Phòng công chứng số 4

Công chứng vẫn qua… “cò”!

Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-7-2007) và nhất là khi Nhà nước cho phép các văn phòng công chứng tư được hoạt động, tình trạng quá tải tại các phòng công chứng Nhà nước đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của công chứng viên tại các phòng công chứng Nhà nước vẫn còn…
Công chứng vẫn qua… “cò”!

Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-7-2007) và nhất là khi Nhà nước cho phép các văn phòng công chứng tư được hoạt động, tình trạng quá tải tại các phòng công chứng Nhà nước đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của công chứng viên tại các phòng công chứng Nhà nước vẫn còn…

1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ công chứng

Ông Phạm Minh H., nhà ở phường 16 (quận 11 TPHCM) cùng 7 anh chị em trong gia đình có mặt tại Phòng Công chứng số 4 để làm thủ tục công chứng di sản thừa kế theo giấy hẹn của công chứng viên phòng làm việc số 5. Sau khi kiểm tra một lượt giấy CMND của cả 8 người, nữ công chứng viên (không đeo bảng tên) khẽ hỏi: “Còn ai nữa không?”. “Tết Mậu Thân (năm 1968), mẹ tôi có đẻ một người, nhưng chỉ 2 ngày sau đã chết” – một người trong anh chị em ông H. buột miệng nói. Nghe đến đây, nữ công chứng viên này đẩy trả lại hồ sơ và nói: “Phải có giấy chứng tử mới ký được”. “Dạ, mới đẻ có 2 ngày chưa đặt tên, chưa có giấy khai sinh và nay cũng hơn 40 năm rồi, làm sao có giấy chứng tử” – một người lên tiếng. “Phải có chứng tử, không có phải đi trích lục” – nữ công chứng viên quả quyết. Nghe đến vậy, cả 8 anh chị em ông H., rụng rời tay chân, đành rút hồ sơ ra về.

Một nhân viên dịch vụ (đứng giữa) đang hướng dẫn thủ tục công chứng cho người dân. Ảnh: H.N.

Một nhân viên dịch vụ (đứng giữa) đang hướng dẫn thủ tục công chứng cho người dân. Ảnh: H.N.

Vừa tới cửa, một thanh niên tự giới thiệu là luật sư L., đang làm việc tại Văn phòng Luật S. trấn an gia đình ông H.: “Vô lý, mới đẻ đã chết làm gì có chứng tử. Luật quy định sau khi đẻ 7 ngày mà chết mới có chứng tử chứ”. Nghe  vậy, gia đình ông H. như chết đuối vớ được cọc. Sau một hồi bàn bạc, hợp đồng miệng giữa gia đình ông H. và luật sư L. xong, với cam kết 30 ngày sau sẽ hoàn tất thủ tục, giá trọn gói 2 triệu đồng. Theo L., lý do công chứng viên đưa ra là để làm khó gia đình ông H., chứ qua dịch vụ thì xong hết.

Một trường hợp khác, vợ chồng anh T. đến Phòng Công chứng số 4 để công chứng tài sản cá nhân. Lấy nhau từ năm 1983, đến nay anh chị T. vẫn chưa làm hôn thú. Mặc dù anh T. đưa ra giấy khai sinh của các con và nói rõ quan hệ của hai vợ chồng, nhưng công chứng viên vẫn đòi phải có hôn thú. Sau 2 ngày lên xuống giải thích đủ điều không xong, cuối cùng anh T. phải nhờ đến một người làm dịch vụ tên D. tại ngay Phòng Công chứng số 4, với giá 1,5 triệu đồng và chỉ trong một buổi sáng là xong hết. Anh T. còn cho chúng tôi biết, trường hợp ông B. - người nhà của anh từ Mỹ về công chứng thừa kế tài sản cũng bị làm khó về thủ tục giấy chứng tử. Theo hồ sơ, bố ông B. chết từ năm 1929, ngay khi ông chào đời. Trong các giấy tờ cá nhân đều nói rõ bố ông đã chết, nhưng công chứng viên vẫn một mực đòi phải có giấy chứng tử. Cuối cùng, ông B. phải nhờ đến dịch vụ, với chi phí 3 triệu đồng, thì xong việc.

Đó là 3 trong nhiều trường hợp mà chúng tôi nghe kể và chứng kiến tại Phòng Công chứng số 4.
Người dân cho biết, các trường hợp công chứng vay ngân hàng, cho thuê nhà, ủy quyền tài sản, xác lập quyền sở hữu tài sản…, muốn nhanh đều phải qua dịch vụ, giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng/hồ sơ công chứng. Ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực làm thủ tục công chứng và trước cửa các phòng công chứng lúc nào cũng có đội quân “cò” tiếp thị dịch vụ công chứng, với lời chào mời nhận làm từ A đến Z tất cả các thủ tục công chứng.

“Công chứng viên nhận tiền, chúng tôi làm sao biết được”

Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 4, khi chúng tôi nêu lên một số trường hợp công chứng viên nhận tiền của những người đi làm dịch vụ công chứng. Ông Hòa còn quả quyết, hơn 2 năm qua chưa từng được nghe phản ánh của người dân về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chứng viên. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói tình trạng dịch vụ công chứng vẫn hoạt động công khai, thì ông Hòa lại lảng sang chuyện khác: “Cái này tôi không trả lời anh được. Mà dịch vụ hay không dịch vụ đều như nhau, không có ưu tiên gì”.

“Người dân phản ánh vẫn phải chi tiền cho công chứng viên mới nhanh được” – chúng tôi lặp lại câu hỏi lúc đầu. Ông Hòa thừa nhận: “Khách hàng có bồi dưỡng thì nhận, chứ tuyệt nhiên không được đòi hỏi. Anh biết đấy, văn hóa của người mình, ai giúp cho việc gì thì thường tìm cách trả ơn.
Điều này là bình thường (!?)…”.

Theo ông Hòa, từ ngày các văn phòng công chứng tư được phép hoạt động, nhiều thủ tục tại Phòng Công chứng số 4 đã thoáng hơn, không còn tình trạng quá tải như trước. Để thu hút khách, Phòng Công chứng số 4 đã có nhiều cải tiến về thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, thái độ tiếp dân của công chứng viên… Trước kia, khách đến làm thủ tục muốn đi vệ sinh phải mất tiền, nay được miễn; một số khách hàng quen thuộc còn được giữ xe miễn phí. Để minh chứng cho điều vừa nói, ông Hòa đưa chúng tôi xem tấm danh thiếp của ông, phía mặt sau có in các dòng chữ: “Phòng Công chứng số 4 tư vấn, hướng dẫn trực tiếp hoặc qua điện thoại, công chứng tại trụ sở hoặc ngoài trụ sở, trong hoặc ngoài giờ hành chính, chúng tôi luôn mong muốn làm khách hàng hài lòng”…

Mong muốn của trưởng phòng công chứng là vậy, nhưng thực tế… thì sao!?


HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục