP May Chiến Thắng đã bắt đầu từ sáng 14-8.

Mặc dù khuôn viên công ty nằm cách nhà thờ tới 200m, ngăn cách bởi Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, thế nhưng viện cớ là muốn mở rộng nơi thờ tự, các giáo dân của nhà thờ Thái Hà đã đi vòng theo đường Hoàng Cầu sang bức tường hậu của Công ty CP May Chiến Thắng để chiếm cứ.

Hàng trăm giáo dân đã được huy động để cạy gạch, đẩy đổ tường rào, dùng kéo cắt đứt hàng dây thép gai. Sau đó, họ tràn vào chiếm trọn một nửa khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông của công ty, tự tiện phát cỏ, đập phá công trình, đốt lửa và lập hẳn một ban thờ trên nắp cái bể nước rêu đã xanh đen, trông xập xệ, bên trên ngang nhiên bày đặt tượng Chúa, bình hoa, thắp đèn nến suốt ngày đêm, treo ảnh thánh bừa bãi quanh các thân cây. Điều đó chứng tỏ hành động của các giáo dân ở nhà thờ xứ Thái Hà đã có một kịch bản được chuẩn bị với động cơ, mục đích rất rõ ràng.

Chiều 27-8, khi PV Báo SGGP quay trở lại khu vực nhà thờ Thái Hà, hàng chục giáo dân vẫn đang ngồi lì dưới mưa nắng, nhằm “cố thủ” trên khu đất mà họ vừa lấn chiếm được. Trước mặt họ, tượng Chúa, ảnh các thánh, cây thánh giá… treo, xếp ngổn ngang, trông thật nhếch nhác.

Nhìn cảnh hàng chục người ngồi lầm lì như ăn vạ trên khu đất lấn chiếm bất hợp pháp, bà Trương Thị Hào, ngoài 60 tuổi, nhà ở ngõ 100 đường Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa-Hà Nội) buồn rầu: “Từ trước đến nay giữa người có đạo và không có đạo ở đây luôn sống hòa thuận như là một. Thế nhưng các giáo dân làm cái việc như thế kia thực là không chấp nhận được”.

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh khuôn viên đang bị hàng chục bà con giáo dân ngày đêm cố thủ, anh Nguyễn Văn Quân, một trong những nhân viên bảo vệ của Công ty CP May Chiến Thắng, than thở: “Từng phút, từng giờ, họ liên tục tìm mọi cách để lấn sâu thêm vào phần đất của công ty. Hiện tại, hàng ngàn công nhân vẫn đang làm việc bên trong các phân xưởng. Nhưng họ không yên tâm vì ngay bên ngoài, tình hình an ninh trật tự luôn căng thẳng”.

Chỉ tay về cuối khuôn viên, nơi những cây thánh giá đã được lén lút đặt áp sát vào tận cửa phân xưởng may, anh Quân bảo: “Nhà nước có chính sách tự do tôn giáo, tôn trọng người có đạo nhưng người có đạo đang lợi dụng sự tôn trọng của nhà nước để làm những việc rất quá đáng”.

Anh Trần Thanh Sơn, một giáo dân ở Giáo xứ Hàm Long (Hà Nội), đến đây vì tò mò cũng tặc lưỡi bảo: “Tôi cũng là một người Công giáo, nhưng tôi không bằng lòng với cách làm của những người Công giáo xứ Thái Hà. Họ đem tượng Chúa, tranh ảnh thánh ra đặt bừa bãi ở nơi ô uế chỉ vì mục đích là lấn chiếm đất của nhà nước là việc làm xúc phạm đến Chúa, bôi nhọ danh dự của người Công giáo”.

Chấm dứt ngay việc làm vi phạm pháp luật

Chúng tôi trở lại UBND phường Quang Trung. Ông Đỗ Văn Quang- Chủ tịch UBND phường Quang Trung- bức xúc: Ngay cả một người dân bình thường muốn dựng một cái bạt, làm cái rạp ở nơi công cộng cũng phải được sự cho phép của chính quyền. Đó là kỷ cương trật tự. Vậy mà hàng trăm giáo dân ở xứ Thái Hà lại tự tiện mang tượng, ảnh Chúa từ nhà thờ sang đặt lên khu đất của một cơ quan, đơn vị đã được nhà nước giao quản lý. Đó là việc làm vô cùng tùy tiện. Thêm nữa, việc ngang nhiên và tổ chức đập phá công trình, chiếm đoạt đất của Công ty CP May Chiến Thắng là vi phạm nghiêm trọng quy định về tội xâm hại, chiếm đoạt và phá hủy tài sản của cá nhân, tổ chức khác, nếu soi chiếu dưới ánh sáng công lý thì có thể bị khởi tố chứ không thể xem nhẹ ở các vi phạm về trật tự xây dựng, giao thông...

Bà Ninh Thị Ty, Tổng Giám đốc Công ty CP May Chiến Thắng, cũng rất bất bình về việc giáo dân Thái Hà ngang nhiên tràn sang đất của công ty để lập nơi thờ tự, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh của công ty. Bà Ty khẳng định: “Khu đất mà công ty chúng tôi đang sử dụng đã được Nhà nước giao quản lý từ năm 1961 đến nay. Công ty chúng tôi cực lực lên án những việc làm trái pháp luật của nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân nhà thờ Thái Hà. Chúng tôi đề nghị linh mục chánh xứ Thái Hà phải có trách nhiệm yêu cầu giáo dân đưa các ảnh, tượng và người ra khỏi khu đất của công ty, chấm dứt ngay những việc làm vi phạm pháp luật”. 

VĂN PHÚC HẬU


Khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà cần được giải quyết theo trình tự và thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Thông tin được đăng tải trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 27-8-2008 liên quan tiến trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyền sử dụng khu đất tại số 178 đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, cũng như một số hành động của một số giáo dân thuộc Giáo xứ Thái Hà đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhìn từ khía cạnh pháp lý, chúng tôi nhận thấy về bản chất đây là một vụ việc khiếu nại hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền là UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2476 ngày 30-6-2008 về việc giải quyết đơn của ông Trịnh Ngọc Hiên - linh mục Giáo xứ Thái Hà và một số linh mục, giáo dân khiếu nại quyền sử dụng đất tại địa chỉ nói trên. Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại nói trên đã được mô tả rõ trong các bài đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, đặc biệt là Kết luận thanh tra số 1615 ngày 25-9-2007 của Thanh tra TP Hà Nội và Kết luận số 313 ngày 20-6-2008 của đoàn thanh tra liên ngành TP Hà Nội.

Các sự kiện xảy ra tại khu vực số 178 đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội đang gây ra những quan ngại sâu sắc và nếu không được kiểm soát, giải quyết bằng con đường đối thoại, dựa trên cơ sở pháp luật thì có thể dẫn đến những va chạm không đáng có và một số đối tượng quá khích có hành vi bị coi là vi phạm pháp luật. Về mặt pháp lý, trước hết chúng tôi nhận thấy liên quan đến vụ việc khiếu nại này, nếu người đứng đơn khiếu nại không thỏa mãn với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP Hà Nội thì có quyền tiếp tục khiếu nại theo thủ tục trình tự khiếu nại hành chính theo Điều 17 hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo Điều 46 đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo được Quốc hội thông qua ngày 12-12-2005.

Vấn đề đặt ra ở đây là, khiếu nại nói trên có căn cứ pháp lý hay không và khuôn khổ pháp luật của Việt Nam quy định cụ thể như thế nào? Theo quan điểm của chúng tôi, do về bản chất đây là vụ việc khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu vực số 116 đường Nam Đồng (nay là 178 đường Nguyễn Lương Bằng), nên việc xác định ai là chủ thể đứng đơn khiếu nại cần được quan tâm xem xét. Theo thông tin trên báo chí, phần diện tích đất tranh chấp nguyên trước đây do Dòng Chúa cứu thế quản lý đã được linh mục Vũ Ngọc Bích ký biên bản hội nghị bàn giao nhà cho Nhà nước quản lý từ ngày 24-6-2001 và trên thực tế Nhà nước đã thực hiện quyền quản lý đối với khu đất này. Vì thế, chủ thể của việc khiếu nại này trước hết phải do người có thẩm quyền hoặc là người được ủy quyền hợp pháp của Giáo xứ Thái Hà hoặc của Tổng giáo phận Hà Nội, chứ không phải một số cá nhân tự xưng đại diện cho Giáo xứ Thái Hà hoặc một số giáo dân tự ý có hành động không phù hợp với giáo lý và luật pháp.

Mặt khác, mỗi một quốc gia đều có chủ quyền và Nhà nước giành cho mình quyền điều hành đất nước theo khuôn khổ hiến pháp và pháp luật quy định. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, ở đất nước nào cũng vậy, quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật có những thay đổi và nhiều vấn đề thuộc về lịch sử không thể “hồi tố” được. Đối chiếu với trường hợp này, Điều 1 Nghị quyết số 23/2002/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội Việt Nam khóa XI quy định rõ: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước 1-7-1991…”. Vì thế, khi Nhà nước đã tiếp nhận việc bàn giao khu đất gần nửa thế kỷ và trên thực tế đã thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với phần diện tích đất đang khiếu nại là phù hợp với nghị quyết của Quốc hội - cơ quan lập pháp tối cao của nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành.

Cần phải nhấn mạnh đến một thực tiễn và quy định pháp lý không thể chối cãi là Điều 70 Hiến pháp năm 1992 đã tuyên bố minh định công khai: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo, tín ngưỡng nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, Điều 74 Hiến pháp năm 1992 cũng ghi nhận rõ: “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội…”. Vì thế, cần phân biệt giữa việc khiếu nại đúng thẩm quyền theo trình tự khiếu kiện hành chính theo quy định của pháp luật với việc thực hiện quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo như là các quyền hiến định. Có nhận thức đúng như vậy sẽ thấy được cách giải quyết vụ việc khiếu nại nói trên cần được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật, đúng như tinh thần bức thư của Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican ngày 30-1-2008 (nêu trên báo chí) là “tránh những thái cử có thể gây xáo trộn trật tự công cộng mà có thể trở về với trạng thái bình thường, có thể tiếp tục đối thoại với chính quyền…”. Thông điệp nói trên cũng là một cách hành xử hợp đạo lý, phù hợp mục đích cao cả của đạo giáo, đúng pháp luật.

Khi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được Hiến pháp bảo đảm, xã hội vẫn trân trọng và xúc động trước hình ảnh vào các ngày cuối tuần, các nhà thờ trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam vẫn tràn ngập những bước chân của giáo dân đến với Thánh đường, những lời cầu nguyện hòa quyện cùng tiếng chuông ngân, mong cho đất nước bình an, mỗi giáo dân có được đời sống ấm no, có được niềm vui thánh thiện và nâng niu cho mỗi hành động “tốt đạo, đẹp đời”…  

TS-LS PHAN TRUNG HOÀI 



Nhà nước và công dân đều phải tuân thủ pháp luật

Điều 136 Luật Đất đai hiện hành quy định: những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự đã có giấy CNQSDĐ… thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Hiến pháp 1980 và pháp luật về đất đai sau đó, cho tới nay, đều quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Cá nhân, pháp nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất và xét cấp giấy CNQSDĐ.

Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 quy định: “…Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất. Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách dưới đây:

1. Cải tạo nhà đất cho thuê; 2…; 3…; 4. Quản lý nhà đất vắng chủ; 5. Quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định và nhà đất của các đoàn hội, tôn giáo; 6. Quản lý nhà đất của những người di tản, chuyển vùng hoặc ra nước ngoài…”.

Luật Đất đai hiện hành cũng quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy pháp luật nước ta đã quy định khá đầy đủ về thủ tục cũng như về nội dung việc giải quyết các khiếu kiện đòi lại đất, tranh chấp đất. Khi có yêu cầu liên quan tới đất đai, cần tìm hiểu hoặc nhờ các luật sư, luật gia tư vấn để biết cách hành xử đúng đắn vì lợi ích của mình và lợi ích chung. Những tranh chấp về đất đai đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không tự thương lượng giải quyết được, không hòa giải được tại UBND phường, xã, thì cần đưa vụ việc ra TAND giải quyết căn cứ theo những quy định của pháp luật được viện dẫn trên.

Mọi người trong một quốc gia, một xã hội đều phải tuân theo pháp luật của quốc gia đó, xã hội đó. Không cá nhân, pháp nhân nào, kể cả người có tôn giáo hoặc không có tôn giáo, nhà nước hay giáo hội được quyền tự cho mình vượt ra ngoài khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật, dù nhân danh bất cứ ai, bất cứ điều gì. Cũng không ai có quyền đòi hỏi phải áp dụng cho riêng mình hoặc tổ chức của mình thứ pháp luật theo ý chí chủ quan của mình!

Các hành động nóng vội, tùy tiện, thiếu hiểu biết đều không đem lại lợi ích cho cá nhân pháp nhân và đi ngược với lợi ích chung đều có thể bị xử lý theo pháp luật, cả pháp luật hình sự. Nhà nước đặt ra pháp luật. Và nhà nước nào cũng phải tuân theo pháp luật do chính mình đặt ra. Nhà nước phải xem xét lại việc thực thi pháp luật của các cơ quan và viên chức công quyền, khi có khiếu kiện, để chấn chỉnh kịp thời, nếu có sai trái ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân, tổ chức. Nhà nước cũng cần hành xử đúng đắn và kiên quyết để giữ kỷ cương phép nước, không được e ngại, nể nang. Nhà nước cũng phải thực thi chức trách của mình theo đúng quy định pháp luật. 

Luật sư PHẠM QUỐC HƯNG

Thông tin liên quan:

>> Về vụ một số giáo dân Giáo xứ Thái Hà đục tường, chiếm đất của Công ty May Chiến Thắng 
Ai nói sai sự thật?

>> Không chấp nhận hành động vi phạm pháp luật, kích động giáo dân

Tin cùng chuyên mục