Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IX năm 2009

Nguyễn Thị Minh Tâm: Món quê thành đặc sản
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IX năm 2009

LTS: Ban Tổ chức vừa công bố danh sách 14 ứng viên được chọn vào vòng chung khảo Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IX năm 2009 (giải thưởng cấp thành phố, do UBND TPHCM giao Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức). Bắt đầu từ số báo hôm nay, Báo SGGP sẽ lần lượt giới thiệu những chân dung lao động xuất sắc này. Lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 17-8, nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Nguyễn Thị Minh Tâm: Món quê thành đặc sản

Nhiều bạn thời đại học và đồng nghiệp ở trường Đại học Sư phạm TPHCM của cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Minh Tâm ắt hẳn rất ngạc nhiên khi thấy cô xuất hiện trong chương trình Discovery với vai trò của một đầu bếp thành công. Ra trường dạy văn ở Hà Nội 4 năm rồi chuyển vào TPHCM dạy  ở trường Đại học Sư phạm TPHCM 12 năm, ai cũng tưởng cô Tâm sẽ gắn bó suốt đời với nghề giáo. 

Thế nhưng “lúc tôi còn nhỏ, gia đình rất nghèo. Thịt còn không có mà ăn, lấy gì mà tập tành nấu nướng. Được cái mẹ tôi là người rất cẩn thận. Dù thức ăn chẳng có gì, có khi chỉ là rau cà, dưa muối nhưng cụ vẫn chế biến, nấu nướng tỉ mỉ. Có lẽ nhờ vậy mà chị em tôi dù nghèo vẫn biết ăn ngon. Thói quen đó của mẹ đã khiến tôi thích công việc bếp núc”- cô kể. Thời gian đi dạy, những dịp cuối tuần, cô vẫn dành thời gian nấu ăn cho gia đình.

Một trong những vị khách thường xuyên của những bữa cơm gia đình đó là đầu bếp Trần Văn Nghĩa - “Vua bếp” của Khách sạn Bến Thành.  Chính những món ăn gốc Bắc dân dã, đậm đà hương vị trong những bữa ăn cuối tuần của cô đã khiến ông ưng ý. Cô chính là người mà ông đang tìm kiếm để giúp ông phát triển một nhà hàng với các món đặc sản 3 miền. Vậy là cô quyết định thử sức mình trong cuộc chơi mới. 

Muốn nhà hàng có sức cạnh tranh, phải tạo dựng được nét riêng. Nét riêng của nhà hàng Cung Đình là phục vụ thực khách những món ăn thuần túy, đặc trưng của các vùng miền, không lai tạp hay pha trộn.

Để làm được điều đó, cô Tâm và các đồng sự phải bỏ công đi nhiều nơi, thu thập, lựa chọn những món ăn đặc sắc nhất của từng vùng để xây dựng thực đơn cho nhà hàng. Chọn được món rồi, cô lại phải “tầm sư học đạo”. “Sư” ở đây chính là những người địa phương gốc.

Không những thế, cô còn tuyển chọn nhân sự từ các vùng miền để lập thành những nhóm chuyên nấu các món Bắc – Trung - Nam với hương vị thuần khiết như được nấu từ chính nơi khai sinh ra món ăn đó.

Các món nổi tiếng ở Cung Đình có thể kể đến phượng hoàng khai vị, cá cuốn chiên giòn, chả cá Hà Nội, cơm sen, gỏi bưởi, cá thu kho trà… Những món ăn bình thường như canh chua, cá kho, chả giò, phở… khi qua bàn tay chế biến của cô cũng trở thành những món đặc sản, ăn một lần là không thể nào quên.

Trong quá trình điều hành bếp và trực tiếp phục vụ thực khách nước ngoài, cô Tâm nảy ra ý tưởng dạy cách nấu món Việt Nam cho người nước ngoài (Cooking Show). Khi khách đã chọn được thực đơn, cô sẽ lựa chọn trong thực đơn đó một món để hướng dẫn cho khách nấu.

“Nguyên tắc chọn món để dạy là không được “đánh đố” thực khách. Nghĩa là không quá cầu kỳ, nguyên liệu không quá chuyên biệt, có thể tìm được ở nước ngoài và thời gian thực hiện ngắn. Học xong, khách được thưởng thức ngay chính món ăn đó trong bữa ăn sau đó. Điều này gây  ấn tượng cho khách, giúp khách nhớ món ăn lâu hơn và có thể thực hiện khi trở về nước. Đây cũng là một cách quảng bá nghệ thuật ẩm thực Việt Nam thông qua khách du lịch”- Cô chia sẻ.

Chương trình ra đời nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của du khách, được nhiều hãng truyền hình nước ngoài đến quay hình, phát sóng như NHK (Nhật Bản), RAI (Ý), TV3 (Malaysia). Đây cũng là chương trình được TPHCM chọn làm chương trình phục vụ cho các phu nhân bộ trưởng tham dự hội nghị APEC 2006 ở Việt Nam.

Đặc biệt, Cung Đình cũng là nhà hàng được chọn phục vụ Sea Games 22.

Hoàng Anh


Nguyễn Trọng Anh Tú: “Bác sĩ” trị bệnh cho thiết bị điện

Là kỹ sư điện tử gắn bó với Trung tâm thí nghiệm điện (thuộc Công ty Điện lực 2) ngay từ những ngày đầu mới thành lập, anh Nguyễn Trọng Anh Tú được đồng nghiệp phong tặng biệt danh “bác sĩ” chữa bệnh các thiết bị thí nghiệm điện.

Yêu cầu khi thí nghiệm trạm điện mới rất cần nguồn ắc quy để thể nghiệm các thiết bị điện và các mạch điện trước khi đưa vào vận hành. Tuy nhiên, thông thường tại các trạm mới này muốn đưa dàn ắc quy vào sử dụng thì phải qua quá trình nạp xả đúng quy trình. Trong khi để thí nghiệm một trạm điện đang vận hành hoặc nâng công suất thì cần phải có nguồn ắc quy tương đối lớn để có thể điểu khiển các thiết bị mà không làm hư các vi mạch điện tử...

Trước thực tế đó, anh Tú nghĩ: Sao mình không thể thiết kế một bộ nguồn DC để thay thế dàn ắc quy trên? Vậy là anh bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công ra bộ nguồn đáp ứng yêu cầu trên.

Một trường hợp khác là sau công trình thí nghiệm trạm 500kV Phú Lâm, đơn vị chỉ có một máy thí nghiệm rơle hiện đại hiệu Freja trị giá gần nửa tỷ đồng nhưng sau đó bị hư hỏng, không sử dụng được. Máy lại không có sơ đồ nguyên lý mạch, không có dịch vụ bảo trì sửa chữa ở châu Á.

Trước nhu cầu bức thiết phải có máy để phục vụ công tác thí nghiệm anh Tú đã liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất qua mạng, trình bày tình trạng hư hỏng của máy để tìm hiểu nguyên nhân. Phía nhà sản xuất yêu cầu phải gửi máy qua hãng để sửa chữa và thay thế các linh kiện hư hỏng nhưng với chi phí… trên trời.

“Sau 7 ngày cùng với một đồng nghiệp khác mày mò, đọc các tài liệu liên quan, chúng tôi đã phục hồi được bộ nguồn và thay thế toàn bộ linh kiện đã bị hư hỏng. Máy hoạt động trở lại bình thường mà không cần gửi đi đâu sửa cả” - anh Tú nhớ lại.

Nói về những sáng kiến và đóng góp của kỹ sư Nguyễn Trọng Anh Tú, ông Võ Công Chiến, đội trưởng đội rơle tự động cho biết: “Là một kỹ sư điện tử, lại có thâm niên công tác trong ngành điện gần 30 năm nên anh Tú rất am hiểu về các thiết bị điện tử của ngành điện. Chính vì vậy mà những sáng kiến, biện pháp khắc phục các thiết bị hư hỏng của anh Tú có chi phí không cao nhưng hiệu quả rất lớn. Vì nếu không khắc phục được thì chi phí đưa đi nước ngoài sửa chữa hay mua máy mới sẽ tốn hàng tỷ đồng…”.

Hồ Việt


Trần Minh Dương: Tự đi bằng đôi chân của mình

Đó là tiêu chí mà ông Trần Minh Dương (SN 1956, quê Thái Bình, – Phó Giám Đốc Kỹ thuật kiêm Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Điện cao thế miền Nam, Công ty Điện lực 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã không ngừng đặt ra cho mình suốt hơn 30 năm qua.

Tính đến nay, ông đã có trên 13 sáng kiến được công nhận, khen thưởng và đem ra áp dụng góp phần tiết kiệm đáng kể cho ngành điện.

Trận lũ lụt tại Đồng Tháp năm 2000 đã giật đổ 3 trụ điện 110 kV tuyến Tà Nóc - Sa Đéc làm mất điện suốt đêm cả 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh. Mãi đến 10 giờ sáng hôm sau, ông cùng anh em kỹ sư lội bì bõm trong nước sâu từ 1,6 đến 2m tìm cách làm sao cho trụ điện đứng lên được.

Thay vì phải đắp bờ, tát nước để trồng trụ (tốn rất nhiều thời gian và công sức), ông đã dùng ống thép cao 20m thay cho cột điện đứng vững trong vùng nước ngập. Cột điện tạm thời này được trồng ngay trên vùng nước lũ.

Đầu năm 2005, tại Trạm Đà Lạt II, 6 cực máy cắt 110 kV bị xì khí SF6 và hơi ẩm vào ruột làm cách điện cực máy cắt thấp không thể nạp và duy trì khí SF6 để đưa vào vận hành được. Trong khi không có cực máy cắt không thể đóng điện mà nếu mua mới 6 cực máy cắt kinh phí đến hàng tỉ đồng, chủ đầu tư chọn giải pháp mời chuyên gia nước ngoài sang xử lý.

Ông đã suy nghĩ và mạnh dạn đem áp dụng nguyên lý “Trong môi trường chân không nước bốc hơi hoàn toàn ở 700C” để làm cho độ ẩm trong ruột cực máy cắt bốc hơi. Chỉ 2 ngày, ông và các đồng nghiệp đã sử dụng ánh nắng mặt trời đốt nóng, gia nhiệt nhẹ bên ngoài đồng thời tạo môi trường chân không làm cho hơi nước bốc ra hết, khi thử lại cực máy cắt đã đạt chuẩn.

Cho đến nay, những sáng kiến của ông đã góp phần tích cực chủ động giúp anh em kỹ sư, công nhân điện có thêm kinh nghiệm rút ngắn thời gian cắt điện để thi công, vận hành lưới điện hợp lý, không phải cắt điện nhiều lần, tận dụng thiết bị hiện có cải tiến lắp đặt, không mua thiết bị mới  để tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngành điện.

Xuân An

Tin cùng chuyên mục