Cho công ty mượn sổ đỏ: Công nhân thành con nợ

Nợ hơn 56 tỷ đồng
Cho công ty mượn sổ đỏ: Công nhân thành con nợ

Đầu tháng 6-2009, qua điều tra theo thư bạn đọc, chúng tôi nhận thấy, trong những năm qua Agrexco làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất và có dấu hiệu bất minh trong việc sử dụng sổ đỏ của các gia đình công nhân để vay vốn ngân hàng.

Nợ hơn 56 tỷ đồng

Agrexco tiền thân là Công ty 722 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam), có trụ sở chính tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắc Lắc). Trước khi cổ phần hóa, Agrexco được đánh giá là đơn vị làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân, trong đó có 139 lao động trong biên chế. Bình quân mỗi năm, công ty chế biến và xuất khẩu hơn 1.000 tấn hạt điều thành phẩm.

Tháng 2-2005, Agrexco cổ phần hóa, với tổng giá trị vốn và tài sản cố định là 6,5 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước là 1,8 tỷ đồng. Ông Lê Mai Quỳnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Agrexco, là cổ đông đại diện phần vốn Nhà nước.

Chỉ sau một năm hoạt động, tại cuộc họp cổ đông vào đầu năm 2006, Hội đồng Quản trị Agrexco công bố số lỗ trong năm 2005 lên đến 1,8 tỷ đồng (!). Do khó khăn về tài chính, từ tháng 7-2006 đến tháng 12-2007, Agrexco chỉ hoạt động cầm chừng, hàng trăm lao động làm việc trong tình trạng không lương, không được đóng bảo hiểm xã hội.

Anh Lê Viết Thảo, Trưởng phòng Tổ chức công ty, cho biết: “Từ tháng 12-2007 đến nay, 139 lao động trong biên chế bị mất việc, chưa trường hợp nào được giải quyết chế độ. Một số người đã phải tìm kế sinh nhai khác, chờ công ty phá sản để mong được hưởng những chế độ theo quy định!”.

Cảnh trụ sở vắng hoe để cỏ mọc ở Agrexco (ảnh chụp ngày 3-6).

Cảnh trụ sở vắng hoe để cỏ mọc ở Agrexco (ảnh chụp ngày 3-6).

Không chỉ thua lỗ nặng, Agrexco còn nợ hàng chục tỷ đồng. Anh Đinh Thanh Sơn, kế toán phụ trách công nợ của công ty, cho biết: Theo bản kết toán công nợ tính đến cuối năm 2006, Agrexco nợ ngân hàng, nợ tiền vay và các chế độ của công nhân tổng cộng 56 tỷ đồng, trong đó, nợ bảo hiểm xã hội và tiền lương của người lao động hơn 2 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Đông Đắc Lắc 8 tỷ đồng, mượn 9 sổ đỏ của cán bộ, công nhân vay 2,04 tỷ đồng.

Đến nay, nhiều khoản nợ vay của 5 ngân hàng đã quá hạn, hiện các ngân hàng đang làm thủ tục kê biên các xưởng chế biến hạt điều của Agrexco tại huyện Cư Dút (Đắc Nông) và Ea Kar (Đắc Lắc). 

Nguy cơ trắng tay

Trước tình trạng khó khăn về mặt tài chính, không còn tài sản thế chấp vay ngân hàng, tháng 10-2006, ông Lê Mai Quỳnh nghĩ ra “độc chiêu”: Vay vốn của công nhân, hộ nào không có tiền mặt cho vay thì cho công ty mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay vốn.

Tin tưởng ông và cũng muốn vực dậy công ty, ngày 3-10-2006, có 9 hộ cán bộ, công nhân ký vào biên bản giao nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ngày 30-10-2006 tiếp tục ký hợp đồng kinh tế về việc cho Agrexco vay khoản tiền đúng bằng số tiền mà công ty mang sổ đỏ của các hộ thế chấp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Đông Đắc Lắc vay được.

Ngày 3-6-2009, trong buổi làm việc với chúng tôi, các anh Lê Viết Thảo, Đinh Thanh Sơn, Hoàng Hữu Cầu, Phạm Hữu Sáng và Trương Đình Long, đại diện 9 hộ cán bộ, công nhân cho Agrexco mượn sổ đỏ vay 2,04 tỷ đồng từ ngân hàng, lại khẳng định: “Chúng tôi chỉ được ngân hàng và lãnh đạo Agrexco mời ký vào các giấy tờ liên quan, sau đó ngân hàng giao tiền cho công ty như thế nào chúng tôi không được biết!”.

Ngày 3-6-2009, ông Đặng Xuân Lới, kế toán phụ trách mảng ngân hàng của Agrexco, cho biết: “Toàn bộ hơn 2 tỷ đồng các hộ ký nhận vay cho công ty, ông trực tiếp ra ngân hàng nhận và mang về nhập vào quỹ của công ty chứ các hộ không nhận”. Và bản thân ông Lới cũng là nạn nhân khi cho Agrexco mượn sổ đỏ vay tới 200 triệu đồng.

Như vậy ở đây, phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Đông Đắc Lắc hoàn toàn biết việc Agrexco mượn sổ đỏ của các hộ dân để vay hơn 2,04 tỷ đồng. Vì vậy, khi giải quyết khoản nợ trên không thể để Agrexco ngoài cuộc.

Với thời hạn vay 6 tháng, giữa tháng 5-2009, khi quá hạn trả nợ tới 25 tháng, ngân hàng kiện các hộ dân ra Tòa án Nhân dân huyện Ea Kar. Dựa trên những chứng cứ pháp lý, tòa tuyên buộc các hộ dân phải trả cả gốc lẫn lãi và nộp tiền án phí. Với khoản nợ gốc 100 - 300 triệu đồng, thậm chí đến 700 triệu đồng như hộ Nguyễn Văn Thành, trong khi hoàn cảnh kinh tế các hộ này hiện rất khó khăn nên nếu như Agrexco (chủ nợ đích thực) đứng ngoài cuộc thì các hộ công nhân khó có khả năng trả tiền cho ngân hàng.

Bức xúc trước việc làm thiếu trách nhiệm của Agrexco, cuối tháng 5-2009, các hộ Trương Đình Long, Phạm Hữu Sáng và Lê Viết Thảo đã khởi kiện Agrexco ra Tòa án Nhân dân huyện Ea Kar.

Tòa án Nhân dân huyện Ea Kar buộc Agrexco phải trả số tiền cả gốc và lãi đã ghi trong “hợp đồng kinh tế” với các hộ. Thực ra, đây chính là số tiền mà Agrexco mượn sổ đỏ của cán bộ, công nhân vay được từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Đông Đắc Lắc.

Tuy nhiên, 9 hộ cán bộ, công nhân cho Agrexco mượn sổ đỏ lo ngại rằng, với tình trạng nợ nần chồng chất và ngừng hoạt động từ tháng 12-2007, không biết đến bao giờ Agrexco mới có khả năng thi hành án, để họ có tiền trả nợ ngân hàng. Và trong thời gian chờ đợi ấy, các hộ dân trên lo ngại sẽ bị ngân hàng kê biên nhà cửa, vườn tược, khi ấy họ sẽ trở nên trắng tay.

Thiết nghĩ, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cần sớm vào cuộc làm rõ tình trạng bê bối tài chính, làm ăn thua lỗ, cũng như những khuất tất xung quanh việc dùng sổ đỏ của hộ cán bộ, công nhân vay vốn ngân hàng ở Agrexco.

Thúy Hiền

Tin cùng chuyên mục