Bão số 9 tiếp tục mạnh thêm

Miền Trung còn hơn 4.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển

* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các tỉnh gấp rút sơ tán dân tránh bão số 9
Miền Trung còn hơn 4.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển

* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các tỉnh gấp rút sơ tán dân tránh bão số 9

(SGGPO).- Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương lúc 7 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 -  15km và tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực nam Vịnh Bắc Bộ.

Dự báo đường đi của cơn bão số 9

Dự báo đường đi của cơn bão số 9

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Từ đêm nay (28-9), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Từ sáng sớm ngày (29-9), các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kom Tum gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Các địa phương cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, bão kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

* Trước tình hình cơn bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ mạnh, trong cuộc họp khẩn sáng 28-9 với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bàn biện pháp đối phó với cơn bão Ketsana, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: từ 10 giờ đến 24 giờ đêm nay (28-9) các địa phương khu vực miền Trung phải hoàn tất việc sơ tán dân tại vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất, đồng thời chậm nhất 4 giờ sáng 29-9 hoàn thành tất cả các phương án, công tác phòng, chống bão. 

Tâm của cơn bão này được xác định sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam, vùng ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Do vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác sơ tán dân cần đặc biệt làm sớm và quyết liệt đối với các vùng bãi ngang,vùng trũng, thấp, ven sông, ven suối, các hộ nhà yếu ở đô thị và nông thôn, người trên tàu thuyền, các nhà lồng bè... Các trường học cũng thực hiện cho học sinh nghỉ học.

Hiện các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đang nhanh chóng xác định các vùng nguy hiểm bởi bão số 9 để thực hiện các biện pháp khẩn cấp, kêu gọi và hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền; hỗ trợ nhân dân chằng, chống nhà cửa; đảm bảo túc trực công tác hồ thủy điện, hồ chứa, các điểm giao thông xung yếu, hệ thống điện, thông tin liên lạc,...

Hôm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trực tiếp vào miền Trung lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy ban Quốc  gia Tìm kiếm cứu nạn lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng.
 
* Tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên cho biết: tính đến chiều ngày 27-9, các địa phương ở miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã kêu gọi được trên 2.000 tàu thuyền vào trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4.242 tàu với 30.932 lao động vẫn còn hoạt động trên biển. Trong đó, địa phương có số tàu thuyền đang ở trên biển nhiều nhất là Bình Định: 2.639 tàu với 16.823 lao động; tiếp đến là Quảng Ngãi với 762 tàu với 7.185 lao động.

Hiện vẫn còn 23 tàu với 326 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa khó có khả năng vào bờ kịp, nên dự kiến các tàu thuyền này sẽ vào đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa để trú ẩn. Ngoài ra vẫn có 23 tàu với 372 lao động của Đà Nẵng cũng hoạt động quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa.  

Trong ngày 27-9, người dân cùng các cấp ngành ở miền Trung cũng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 9. Trong đó, tập trung gia cố các hồ đập, chèn chống nhà cửa và thu hoạch số diện tích lúa, hoa màu còn lại.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, ngay trong ngày 27-9, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quân khu chuẩn bị các trang thiết bị y tế, lương thực, thuốc men….

Vùng C Hải quân tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và huy động có 400 cán bộ chiến sỹ cùng 17 xe ô tô, hàng chục nhà bạt, 200 áo phao và nhiều dụng cụ y tế, thuốc men...sẵn sàng ứng cứu cho nhân dân vùng bão, lũ.

Đoàn Phòng không B75 đã huy động 450 cán bộ chiến sỹ cùng 3 ca nô; 20 xe tải, xe con, 50 nhà bạt, gần 300 áo phao và phao cứu sinh sẵn sàn ứng cứu.

Tiến hành tháo các băng rôn, biển quảng cáo trên đường Bạch Đằng (Đà Nẵng)
Tiến hành tháo các băng rôn, biển quảng cáo trên đường Bạch Đằng (Đà Nẵng)
Sáng 28-9, người dân Đà Nẵng khẩn trương chèn chống nhà cửa để phòng chống bão số 9

Sáng 28-9, người dân Đà Nẵng khẩn trương chèn chống nhà cửa để phòng chống bão số 9

Tại TP Đà Nẵng, trong chiều 27-9, người dân sống ven biển thuộc các quận Sơn Trà, Liên Chiểu đã tiến hành đưa hầu hết các tàu, thuyền có công suất nhỏ lên bờ tránh bão. Bên cạnh đó, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã cử lực lượng hướng dẫn các tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. 

Khôi Nguyên - Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục