Thông quan điện tử tại TPHCM: Chờ ngày... đóng cửa!

“Cái chết bất ngờ” của thông quan điện tử
Thông quan điện tử tại TPHCM: Chờ ngày... đóng cửa!

Hiện tại, gần 350 doanh nghiệp có “lý lịch tốt”, chỉ thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan điện tử TPHCM trong hơn 4 năm qua đang đứng ngồi không yên vì Chi cục Hải quan điện tử TPHCM sắp “đóng cửa”. Điều này cũng đồng nghĩa nỗ lực của Hải quan TPHCM suốt thời gian trên nhằm hiện đại hóa hải quan, làm “trong sạch” trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp xem ra… “gãy gánh giữa đường”. Vì sao?

“Cái chết bất ngờ” của thông quan điện tử

Những ngày làm việc cuối cùng của nhân viên Chi cục Hải quan điện tử TPHCM?

Những ngày làm việc cuối cùng của nhân viên Chi cục Hải quan điện tử TPHCM?

Ai yêu bóng đá đều biết đến luật “Cái chết bất ngờ”. Sẽ không còn thông quan điện tử cũng là “Cái chết bất ngờ” đối với các doanh nghiệp chỉ thực hiện xuất nhập khẩu bằng thông quan điện tử tại TPHCM. Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Trọng Hùng đưa ra các nguyên nhân khiến Chi cục Hải quan điện tử TPHCM sẽ “đóng cửa”: Thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan điện tử TPHCM hiện chưa đồng bộ với các khâu khác.

Cụ thể, các bộ hồ sơ chứng từ của thông quan điện tử chưa được pháp lý hóa, tiêu chuẩn hóa vì nếu có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng phải kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên hồ sơ gốc. Kế tiếp, phần mềm quản lý chưa đạt yêu cầu. Tức phần mềm thông quan điện tử hiện nay mới là hình thức vi tính hóa từ các thao tác thủ công chứ chưa phải là phần mềm cho hải quan điện tử.

Ông Hùng cho biết thêm, thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan điện tử TPHCM rơi vào cảnh “lâm chung” còn vì quá trình mã hóa hồ sơ (để đưa vào chuẩn) của gần 50 bộ, ngành liên quan chưa được thực hiện tốt. Song song đó là lý do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được quá trình thực hiện thông quan điện tử và hiện nay vẫn chưa có hệ thống dự phòng. Điều này dẫn đến những nguy cơ rủi ro rất lớn. “Công chức hải quan điện tử chưa mặn mà với công việc và doanh nghiệp vẫn chưa quyết tâm cao”, ông Hùng cho biết đây cũng là nguyên nhân sẽ không còn thông quan điện tử.

“Đến hôm nay, thông quan điện tử là mô hình chưa phù hợp với thực tế”, đây như là kết luận khái quát nhất của Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Trọng Hùng khi nói về kết quả không sớm thì muộn, Chi cục Hải quan điện tử sẽ “đóng cửa”.

Thay thế bằng “Khai báo hải quan điện tử”

Như để chuẩn bị cho sự “ra đi” của thông quan điện tử, vào tháng 5-2009, Cục Hải quan TPHCM tổ chức tập huấn cho các chi cục hải quan trực thuộc và các doanh nghiệp về Khai báo hải quan điện tử. Đến nay, 11 chi cục trực thuộc Cục Hải quan TPHCM với hơn 90% doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu thực hiện Khai báo hải quan điện tử.

Khai báo hải quan điện tử được thực hiện theo cách: Doanh nghiệp ngồi nhà khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu (theo mẫu) xong thì gởi tờ khai này (qua internet) đến chi cục hải quan cần xuất nhập khẩu (để nhân viên hải quan kiểm tra trước). Kế tiếp, doanh nghiệp phải cầm hồ sơ xuất nhập khẩu gốc đến hải quan cửa khẩu để nhân viên hải quan kiểm tra… sau đó nhân viên hải quan sẽ ra hình thức thông quan. Với quy trình này, rõ ràng doanh nghiệp phải mất thời gian lên xuống cửa khẩu và luôn mang bên mình hồ sơ xuất nhập khẩu…

Trở lại với thông quan điện tử tại TPHCM. Vào ngày 29-7-2005, Chi cục Hải quan điện tử TPHCM được ra mắt và đến sáng 4-10-2005, gần 20 doanh nghiệp đã thực hiện thành công thông quan điện tử. Với thông quan điện tử, hồ sơ hải quan được phân làm 3 luồng (xanh, vàng và đỏ) tương ứng với cấp độ thông quan. Luồng xanh gồm những hàng hóa không thuộc danh mục hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, được miễn kiểm tra và thông quan ngay, doanh nghiệp không phải xuất trình bộ hồ sơ hải quan bằng văn bản để đăng ký tờ khai mà chỉ cần sử dụng tờ khai hải quan đã được chấp nhận thông quan qua mạng để làm thủ tục tại cửa khẩu. Nếu là hàng hóa trong luồng vàng, luồng bắt buộc kiểm tra hồ sơ trước khi thông quan, hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ hải quan điện tử hoặc hồ sơ giấy. Còn đối với luồng đỏ, phải qua kiểm tra cả hồ sơ và hàng hóa.

Khi đó, các doanh nghiệp được thông quan điện tử mừng ra mặt. Thời điểm này, ông Nguyễn Tài Trung, Phó Giám đốc Công ty Thuốc lá Bến Thành, một trong những công ty đầu tiên được thông quan điện tử cho biết, đây là việc làm hết sức ý nghĩa, giúp ích rất lớn cho doanh nghiệp cũng như góp phần cho tiến trình hội nhập sau này. Đó là chưa kể thông quan điện tử mang lại nhiều lợi ích như, giải phóng hàng nhanh, giảm chi phí lưu kho bãi cho doanh nghiệp và góp phần tránh tình trạnh doanh nghiệp và hải quan “phiền hà” với nhau… Đến nay đã có gần 350 doanh nghiệp mạnh tham gia thông quan điện tử và tính từ đầu năm 2009 đến ngày 20-7-2009, Chi cục Hải quan điện tử TPHCM đã giải quyết 20.000 tờ khai xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch trên 2,5 tỷ USD và thu được 1.800 tỷ đồng tiền thuế…

Cách làm từ dễ đến khó hay một bước lùi?

Từ thông quan điện tử nhìn cách thực hiện Khai báo hải quan điện tử đang làm tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là một bước lùi. Vậy nhưng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Trọng Hùng cho rằng đây là cách làm từ dễ đến khó. Khi tất cả các doanh nghiệp và công chức hải quan đều thuần thục với Khai báo hải quan điện tử thì sẽ tiếp tục tiến đến một bước cao hơn trong thông quan. Cụ thể của bước đi này như thế nào thì còn phải tính toán và chọn phương án thích hợp.

Xem ra “chọn phương án thích hợp” kế tiếp như thế nào vẫn là bài toán chưa có đề lẫn lời giải. Trong khi đó, không sớm thì muộn, thông quan điện tử tại TPHCM, vốn là “đứa con” có nhiều “tính cách” nổi trội, được những doanh nghiệp có “lý lịch tốt” ủng hộ và là một thời kỳ vọng của Hải quan TPHCM phải lâm vào cảnh chờ ngày “khai tử”. “Thời gian giải thể Chi cục Hải quan điện tử TPHCM (đồng nghĩa với không còn thông quan điện tử) tùy thuộc vào thời gian tổ chức cuộc họp đúc kết kinh nghiệm do Chi cục Hải quan điện tử TPHCM tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra trong quý 3 năm 2009”, ông Nguyễn Trọng Hùng cho biết thêm như vậy.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục