Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IX năm 2009 - Nguyễn Tuấn Việt: Cải tiến vì người khuyết tật

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IX năm 2009 - Nguyễn Tuấn Việt: Cải tiến vì người khuyết tật

Một lần nọ, anh Nguyễn Tuấn Việt (ảnh bìa phải), Quản đốc Xưởng đóng mới, Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn, nghe câu chuyện cảm động về một cậu bé cố đẩy bà cụ già yếu trên chiếc xe lăn lên xe buýt. Trời bỗng đổ mưa, cậu không thể tự đưa chiếc xe lăn lên xe buýt cho đến khi có thêm sự giúp sức của những hành khách khác. Xe rời trạm một quãng đường dài mà bà cụ vẫn còn run rẩy vì nước mưa trong khi cậu bé chỉ biết nhìn bà, khóc…

Hình ảnh 2 bà cháu khiến anh Việt trăn trở: Nếu cậu bé có thể đưa chiếc xe lăn của bà mình lên nhanh hơn, sớm hơn thì cụ đã không bị ướt, lạnh. Phải chi trên các xe buýt, có thêm bộ phận hỗ trợ người khuyết tật lên xuống. Nghĩ đến đó, kỹ sư Nguyễn Tuấn Việt và một số cộng sự đề xuất công ty nghiên cứu thiết bị hỗ trợ, nâng đỡ người khuyết tật đi xe buýt. Gần 3 tháng sau, công trình hoàn thành và công ty cho lắp đặt thử nghiệm ở tuyến Bến Thành- Bình Tây, được Cục Đường bộ kiểm nghiệm và đánh giá cao về các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, đảm bảo an toàn trên các loại đường giao thông công cộng.

Đầu năm 2008, anh đề nghị công ty cho lắp thêm công cụ trợ giúp người khuyết tật trên 9 xe buýt khác và mở rộng ở 2 tuyến có số lượng người khuyết tật sử dụng xe buýt đông là tuyến Sài Gòn- Bình Tây và Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM- Bến xe miền Tây. Nói về những nỗ lực của mình, anh chỉ cười: “Chỉ nghĩ đến niềm vui, gương mặt thoải mái của người khuyết tật khi lên xuống xe buýt là tôi vui lắm”.

Thanh Hợp

  • Võ Phúc Nguyên: Sống cùng đường điện

Với 30 năm tuổi đời và 8 năm tuổi nghề, Võ Phúc Nguyên là ứng viên trẻ nhất cho Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2009. Say mê ngành điện từ nhỏ, từng thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lý, vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ hệ thống điện tại ĐH Bách khoa TPHCM vào tháng 3-2009, nghề điện đã trở thành cái nghiệp đối với Nguyên. Làm việc tại Truyền tải điện miền Đông 2 (TTĐMĐ 2) từ khi ra trường, đến nay anh là tổ phó kỹ thuật điều độ và đã có 5 sáng kiến làm lợi cho công ty gần 600 triệu đồng.

Với công việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa đường điện, không kể đêm ngày, bất chấp mưa gió, hễ đường dây bị trục trặc, anh và đồng nghiệp đều có mặt ngay tại hiện trường để “ứng cứu”. Chính trong quá trình “sống và thở” cùng với những đường dây, đối diện với những sự cố và cả hiểm nguy đã thôi thúc Nguyên tìm ra những phương pháp để hoàn thiện hệ thống điện. Năm 2006, anh đã đưa ra giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao độ an toàn và cung cấp điện của đường dây 110kV Long An- Mỹ Tho 2, giảm đáng kể tai nạn điện tại tỉnh Tiền Giang. Năm 2008, nhờ sáng kiến của anh, số lần trạm Hóc Môn phải cắt điện giảm từ 5 lần (10 giờ/lần) xuống còn 2 lần mà vẫn bảo đảm tiến độ thi công đường dây. Đó là chưa kể những giải pháp giảm sự cố trên đường dây như cải tiến xà đỡ dây dẫn, tăng cường hệ thống chống sét…

Với niềm đam mê bất tận, con đường sáng tạo phía trước của Võ Phúc Nguyên hứa hẹn nhiều đột phá.

Ngọc Anh

  • Nguyễn Mạnh Hà: Sáng tạo vì người nghèo

Câu nói nổi tiếng của ông tổ ngành dược Tuệ Tĩnh, “Nam dược trị Nam nhân” (dịch là “người Việt dùng thuốc Việt”- PV), luôn được dược sĩ Nguyễn Mạnh Hà ghi nhớ như một lời răn dạy. Đó còn là động lực để anh nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời những loại thuốc phù hợp với sức khỏe, điều kiện của bệnh nhân nghèo. Hơn 10 năm đầu quân về Công ty cổ phần Dược phẩm Phong Phú, vị trưởng phòng kiểm nghiệm này đã cho ra lò hơn 10 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.

“Tại sao, cùng một công dụng như nhau nhưng có viên thuốc chỉ sau khi uống 5 phút là tan ngay, ngược lại, có viên ngậm cả ngày vẫn… nằm đấy? Tại sao người dân cứ thích mua thuốc ngoại cho dù giá cả đắt gấp đôi, gấp ba thuốc nội? Phải chăng người dân tin tưởng vào chất lượng của thuốc ngoại nhập nhiều hơn sản phẩm trong nước?”. Chính vì những trăn trở như thế, nên anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi về phương pháp, quy trình ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nhất là đảm bảo giá thành sản xuất thấp để giá bán các sản phẩm thuốc phù hợp với túi tiền của người nghèo.

Năm 2007, cùng với công trình nghiên cứu thuốc viêm xoang mãn tính từ dược liệu Nasalis, thuốc chữa viêm xoang Nasalis được tung ra thị trường với sản lượng bình quân 20- 25 triệu viên/năm, tạo ra doanh thu 3,6- 4,5 tỷ đồng/năm, làm lợi cho công ty hàng năm 360- 450 triệu đồng. “Ai từng bị viêm xoang sẽ cảm thấy khó chịu cực kỳ. Có những người uống thuốc tây hoài mà bệnh vẫn dai dẳng, trong khi đó với dược phẩm này, bệnh có thể được trị tận gốc, mà giá một hộp chỉ có 30.000 đồng”- anh hài lòng cho biết.

Hoàng Hoa

  • Nguyễn Văn Dần: “Kỹ sư” không bằng cấp

Hơn 30 năm công tác ở Công ty TNHH Cơ khí Sabeco (Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn), biệt danh “bác thợ cả Hai Dần” của anh Nguyễn Văn Dần (ảnh giữa) là một thương hiệu được lãnh đạo tín nhiệm khi các đường ống “sinh chuyện”. Ngoài công việc chủ yếu của một tổ trưởng trực tiếp điều hành, kiểm tra các thiết bị trong dây chuyền sản xuất…,  anh Hai Dần còn là một “cây sáng kiến” của tổng công ty.

Đó có thể là những sáng kiến hàng ngày phục vụ việc di chuyển máy móc ở các chuyền trong không gian chật hẹp, cải tạo môi trường làm việc tại phân xưởng lên men đến việc cải tiến máy cắt đĩa trị giá bạc tỷ… Phó giám đốc công ty Phạm Tấn Hường nhìn nhận, anh Hai Dần là một “kỹ sư” không bằng cấp. Gần 30 năm làm việc cùng anh, tôi chỉ có thể tóm tắt trong 2 từ: nể và phục. Trong từng giai đoạn sản xuất của đơn vị, anh luôn phát huy tính sáng tạo của mình thông qua những sáng kiến, cải tiến có giá trị.

Không chỉ là người thợ cả đáng tin cậy, anh còn là một người thầy truyền lửa đam mê nghề nghiệp cho nhiều lớp thợ trẻ trong công ty cũng như những sinh viên thực tập. Do không được đào tạo bài bản trong trường lớp, nên anh truyền nghề bằng cách yêu cầu anh em cọ xát thực tiễn nhiều hơn. “Chỉ cần nghĩ công ty là nhà, tự nhiên sẽ có tình cảm gắn bó mà làm hết mình thôi. Người thợ quan trọng nhất là có lửa nghề trong lòng, nếu không yêu nghề thì dù có bằng cấp gì đi nữa cũng khó đạt hiệu quả cao trong công việc”- anh chia sẻ.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục