TPHCM: Quá tải kho tang vật

Tang vật phơi sương
TPHCM: Quá tải kho tang vật

Mới 6 tháng đầu năm nhưng số hàng hóa vi phạm lưu kho đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2008. Toàn bộ kho giữ tang vật của các ngành chức năng hiện đã quá tải. Cán bộ chức năng phải vất vả thay nhau trực chiến để bảo vệ tang vật…

Tang vật hàng hóa chất như nêm tại kho D, không tường của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM.

Tang vật hàng hóa chất như nêm tại kho D, không tường của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM.

Tang vật phơi sương

Kho tang vật B1 rộng 690m2 do Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP thuê lại của Sở Tài chính (số 253/5 đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) đã chật cứng tang vật hàng hóa từ hai tháng nay. Để cải thiện tình hình, Chi cục QLTT thuê tiếp kho C2 với tổng diện tích 240m² (gồm 1 trệt, 1 lầu) nhưng cũng chẳng “bõ bèn” gì khi hàng hóa vi phạm từ các nơi liên tục đổ về. Khu vực còn lại duy nhất là kho D, rộng 100m², nằm lọt sâu phía sau khuôn viên, mái lợp tôn, xung quang trống hoác đã được QLTT tận dụng thuê lại, nhưng cũng chỉ chứa được 90.000 đôi dép và hơn 70 tấn phụ liệu dệt may đã chật cứng. “Cả 3 kho tang vật mà QLTT thuê đều chật cứng, không thể tiếp nhận thêm, trong đó các mặt hàng như phụ liệu may, máy phát điện, điện tử… chiếm đa phần, lên đến hàng trăm tấn”, anh Tuấn, cán bộ trực kho của Chi cục QLTT tại đây cho biết.

Do các kho hàng tại đây bị quá tải nên một số tang vật khác như phương tiện xe cộ, hàng hóa còn nằm trong container đành “phơi” cả cái container ấy ngoài sân. “Cũng may chủ hàng chưa đòi container nếu không tang vật không biết để vào đâu”, anh Tuấn vừa chỉ tay vào các container nằm giữa khu vực sân vừa nói. Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục QLTT Dương Công Khanh, đơn vị chỉ có duy nhất một kho tang vật trên đường Lũy Bán Bích phục vụ cho 4 đội của đơn vị, còn kho của 24 đội ở các quận, huyện chỉ rộng khoảng 20m²/đội nên hiện cũng quá tải. Do đó, đối với số tang vật lớn, các đội buộc phải dồn về kho này của chi cục nên thật sự khó khăn vì quá tải.

Do toàn bộ kho tang vật chật kín, trong khi việc thuê thêm kho gặp khó khăn nên một số hàng tang vật bị phát hiện gần đây, Chi cục QLTT và lực lượng chức năng phải cắt cử cán bộ trực 24/24 tại hiện trường. Đơn cử, 4 vụ phân bón giả, kém chất lượng bị phát hiện mấy ngày qua tại quận Tân Phú, huyện Bình Chánh với số lượng gần 600 tấn, hiện QLTT phải cử 16 cán bộ thay phiên nhau trực canh giữ tang vật lưu giữ tại kho hàng của đơn vị vi phạm, ban đêm phải huy động mỗi điểm một xe quân dụng túc trực hỗ trợ. Hiện tại, QLTT đang thương lượng để thuê một mặt bằng của doanh nghiệp tư nhân  nếu xong kho này có thể chứa được khoảng 300 tấn tang vật. Tuy nhiên, việc thuê kho rất khó khăn do những quy định chặt chẽ đối với việc bảo quản tang vật.

Những kiến nghị

Theo Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Nguyễn Thế Thông, ngoài nguyên nhân số vụ vi phạm gia tăng từ đầu năm đến nay, dẫn đến hàng hóa bị quá tải, còn do khâu xử lý và giải phóng tang vật quá chậm. Trong đó, việc định giá, đấu giá chưa thống nhất, chồng chéo kéo dài thời gian nên tang vật không thể giải tỏa đúng thời hạn. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua do khâu định giá không sát thực tế nên khi đưa một số tang vật ra đấu giá, không có đơn vị, cá nhân tham gia đấu thầu.

Và thế là, phải định giá lại. Quy trình mỗi lần định giá các tang vật phải mất từ 3 đến 4 tháng, chưa kể hàng hóa cũng theo đó giảm 5%-10% giá trị, gây thất thu cho Nhà nước. Trường hợp khác là một số loại hàng hóa vi phạm nếu có giá trị trên 30 triệu đồng phải chuyển cơ quan điều tra và đã có những vụ việc kéo dài hàng năm vẫn chưa thể kết thúc… Đơn cử, vụ 1 xe tải, 1 rơ-móc là tang vật đang nằm tại kho Chi cục QLTT, chuyển cơ quan điều tra hơn 3 năm nay, từ giá trị ban đầu trên 100 triệu đồng, hiện giá trị chỉ còn lại vài chục triệu đồng nhưng nay vẫn chưa xong!

Trước những vướng mắc trên, Chi cục QLTT vừa kiến nghị UBNDTP, tổ chức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu kín, thay cho cách công khai bấy lâu nay. Mặt khác, nâng mức tiền mặt đặt trước khi tham gia mua hàng đấu giá (tối đa không quá 30%) nhằm hạn chế sự thao túng, thông đồng ghìm giá của một số khách hàng “quen”. Về định giá hàng hóa vi phạm, đề nghị Sở Tài chính cử hẳn chuyên viên chuyên trách cùng với quản lý thị trường định giá hàng hóa vi phạm để xác định thẩm quyền xử phạt. Bởi hiện nay, mỗi lần tổ chức định giá, chi cục phải có công văn đề nghị Sở Tài chính, trong khi hàng hóa vi phạm cần định giá rất nhiều và phải bảo đảm thời hạn xử phạt… Chi cục QLTT TP cũng kiến nghị UBND TP sớm xem xét cấp thêm kho giữ tang vật để đơn vị chức năng có điều kiện bảo quản tốt hàng hóa tang vật bị tạm giữ trong thời gian chờ xử lý theo quy định.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục