Phía sau cánh cổng nhà máy-Bài 3: Những chuyện... không nói ra thì không ai biết

Được đi tiểu, cấm... đi tiêu!
Phía sau cánh cổng nhà máy-Bài 3: Những chuyện... không nói ra thì không ai biết

Trong truyện Trạng Quỳnh có chi tiết, Chúa Trịnh sai lính tới tiêu bậy giữa nhà Trạng. Trạng cầm dao ra bảo lính: “Tiêu thì được nhưng tiểu thì cấm. Anh nào tiểu sẽ bị… thiến”. Những tưởng chuyện hy hữu đó chỉ có trong giai thoại. Thế mà đầu thế kỷ thứ 21, trong những KCX-KCN hiện đại ở TPHCM, có công ty, nhà máy đã quy định với công nhân tương tự như vậy.

Công nhân chui xuống gầm bàn tranh thủ chợp mắt trong giờ giải lao sau nhiều giờ đứng làm việc. Ảnh: HOÀNG ANH

Công nhân chui xuống gầm bàn tranh thủ chợp mắt trong giờ giải lao sau nhiều giờ đứng làm việc. Ảnh: HOÀNG ANH

Được đi tiểu, cấm... đi tiêu!

Sau hơn 4 tiếng đứng làm việc, chuông vừa reo tới giờ cơm trưa, tôi vội phóng nhanh ra nhà vệ sinh. Vừa bước vào trong, một dòng nước vàng sệt lợn cợn phân người từ từ chảy ngang trước mũi chân. Tôi lợm giọng chạy vội ra, không dám quay đầu nhìn lại. Tại Công ty may H.K này, khu nhà vệ sinh là nỗi kinh hoàng của CN. Thiết kế nhà vệ sinh ở đây dù cũng chia ra từng phòng nhưng phòng nào cũng chỉ có một cái rãnh nước được thông sang phòng khác. Không phòng nào có bồn cầu. Mà chẳng cần vào trong, trên cánh cửa mỗi phòng đều đã dán mảnh giấy ghi: “Để giữ gìn vệ sinh chung, phòng chỉ dùng cho tiểu tiện, cấm đại tiện”. Như vậy là ở đây không có chỗ cho đại tiện.

Trong khi đó, CN ở trong nhà máy tính cả giờ tăng ca là liên tục hơn 12 giờ/ngày. Cả ngàn công nhân, mỗi tuần đều có 6 ngày làm việc như vậy, làm sao không có ngày nào, người nào chột bụng chột dạ đột xuất? Mà khi đã có nhu cầu thì dù có lệnh “cấm đại tiện”, dù không có bồn cầu, vẫn cứ phải… xả. Do hệ thống rãnh nước được thiết kế liên thông nên chỉ cần một người “xả” ở đầu rãnh là tất cả các phòng lãnh đủ. Nghe nói CN rất bức xúc với tình trạng này, đã phản ánh rất nhiều lần với lãnh đạo công ty nhưng chẳng ai giải quyết.

Mấy giờ sau, nhịn không được, tôi nhắm mắt nín thở vào phòng vệ sinh. Sau khi “trút bầu tâm sự”, tôi loay hoay tìm vòi nước rửa tay mà không thấy. Hỏi ra mới biết, bồn rửa tay được lắp đặt cách biệt bên ngoài để quản lý dễ kiểm soát việc sử dụng nước của CN. Nhà vệ sinh không có nước, cũng không có giấy, nên chị em CN mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, không biết xoay xở ra sao. Ở công ty này còn có một luật bất thành văn: CN làm đủ số lượng hàng của giờ trước mới được cho ra ngoài vệ sinh trong giờ sau. Nếu giờ trước không làm đủ số lượng thì giờ sau có muốn cũng phải “nhịn”…

“Quota” đi vệ sinh

Công nhân Công ty may Y.V thì không bị hạn chế chuyện bài tiết như ở Công ty H.K. Nhưng có lẽ để tiết kiệm thời gian lao động, họ hạn chế nhu cầu bằng thẻ. Hôm mới vào công ty, ăn cơm xong, tôi xuống nhà vệ sinh thì bị một người phụ nữ đang ngồi canh sẵn ở góc phòng gọi giật giọng:

– Thẻ đâu? - Em là CN mới, chưa có thẻ - tôi đáp.

– Vì là CN mới, hôm nay tôi châm chước, lần sau không có thẻ là không được đi đâu – người phụ nữ gằn giọng.

Cả tổ ủi mà tôi làm việc có trên 30 CN được 1 cái thẻ vệ sinh, trên thẻ có ghi rõ dòng chữ: “Thẻ vệ sinh, tổ…”. Nhà vệ sinh của công ty cũng chật hẹp, mỗi phòng rộng chưa đầy 9 tấc vuông. Người nhỏ xíu, ốm nhom như tôi mà chui vào trong, đóng cửa là… mắc kẹt. Chưa kể vừa mới vào, đang loay hoay xoay trở thì tôi đã nghe tiếng hối thúc của chị nhân viên canh gác nhà vệ sinh: “Đi nhanh cho người khác còn đi chứ!”…

Ở Công ty điện tử N.C, nhà vệ sinh có khoảng 30 phòng thì quá nửa số phòng đã bị hư hỏng: Cái thì mất cửa, cái thì kẹt bồn cầu. Có cái long hết cả vách khiến 3 phòng có thể nhìn thông thống với nhau. Phòng vệ sinh lúc nào cũng ở tình trạng ngập nước xâm xấp (kể cả nước dội rửa và nước tiểu). Ấy vậy mà nơi đây còn được dùng làm phòng thay đồ của CN. Nhiều CN không thể thay quần áo trên nền nhà ẩm ướt nên đành đứng ra cửa phòng để thay. Có người khiêng mấy tấm vách, cửa bị sứt đến quây tạm ở một góc phòng để thay đồ.

Ngay trong ngày đầu nhận việc, CN mới cũng đã được “giáo huấn” là không đi vệ sinh trong giờ làm việc, chỉ được đi vào giờ ăn trưa hay ăn giữa ca. Thỉnh thoảng, có CN bị đau bụng, năn nỉ chuyền trưởng hết mức mới được “xé rào”. Điều đó được xem như một đặc ân.

Nhịn ăn để ngủ

Tại một chuyền hàng của Công ty điện tử N.C, khi chuyền trưởng vừa đưa tay ra hiệu CN được nghỉ tại chỗ 10 phút, ngay lập tức, tất cả CN đều vơ lấy một tấm giẻ để lau dọn sạch chỗ đứng của mình. Sau đó, họ ngồi bệt tại chỗ. Suốt ngày làm việc trong tư thế đứng, những phút được ngồi thật sự quý giá. Nhiều CN ngồi bó gối ngủ ngon lành ngay trước mặt tôi. Có người chui luôn xuống gầm bàn để duỗi chân ra một chút cho đỡ mỏi rồi thiếp đi. Giấc ngủ 10 phút chập chờn trong tiếng máy ì ầm vọng đến từ những chuyền hàng khác.

Đúng 11 giờ, tổ ủi của Công ty may Y.V được nghỉ ăn trưa, các tổ còn lại vẫn làm bình thường. Chúng tôi xuống tới nhà ăn thì các khay đựng cơm, thức ăn đã được chuẩn bị sẵn. Thức ăn có vài lát thịt heo mỏng kho với mấy cọng dưa cải chua kèm theo 3 - 4 lát dưa leo. Nhìn tôi nhai, nuốt đầy khó khăn, mấy CN thông cảm: Ráng ăn lấy sức mà làm. Riết rồi sẽ quen thôi... Tôi ăn chưa hết 1/4 suất cơm, đã nghe chung quanh có tiếng kéo ghế rào rào.

Gần như toàn bộ CN đều đã đứng dậy. Phần cơm của họ vẫn còn đầy, có người dường như chưa ăn gì. Tại Công ty H&N, khẩu phần ăn trưa của một CN theo như công ty công bố là 8.000 đồng. Thế nhưng, ngày đầu làm việc, tôi được ăn bữa trưa với 1 cái rưỡi trứng vịt luộc, canh đậu hũ hẹ và đậu que xào. Ngày thứ hai, bữa ăn là 5 - 6 miếng thịt heo mỏng, nhỏ bằng đầu ngón tay với giá xào và canh. Không có nước uống. Người nào muốn uống nước thì đến căn tin mua nước với giá 2.000 đồng/ly trà đá pha theo công thức: nước lã + nước đá + xác trà.

Vì bữa ăn quá tệ, không ít CN chọn phương án nhịn ăn để ngủ. Do thời gian ăn và nghỉ giữa ca chỉ vỏn vẹn 45 phút, hầu hết CN ăn rất nhanh cho xong bữa rồi đi vội về phía nhà xưởng để tranh thủ chợp mắt. Trên nền gạch của xưởng, CN trải những tấm ni lông mỏng ra sàn nhà rồi nằm la liệt. Một số người khác thì ngồi trên ghế, gục đầu lên đống hàng, thậm chí chui xuống gầm bàn để ngủ. Nhưng thường thì chỉ được 15 - 20 phút, quản lý đã bật đèn lên mặc dù chưa hết giờ nghỉ. CN vội vàng thu dọn chỗ nằm, ánh mắt lộ vẻ thòm thèm tiếc nuối và mệt mỏi vì thiếu ngủ.

- Đón xem bài 4: Như thế là thủ đoạn bóc lột!

M.Hương - T.Hợp - H.Dung

Thông tin liên quan

- Bài 1: Nỗi niềm “lính mới”

- Bài 2: Chuyện thường ngày ở xưởng

Tin cùng chuyên mục