Nhức nhối lãng phí nhà đất công - Bài 2: “Bó tay” vì… thiếu cơ sở pháp lý?

Biến “của công” thành “của ông”(!)
Nhức nhối lãng phí nhà đất công - Bài 2: “Bó tay” vì… thiếu cơ sở pháp lý?

Hàng ngàn doanh nghiệp không có đất, hàng loạt dự án công trình công cộng còn nằm trên giấy vì chưa có mặt bằng triển khai trong khi vẫn còn hàng triệu mét vuông đất đang bị bỏ hoang, chiếm dụng trái phép. Thế nhưng, khi đề cập đến việc đòi lại các nhà, đất đã có địa chỉ quá rõ ràng này thì hầu hết câu trả lời của các đơn vị quản lý là: Khó!

Mặt bằng 190 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận với diện tích hơn 1.300m² đã cửa đóng then cài nhiều năm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mặt bằng 190 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận với diện tích hơn 1.300m² đã cửa đóng then cài nhiều năm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Biến “của công” thành “của ông”(!)

Thông tin từ ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam đã “gây sốc” nhiều người: Đơn vị có 26 cơ sở nhà, đất bị lấy đi hồi nào hoặc bị giải tỏa khi nào cũng không rõ. Đặc biệt, có 8 cơ sở nhà đất cấp cho cán bộ đơn vị, sau đó được các cơ quan chức năng bán hóa giá, khi đơn vị kiểm tra lại mới biết đất công đã thành đất tư.

Cụ thể là: kho Tân Quy (tỉnh lộ 8 xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi) với diện tích đất 11.000m², diện tích sàn sử dụng 480m² đã vào tay một đơn vị khác từ năm 1993, nhưng trên giấy tờ thì kho này vẫn do Tổng công ty Lương thực miền Nam quản lý.

Nhà số 286 Điện Biên Phủ (phường 17 quận Bình Thạnh) được Công ty Lương thực TPHCM giao cho bà T. từ năm 1990 để ở. Sau đó, bà T. tự ý liên hệ với các cơ quan chức năng để hợp thức hóa căn nhà trên không thông qua công ty. Ngày 18-4-2002, bà T. được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Tương tự như vậy là trường hợp các địa chỉ: 169 Calmette (quận 1), 134 Cách Mạng Tháng Tám (phường 12, quận Tân Bình)...

Còn các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì tự ý đem đất công chia cấp cho những cán bộ lãnh đạo các phòng, ban thuộc công ty. Đó là khu đất số 4-6 Nguyễn Siêu (phường Bến Nghé, Q.1) ngoài một phần làm văn phòng, phần còn lại đơn vị đã tự ý chia cấp cho 59 hộ cán bộ công nhân viên ngành điện làm nhà ở. Một khu đất khác diện tích hơn 2.000m² tại số 122 đường Phạm Thế Hiển (phường 2, quận 8) nay cũng đã biến thành nơi ở của 9 hộ gia đình cán bộ công nhân viên.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP (đơn vị được giao 1.068 khu đất với tổng diện tích gần 435.000m² nhưng cho thuê trái luật 2.366m²) thống kê: Công ty Phát hành sách khu vực 2 thuê địa chỉ 140B Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận nhưng trong quá trình sử dụng đã bố trí cho 5 hộ ở, trong đó có một hộ là nguyên Giám đốc Công ty Phát hành sách Khu vực 2; Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp phía Nam thuê địa chỉ 90G Trần Quốc Toản quận 3 nhưng bố trí một phần diện tích cho nhân viên ở…

Ra tòa “cũng như không”...

Điều đáng nói là dù được thuê nhà đất nhưng hầu hết các đơn vị sau khi hết hạn thuê thì cũng không có ý định trả lại mà dùng đủ mọi áp lực để sở hữu khu đất. Khi thực hiện phương án xử lý nhà, đất theo chỉ đạo của UBND TP, Công ty Kho bãi đã tổ chức thu hồi các kho bãi đang cho thuê để triển khai bán, chuyển giao, chuyển mục đích... theo phương án được thành phố phê duyệt, nhưng đa số các doanh nghiệp đã phản ứng không chịu giao trả, khiến công ty phải chuyển một số trường hợp ra tòa để giải quyết. Điển hình là cơ sở nhà đất 49 Pasteur, 15 Lương Ngọc Quyến, 481 Ba Đình (quận 8)...

Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP cho Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng thuê địa chỉ số 6 Nguyễn Tri Phương quận 5 nhưng trong quá trình sử dụng không thanh toán tiền thuê nhà, công ty đã khởi kiện ra TAND quận 5 từ tháng 10-2006 vẫn chưa được thụ lý. Từ đó đến nay, đơn vị này vẫn mặc nhiên khai thác, sử dụng nhà.

Công ty Phát triển Kỹ thuật TP thuê mặt bằng số 9 Lý Chính Thắng quận 3 nhưng nợ tiền thuê nhà và bố trí cho người khác vào ở, công ty khởi kiện tại TAND quận 3 nhưng vẫn không được thụ lý. Tương tự là Công ty Công trình Giao thông 60 thuê mặt bằng 20-20C Trần Hưng Đạo dù TAND quận 5 đã tuyên nhưng vẫn không trả lại nhà.

Vướng do quy định của pháp luật?

UBND TPHCM đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, nếu phát hiện các đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất công sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi. Thế nhưng có nhiều trường hợp sai phạm rành rành, nhưng việc xử lý thì “khó!” - như nhận định của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.

Ông Kiệt phân tích: Luật Đất đai quy định rõ là đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí thì quyền thu hồi là của địa phương. Thế nhưng, trong thực tế thì không đơn giản như vậy. Vì theo quy định hiện nay, TP chỉ được quyết định đối với những trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn quyền thu hồi đất lại thuộc vào Bộ Tài chính. Đặc biệt, pháp luật đất đai quy định thủ tục thu hồi đối với đất do vi phạm phải có kết luận của thanh tra hoặc muốn thu hồi đất của các tập đoàn, tổng công ty quản lý, sử dụng thì lại “dính” sự can thiệp của các bộ, ngành ở trung ương.

Lý giải tình trạng các doanh nghiệp nhà nước được thuê đất rồi cho thuê lại, Sở TN-MT cho rằng một phần là do giá thuê còn nặng tính bao cấp, giá thuê thấp hơn giá thị trường. Bên cạnh đó còn do những đặc quyền, đặc lợi, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là những doanh nghiệp do trung ương quản lý. Về nguyên nhân bỏ trống và đầu tư chậm, sở này cho rằng giá thuê đất còn thấp nên dù bỏ trống, doanh nghiệp sử dụng đất cũng không cảm thấy bị áp lực nhiều về tài chính.

Hồng Hiệp - Lê Minh

- Thông tin liên quan: - Bài 1: Những đại gia “ngồi mát ăn bát vàng”

Tin cùng chuyên mục