Nhức nhối lãng phí nhà đất công - Bài 1: Những đại gia “ngồi mát ăn bát vàng”

Dư luận từ lâu đã bức xúc trước sự lãng phí khủng khiếp từ hàng triệu mét vuông nhà đất công bị bỏ hoang, cho thuê trái luật, bị “chia năm xẻ bảy”... Chỉ có điều không ai hiểu được vì sao chuyện nhức nhối này cứ kéo dài hết năm này qua năm khác mà không một cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm và bị xử lý. Hàng ngàn tỷ đồng bị lãng phí theo từng mét vuông nhà đất sử dụng không hiệu quả vẫn tiếp tục...  bay xa!
Nhức nhối lãng phí nhà đất công - Bài 1: Những đại gia “ngồi mát ăn bát vàng”

Dư luận từ lâu đã bức xúc trước sự lãng phí khủng khiếp từ hàng triệu mét vuông nhà đất công bị bỏ hoang, cho thuê trái luật, bị “chia năm xẻ bảy”... Chỉ có điều không ai hiểu được vì sao chuyện nhức nhối này cứ kéo dài hết năm này qua năm khác mà không một cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm và bị xử lý. Hàng ngàn tỷ đồng bị lãng phí theo từng mét vuông nhà đất sử dụng không hiệu quả vẫn tiếp tục...  bay xa!  

Tại TPHCM, hàng triệu mét vuông nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được giao cho các tổng công ty, công ty quản lý, khai thác. Trong hàng triệu mét vuông đó, nhiều khu đất hiện bị bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí lớn.

Đất “vàng” cỏ mọc, rêu phong...

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn được UBND TP giao quản lý và sử dụng mặt bằng hơn 5.000m² tại địa chỉ số 412/12 Trần Xuân Soạn quận 7 từ nhiều năm nay. Mặt bằng này rất lý tưởng vì một mặt giáp với rạch Ông Lớn, một mặt tiếp giáp với đường Trần Xuân Soạn. Vì vậy giá cho thuê kho bãi ở đây cũng khá cao. Thế nhưng, mặt bằng lý tưởng này đã bỏ hoang cho cỏ mọc rêu phong từ nhiều năm nay.

Đứng phía trên cầu Rạch Ông nhìn xuống, cả một cơ ngơi đồ sộ này bị hoang phế là điều mà ai cũng thấy tiếc rẻ. Cũng rêu phong phủ kín như vậy là khu đất rộng hơn 5.000m² ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 do Tổng công ty Hàng không Việt Nam quản lý, đã khởi công xây dựng khách sạn từ hơn chục năm trước mà hiện vẫn chưa hoàn thành, khung sườn đóng rêu mốc, xuống cấp trầm trọng.

Mặt bằng số 190 đường Nguyễn Trọng Tuyển ở vị trí đắc địa khi nằm ngay mặt tiền đường, sát bên cạnh trụ sở của UBND phường 8 quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, mặt bằng khu đất có diện tích hơn 1.300m² này đang đóng cửa im ỉm, cánh cổng sắt đã mục nát, bên trong cỏ mọc cao quá đầu người.

Theo một số người dân tại đây, khu đất phải có trị giá hàng ngàn lượng vàng nhưng từ nhiều năm nay đã bị bỏ hoang. Kho bãi số 574 đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân) là một khu đất chạy dài hàng trăm mét dọc theo mặt tiền đường có mức giá đất cao nhất quận, hiện phần lớn diện tích để cho... cỏ mọc xanh rì.

Khu đất số 574 Kinh Dương Vương quận Bình Tân với diện tích hơn 20.000 m² của Công ty cổ phần chế tạo máy Sinco để dây leo quấn quanh. Ảnh: H. HIỆP
Khu đất số 574 Kinh Dương Vương quận Bình Tân với diện tích hơn 20.000 m² của Công ty cổ phần chế tạo máy Sinco để dây leo quấn quanh. Ảnh: H. HIỆP

Gần đó, kho bãi số 289 Kinh Dương Vương do Tổng Công ty Lương thực Miền Nam quản lý cũng đang trong tình trạng tương tự. Kho bãi này có diện tích lên đến 60.134m², trước đây phần phía trước được xây dựng hàng chục ki-ốt để phân phối thực phẩm, song tất cả đã hoang phế mấy năm qua…

Theo những số liệu mà chúng tôi có được thì hiện nay, các đại gia nắm đất tuy đã đưa vào sử dụng nhưng còn để hoang nhiều phải kể đến: Công ty cổ phần Dệt Việt Thắng (10.000m²), Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (hơn 25.000m²), Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (gần 10.000m²), Tổng Công ty Công nghiệp in bao bì Liksin (gần 27.000m²), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (hơn 34.000m²), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (hơn 12.200m²), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (gần 8.000m²), Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (7.574m²)…

Trong danh sách này không chỉ có các đại gia, mà ngay cả những công ty dịch vụ công ích quận huyện hay xí nghiệp nhỏ cũng được giao quản lý diện tích đất khá lớn nhưng cũng để hoang.

Điển hình là Công ty Công trình đô thị quận Phú Nhuận (hơn 2.000m2), Công ty Dịch vụ công ích quận 6 (gần 900m2), Công ty Dịch vụ công ích quận Gò Vấp (gần 3.700m2), Công ty Dịch vụ giao thông đô thị quận Tân Bình (hơn 2.500m2)…

“Giao đi, thuê lại” trái mục đích

Theo Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt, hiện nay có 10,19ha đất đã bị các đơn vị được giao quản lý cho thuê lại để hưởng lợi. Tại Tổng công ty Lương thực miền Nam, trong số 125 mặt bằng, cơ sở mà các đơn vị thành viên đang được giao quản lý thì có đến 46 cơ sở, mặt bằng bị sang nhượng, chuyển quyền sử dụng đất và 13 mặt bằng khác có diện tích hơn 345.000m² được Tổng công ty Lương thực miền Nam lập dự án xây cao ốc, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, chung cư, nhà hàng tiệc cưới…

 Dư luận bức xúc cho rằng, khó có thể chấp nhận hiện trạng diện tích đất đem kinh doanh địa ốc, nhà hàng lớn hơn nhiều so với diện tích đất để thực hiện nhiệm vụ được giao (hơn 270.000m²) ở đơn vị này.

Là đơn vị được giao quản lý, cho thuê nguồn nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhưng Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM cũng là đơn vị có tên trong danh sách “đen” với 1.068 khu đất được giao tổng diện tích hơn 434.776m², trong đó diện tích cho thuê trái pháp luật là hơn 2.366m².

Mặt bằng số 12 Lê Duẩn, Q1 bị Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco cho 2 đơn vị khác thuê lại một phần diện tích làm văn phòng. Ảnh: H.HIỆP
Mặt bằng số 12 Lê Duẩn, Q1 bị Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco cho 2 đơn vị khác thuê lại một phần diện tích làm văn phòng. Ảnh: H.HIỆP

Nhiều cơ sở nhà đất ở vị trí rất đắc địa ngay trung tâm TP như: Cơ sở 72/4 Trần Quốc Toản quận 3 đang được Công ty cổ phần Điện máy TP thuê nhưng đơn vị này sử dụng để kinh doanh karaoke; khu đất số 12 Lê Duẩn quận 1 do Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco thuê, công ty này “cắt” ra cho 2 đơn vị khác sử dụng một phần diện tích làm văn phòng giao dịch; địa chỉ 28bis Mạc Đĩnh Chi quận 1 do Công ty Vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông thuê nhưng công ty này đã cho Nhà hàng Hoa Viên thuê kinh doanh; địa chỉ số 8 Lê Duẩn quận 1 do 3 công ty thuê, các đơn vị này tự ý cho một số đơn vị khác thuê lại một phần diện tích làm văn phòng giao dịch.

Mặt bằng số 8 Lê Duẩn, quận 1 bị đem cho thuê lại làm văn phòng giao dịch, kinh doanh nhà hàng.
Mặt bằng số 8 Lê Duẩn, quận 1 bị đem cho thuê lại làm văn phòng giao dịch, kinh doanh nhà hàng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện (1 trong 3 đơn vị được thuê khu đất này) còn cho doanh nghiệp tư nhân Phương Hà thuê một phần diện tích để mở Nhà hàng Hàn Quốc từ năm 2004 đến nay…

Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách TP bức xúc: “Trong khi TPHCM phải vay 2.000 tỷ đồng, rồi đang phải xin vay tiếp 5.000 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển, thì vẫn có những mặt bằng trị giá tiền tỷ đồng nằm phơi sương, phơi nắng!”. Ông Hoàng cho rằng việc này để kéo dài là không thể chấp nhận được.

Theo số liệu mới nhất của Sở TN-MT thì hiện nay có 143 khu đất công do các đơn vị sử dụng có vi phạm. Cụ thể: Sai mục đích 102,05ha (trong đó sử dụng làm nhà ở là 33,17ha, sử dụng sai công năng được giao 68,88ha), bỏ trống 35,79ha, chậm đầu tư (169,74ha), lấn chiếm (1,23ha), cho thuê lại (10,19ha)… 

HỒNG HIỆP - LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục