Di dời trạm thu phí xa lộ Hà Nội : Đã có quyết định từ năm 2007

Di dời trạm thu phí xa lộ Hà Nội : Đã có quyết định từ năm 2007

Như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 28-8, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội nằm gần cầu Sài Gòn (quận 2) được dời về phía gần cầu Rạch Chiếc (quận 9). Quyết định này của chủ đầu tư công trình, Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII), làm không ít bạn đọc băn khoăn. PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Nguyễn Mai Bảo Trâm (ảnh), Giám đốc Đầu tư của CII, về vấn đề này.

- PV: Tại sao CII lại di dời trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội?

Bà NGUYỄN MAI BẢO TRÂM: Đây là một quyết định đã được UBND TPHCM chấp thuận từ năm 2007. Trước đây, được sự chấp thuận của Chính phủ, để thu phí hoàn vốn dự án đầu tư đường Điện Biên Phủ, CII đặt 2 trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội (đoạn gần cầu Sài Gòn) và trên đường Trần Não (quận 2). Tuy nhiên, để giảm bớt số lượng trạm thu phí tại khu vực này, UBND TPHCM đã chấp thuận cho ngừng thu phí trạm thu phí Trần Não (quận 2) và di dời trạm thu phí xa lộ Hà Nội ra ngoài cầu Rạch Chiếc.

Việc di dời này cũng là điều kiện tiên quyết để TP triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng xa lộ Hà Nội và xây dựng tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên đi qua đây. Theo thiết kế, xa lộ Hà Nội sẽ được mở rộng lên 153m trong đó lòng đường chính rộng 48m, phần còn lại dành cho tuyến metro, cây xanh phân cách và 2 đường song hành. Trong khi đó, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội lúc đó lại rộng tới 90,8m. Do vậy, UBND TPHCM đồng ý cho CII xây lại trạm mới, ở vị trí mới với chiều rộng phù hợp thiết kế của xa lộ Hà Nội.

- Khi di dời trạm thu phí ra gần cầu Rạch Chiếc, CII sẽ có lợi hơn khi được thu phí của các phương tiện vận tải không đi qua đường Điện Biên Phủ, như trường hợp của hàng ngàn xe tải lưu thông mỗi ngày ở khu vực cảng biển Cát Lái, đi trên đường Liên tỉnh lộ 25B ra xa lộ Hà Nội?

Trạm thu phí mới trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Trạm thu phí mới trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đúng là rất khó phân biệt đâu là xe đi trên đường Điện Biên Phủ để thu phí và đâu là xe đi trên đường Liên tỉnh lộ 25B để không thu phí. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp xe đi trên đường Liên tỉnh lộ 25B quẹo ngược về cầu Sài Gòn, đi qua đường Điện Biên Phủ, nhưng không trả phí giao thông…

Từ năm 2001, CII đã thanh toán đầy đủ 1.000 tỷ đồng cho UBND TPHCM theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí giao thông đường Hùng Vương và Điện Biên Phủ. Theo hợp đồng, nếu doanh thu thực tế cao hơn tính toán thì thời gian thu phí hoàn vốn sẽ ngắn hơn và ngược lại. Do vậy, di dời hay không di dời trạm thu phí thì CII vẫn chỉ được thu hoàn vốn 1.000 tỷ đồng đã đầu tư (nộp ngân sách) từ năm 2001.

- UBND TPHCM cũng vừa giao CII đầu tư mở rộng Liên tỉnh lộ 25B. Đối với người dân, việc CII chưa làm xong dự án mà đã thu phí là không đúng?

Với tinh thần tích cực tham gia phát triển cơ sở hạ tầng tại cửa ngõ TP, ngoài 2 dự án là mở rộng xa lộ Hà Nội, ứng vốn cho TP xây dựng cầu Rạch Chiếc mới, CII đã và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng Liên tỉnh lộ 25B lên 6 làn xe. Nói cách khác, trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện nay không thu phí hoàn vốn cho các dự án “chưa triển khai xong”, vì cho dù nằm ở vị trí cũ hay mới thì nó cũng đang thu phí hoàn vốn cho dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường Điện Biên Phủ…

“Hiện nay trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội vẫn áp dụng mức phí đã được HĐND TPHCM thông qua từ năm 2001. Đây là mức phí rất thấp so với nhiều trạm thu phí giao thông khác trên cả nước. Đối với xe container, xe tải trên 10 tấn, CII chỉ thu 30.000 đồng/xe/lần trong khi các trạm khác là 80.000 đồng/xe/lần (Thông tư 90 của Bộ Tài chính cho phép thu 80.000 đồng/xe/lần và trong trường hợp cần thiết có thể thu gấp đôi mức này). Mức phí của các loại xe khác cũng thấp hơn 5000- 10.000 đồng/xe so với các trạm khác”- bà Nguyễn Mai Bảo Trâm cho biết thêm.

Nguyễn Khoa thực hiện

Tin cùng chuyên mục