Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM . Bài 4: Xe không cần khách?

Máy lạnh... làm kiểng
Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM . Bài 4: Xe không cần khách?

Hiện nay, hệ thống xe buýt tại TPHCM chỉ đáp ứng được 6,2% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Để thu hút người dân đi xe buýt, ngành giao thông vận tải TPHCM đã thực hiện rất nhiều giải pháp như: mở rộng luồng tuyến, tăng chuyến, giảm giá khi khách mua vé tập thể, vé tháng so với vé lượt và có giá vé đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, khách đi xe buýt vẫn có cảm giác mình chưa thực sự được xem là “thượng đế”.

Máy lạnh... làm kiểng

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã bắt nhiều chuyến xe buýt ở nhiều tuyến đường khác nhau. So với cách đây mươi năm, hệ thống xe buýt bây giờ giống như đã qua một cuộc “lột xác”. Từ khi thương hiệu “xe buýt máy lạnh” ra đời thì hệ thống vận tải hành khách công cộng ở TP đã được đầu tư cải tiến mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Không thể phủ nhận những cố gắng vượt bậc của tài xế, tiếp viên xe buýt. Thế nhưng, những chuyển động mạnh mẽ ấy vẫn không khỏi có những hạt sạn.

Nghịch lý hoạt động xe buýt tại TPHCM . Bài 4: Xe không cần khách? ảnh 1

Hành khách đợi xe buýt tại Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn, sáng 11-9-2008. Ảnh: THÀNH TÂM

Tất cả xe buýt hiện nay đều trang bị hệ thống máy lạnh, nhưng rất nhiều xe máy lạnh chỉ để… làm kiểng! Mặc trời nắng hay trời mưa, máy lạnh được mở hay không là tùy vui buồn của… tài xế. Bác tài nào “rộng lượng” thì mở theo chế độ gió cho đỡ hao nhiên liệu trong khi hành khách thì than trời vì nóng. Một số xe cũ, hệ thống máy lạnh đã bị hư. Không chỉ hành khách trên xe mà người đi đường, nhất là người đi xe máy cũng khổ khi xe buýt đi qua. Quy định cấm gắn còi hơi nhưng rất nhiều xe hiện nay được lắp thêm nhiều hệ thống còi. Đường thì đông, xe buýt cứ mặc sức chen, vừa luồn lách vừa bấm còi inh ỏi, kể cả ngang qua khu vực bệnh viện. Không hiếm trường hợp người đi xe máy giật mình, lạc tay lái gây tai nạn vì tiếng còi xe buýt…

Một “nỗi khổ” khác là trên nhiều chuyến xe, khách thường xuyên bị đội quân hàng rong bao vây. Ở bến xe buýt Củ Chi, bất cứ tuyến nào khi khách chưa kịp yên vị là đội ngũ bán hàng rong đã chia nhau “chiếm lĩnh”, miệng rao, tay phân phát sản phẩm như quần áo, dây chuyền bạc, đèn pin, máy cạo râu, bộ bấm móng tay… Nhiều hành khách không muốn xem cũng bị ép xem cho bằng được.

Đua tài nhưng... bỏ khách

Dọc quốc lộ 22 từ An Sương đi Củ Chi luôn chứng kiến các xe buýt chạy ẩu. Lợi dụng việc ra vào đón trả khách, xe buýt thường xuyên chiếm luôn phần đường dành cho xe 2 bánh. Nhiều ngày có mặt tại những “điểm đen” này, chúng tôi chứng kiến cảnh 2 - 3 xe buýt tách ra khỏi hàng xe ô tô, chạy lấn vào làn đường dành cho xe 2 bánh vốn đã khá hẹp. Tiếc thay, trên đoạn đường này có khá nhiều trạm kiểm soát giao thông nhưng chỉ thấy xử phạt xe hai bánh chạy lấn tuyến ra ngoài, còn xe buýt lấn… xe hai bánh thì ít khi bị tuýt còi!

Thế nhưng, việc bỏ rơi khách lại không phải là chuyện đơn lẻ. Anh Thái Văn Thương, sinh viên năm 3 Trường Đại học RMIT, tạm trú trên đường Đào Duy Từ phường 7 quận Phú Nhuận cho biết: Để giảm chi phí khi đi xe máy, anh quyết định sử dụng xe buýt đi học. Ai ngờ suốt 4 tháng đi xe buýt, anh không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị xe buýt… bỏ rơi. Lúc đầu đón xe buýt khá dễ dàng, nhưng dần về sau “cực chẳng đã” các bác tài mới chịu dừng. Lâu dần, cánh sinh viên mới biết lý do xe buýt “quên” đón là do mình sử dụng vé tháng. Cùng cảnh ngộ đi xe buýt vé tháng là chị Trương Huỳnh Thoa ở chung cư Hạnh Phúc, quận 5. Chị Thoa cho biết: “Làm việc ở KCN Củ Chi nên đi làm bằng xe buýt là thuận tiện nhất. Thế nhưng đi được vài tháng, tôi phải trở lại sử dụng xe gắn máy mặc dù đi xe cá nhân đường xa mức độ nguy hiểm cao hơn. Lý do là thời gian đầu đón xe rất dễ dàng, xe nào cũng rước. Sau đó do nhà xe quen mặt, biết mình đi bằng vé tháng nên chỉ cần thấy mình vẫy là xe bỏ trạm chạy luôn, dù có lúc xe rất vắng khách”.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thảo (75 tuổi, ngụ ở phường Thạnh Lộc, quận 12) thì lại là một kiểu bị bỏ rơi khác. Giọng run run, ông bộc bạch: “Từ nhà tôi lội bộ 1 cây số mới ra đến trạm xe buýt ở gần cầu An Lộc. Trước đây, khu vực này có một trạm dừng xe buýt. Nhưng sau khi đoạn đường từ cầu An Lộc đến cầu vượt ngã tư Ga được sửa chữa thì trạm dừng này cũng… biến mất! Vì vậy, mỗi lần cần đón xe buýt tuyến Sài Gòn – Thạnh Lộc phải gần cả tiếng đồng hồ mà chưa chắc có xe. Có lần, phụ xe thò đầu ra quát: “Ở đây có trạm đâu mà đón”. Đến lần thứ tư, ông phải bắt xe ôm qua cầu An Lộc đến đường Nguyễn Oanh mới… lên được xe. Ở các nước có hệ thống vận tải hành khách công cộng tiên tiến thì vé lượt vé tháng chiếm đa số, thế nhưng vé tháng ở TP hiện nay lại đang bị rẻ rúng!

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân:
Phải giải quyết vấn đề từ gốc

Những tồn tại trong hoạt động của xe buýt không phải là vấn đề mới. Thế nhưng, điều đáng nói là tất cả những vấn đề cũ này đến nay vẫn cứ tồn tại, thậm chí chuyển biến ngày càng xấu hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, những tồn tại trên lỗi không phải là ở nhà xe! Trong một cuộc họp mới nhất với Sở GTVT, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở GTVT phải giải quyết tình trạng này. Việc giải quyết phải ngay từ gốc của vấn đề. Trong đó, các cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp vận tải (doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã) phải bình đẳng; trước tiên phải đảm bảo các chế độ đối với xã viên. Cần thiết, phải đưa nội dung các hình thức xử phạt những tiếp viên, lái xe vào trong nội dung của cuộc vận động người dân sử dụng phương tiện xe buýt thay thế xe cá nhân; đồng thời, ban hành quy chế quy định trình độ tiếp viên, lái xe khi tuyển dụng.

Vân Anh - Quốc Hùng 

Thông tin liên quan

- Bài 1: Đường nhỏ, xe lớn

- Bài 2: Nhu cầu nhiều, luồng tuyến ít

- Bài 3: Bao nhiêu tuyến trùng lắp?

Tin cùng chuyên mục