Cho thuê công sản để... cải thiện đời sống

Được giao quản lý, sử dụng hơn chục mặt bằng là những khu đất và căn nhà với diện tích hàng ngàn mét vuông, thế nhưng nhiều năm qua số tài sản trên đã được UBND phường 13 (quận Phú Nhuận) mang cho thuê với lý do để tạo nguồn thu cải thiện đời sống của CB-CNV.
Cho thuê công sản để... cải thiện đời sống

Được giao quản lý, sử dụng hơn chục mặt bằng là những khu đất và căn nhà với diện tích hàng ngàn mét vuông, thế nhưng nhiều năm qua số tài sản trên đã được UBND phường 13 (quận Phú Nhuận) mang cho thuê với lý do để tạo nguồn thu cải thiện đời sống của CB-CNV.

  • Sử dụng sai mục đích nhiều căn nhà

Trong hồ sơ quản lý công sản tại UBND quận Phú Nhuận, căn nhà 113 Lê Văn Sỹ có diện tích hơn 200m² (4 x 20m x 3 tầng), là nơi làm việc của các tổ chức hội đoàn gồm: MTTQ, Chi hội Luật gia, Trung tâm Học tập cộng đồng… Nhưng thực tế, căn nhà có vị trí đắc địa trên nhiều năm qua đã được UBND phường 13 cho một tư nhân thuê mở Trường Âm nhạc Lê Vũ với giá thuê gần 10 triệu đồng/tháng.

Thấy việc quản lý, sử dụng căn nhà trên không đúng mục đích, ngày 3-2-2010, Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước TPHCM (Ban chỉ đạo 09) có văn bản đề nghị UBND quận Phú Nhuận kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP đối với những địa chỉ nhà đất chưa chấm dứt hợp đồng thuê, trong đó có căn nhà 113 Lê Văn Sỹ. Văn bản nêu: “Trường hợp còn tiếp tục cho thuê, đề nghị UBND quận Phú Nhuận nêu rõ lý do chưa chấm dứt việc cho thuê và báo cáo về Ban chỉ đạo 09 trước ngày 10-2-2010”.

Ngày 8-2-2010, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận có văn bản chỉ đạo UBND phường 13 chấm dứt việc cho thuê các mặt bằng nhà đất đang được giao quản lý, sử dụng. Thế nhưng, chỉ đạo trên đã không được Chủ tịch UBND phường 13 chấp hành.

Ngược lại, sau khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà với Trường Âm nhạc Lê Vũ, ngày 5-7-2010, ông Lương Quốc Chiến, Chủ tịch UBND phường 13 đã ký hợp đồng cho ông Huỳnh Nguyễn Bảo Khanh (ngụ 63/2/12 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận Phú Nhuận) thuê 12 tháng, giá thuê 15 triệu đồng/ tháng, một mặt bằng khác, căn nhà 489/2A Huỳnh Văn Bánh có diện tích sử dụng gần 200 m², trong hồ sơ quản lý công sản được giao sử dụng làm Nhà văn hóa phường.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, căn nhà trên đã được “xẻ” làm 3 phần cho ông Phạm Ngọc Chấn và Đào Thanh Tùng thuê dưới đất làm quán nhậu, tiệm rửa xe; tầng trên ông Phạm Ngọc Lý thuê mở CLB cử tạ. UBND quận Phú Nhuận đã nhiều lần yêu cầu UBND phường 13 chấm dứt các hợp đồng thuê căn nhà này, thu hồi mặt bằng để cải tạo làm Trạm y tế phường. Đến nay chỉ có một chủ thuê ngưng hoạt động chờ làm thủ tục thanh lý hợp đồng.

Theo hồ sơ căn nhà 119 và 115/33 Lê Văn Sỹ được bố trí sử dụng làm HTX mua bán và phường đội, nhưng nhiều năm qua được cho thuê làm nhà ở và kinh doanh. Hiện có 2/4 chủ thuê của 2 căn nhà trên đã ngưng hoạt động, chờ bàn giao mặt bằng cho phường sử dụng vào mục đích khác.

Khu đất hơn 500m² tại số 115/132D Lê Văn Sỹ được cho thuê mở tiệm bida, cà phê giải khát.

Khu đất hơn 500m² tại số 115/132D Lê Văn Sỹ được cho thuê mở tiệm bida, cà phê giải khát.

  • Tiền cho thuê đi đâu?

Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn phường 13 hiện còn nhiều khu đất trống nguyên trước kia là ao hồ hoặc nằm ngoài ranh giải tỏa thực hiện Dự án kênh Nhiêu Lộc, đang được UBND phường cho thuê để tạo nguồn thu cải thiện đời sống.

Đơn cử như khu đất có diện tích hơn 500m² tại số 115/132D Lê Văn Sỹ, trước kia là ao rau muống được cải tạo thành khu sinh hoạt văn hóa của khu phố 3, sau đó UBND phường san lấp, dựng lên một khu nhà cấp 4 rồi ký hợp đồng cho thuê mở bàn bida, cà phê giải khát. Những năm qua bà con trong khu phố đã nhiều lần kiến nghị cấp thẩm quyền thu hồi khu đất này để làm công viên, nơi sinh hoạt thanh thiếu niên.

Cũng tại khu phố 3, hiện còn 1 khu đất trống có diện tích khoảng hơn 300m² nằm dọc theo bờ kè Nhiêu Lộc theo phản ánh của người dân hiện đang được UBND phường “tận dụng” cho thuê làm bãi giữ xe.

Nhiều cán bộ, nhân viên đang công tác tại UBND phường 13 cho rằng, mỗi tháng tiền thuê mặt bằng nhà, đất thu về được khoảng gần 80 triệu đồng. Vậy mỗi tháng, CB-CNV được cải thiện đời sống bao nhiêu? Một số CB-CNV tại đây trả lời: “Mỗi tháng chỉ được thêm 200.000 đồng tiền cơm trưa”.

Một cán bộ (xin giấu tên) nói: “Phường có 40 CB-CNV, mỗi người được 200.000, vậy mỗi tháng chi cải thiện đời sống 8 triệu đồng. Số tiền lớn còn lại được chi vào mục đích gì và quản lý ra sao, không ai được biết”.

Lãnh đạo một số cơ quan chức năng tại quận Phú Nhuận cho biết, những khu đất và căn nhà UBND phường 13 cho thuê nhiều năm qua đều không đăng ký thuế với cơ quan thuế, không qua công chứng hợp đồng thuê mặt bằng. Thế nhưng, không hiểu sao các chủ thuê mặt bằng vẫn hoạt động bình thường không bị phát hiện, xử lý.

Kiểm tra việc quản lý, sử dụng công sản
 

Ngày 10-11, Tổ kiểm tra Sở Tài chính TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng của quận Phú Nhuận tiến hành kiểm tra đột xuất việc quản lý, sử dụng công sản tại UBND phường 13 (quận Phú Nhuận).

Qua kiểm tra, đã phát hiện UBND phường 13 ký hợp đồng với 6 cá nhân thuê sử dụng nhiều mặt bằng nhà, đất được giao quản lý, trong đó có 3 căn nhà thuộc nhà công sản đã có văn bản đề nghị ngưng cho thuê từ đầu năm 2010. Tổ kiểm tra còn phát hiện nhiều khu đất công được giao UBND phường 13 quản lý, nhiều năm qua đã được cho thuê, sử dụng không đúng mục đích.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục