Hôm nay, ngày hội lớn tôn vinh các điển hình tiên tiến

Hôm nay, ngày hội lớn tôn vinh các điển hình tiên tiến

(SGGPO). – Sáng nay, 27-12,  Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã được khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Đến dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu chỉ đạo đại hội

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu chỉ đạo đại hội

Tham dự Đại hội có 1.500 đại biểu phong trào thi đua yêu nước của các ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể TƯ và các địa phương, các cá nhân anh hùng, đại diện các tập thể anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc và các điển hình tiên tiến, nhân tố mới được phong tặng, suy tôn từ sau Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII.

Trước khi Đại hội khai mạc, các đại biểu đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TƯ khai mạc Đại hội. Ảnh Minh Điền

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TƯ khai mạc Đại hội. Ảnh Minh Điền

Đại hội là dịp để tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát động phong trào học tập các tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực trong phạm vi cả nước, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015”.

Trong số đại biểu tham dự Đại hội lần này có 338 đại biểu là Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc được phong tặng trong 5 năm qua, chiếm 23% số đại biểu dự Đại hội.

Ngoài ra còn có 1.001 điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, chiếm 67% trong đó có 148 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 164 đại biểu trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; 322 đại biểu tiêu biểu cho tài năng trẻ, thiếu niên, nhi đồng xuất sắc, công nhân, nông dân, trí thức, đại diện các tôn giáo, nhân sĩ, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, nghệ nhân nhân dân... 

Có 64 đại diện tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; 10 đại biểu đại diện cho kiều bào ở nước ngoài.

Đại biểu cao tuổi nhất là GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, 94 tuổi; đại biểu trẻ nhất là em Trần Ngọc Diễm Huyền, 10 tuổi, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội. GS Ngô Bảo Châu là khách mời của Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua-Khen thưởng TƯ đã khẳng định, lịch sử cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra các phong trào thi đua yêu nước. Và cũng chính lịch sử đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Thủ tướng cũng cho rằng, kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là chúng ta đã ứng phó có kết quả với những ứng biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (năm 2010 tăng trưởng 6,7%), bình quân 5 năm 2006-2010 tăng trưởng 7%/năm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và bảo đảm ngày càng tốt hơn; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực.

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2006-2010), phương hướng nhiệm vụ (2011-2015), Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua-Khen thưởng TƯ Nguyễn Thị Doan cho hay, thành tựu phát triển của đất nước 5 năm qua có sự đóng góp quan trọng của công tác thi đua-khen thưởng. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt đã ban hành các chủ trương, chính sách và xây dựng hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, đó là nhân tố cơ bản quyết định sự thành công của các phong trào thi đua yêu nước”.

Thực tế, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TƯ, các bộ, ngành, địa phương, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã đề xuất và tổ chức được nhiều phong trào thi đua trên phạm vi cả nước. Đơn cử như phong trào thi đua “Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi”, phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phong trào thi đua cả nước hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Các phong trào thi đua yêu nước đã đạt kết quả to lớn trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, hàng loạt điển hình đã xuất hiện như Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long, Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ VTC thuộc Tổng công ty truyền thông đa phương tiện, Tập đoàn viễn thông quân đội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam… 5 năm qua, từ những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng 67 tập thể và cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động; 691 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 11 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các loại.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, những thành tích của ngành giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội.. cũng hết sức nổi bật. 5 năm qua, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, lao động, thương binh và xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, Đảng, Nhà nước ta đã tuyên dương 65 tập thể, cá nhân Anh hùng lao động, 385 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 7 Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  và danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ (nhân dân, ưu tú).

Trong các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao, phòng chống tham nhũng… cũng ghi nhận nhiều thành tích xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ôn lại truyền thống của phong trào thi đua yêu nước trong suốt 62 năm qua-động lực quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước ngày nay.

Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thường xuyên quan tâm, đổi mới công tác thi đua yêu nước đáp ứng nhu cầu mới. Phong trào thi đua trong những năm qua đã khơi dậy tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Nhiều phong trào thi đua phát triển sâu rộng, trên mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân…, đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều tấm gương sáng, tạo động lực to lớn trong viện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc. “Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước vẫn còn nhiều hạn chế như báo cáo đã chỉ ra, cần khắc phục những hạn chế đó để đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới. Phong trào thi đua phải góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tổng Bí thư lưu ý một số nhiệm vụ, trong đó trước hết cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thi đua-khen thường, vì “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Tổng Bí thư cũng cho rằng, cần đẩy mạnh việc nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn thi đua khen-thưởng với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. “Để thi đua tốt hơn, cần biểu dương khen thưởng kịp thời”, Tổng Bí thư nói.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng 97 Huân chương Sao vàng, 243 Huân chương Hồ Chí Minh, 5.740 Huân chương Độc lập, 268 Huân chương Quân công, 25.593 Huân chương Lao động, 456 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 178 Anh hùng Lao động, 61 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 2.711 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 159 Giải thưởng Nhà nước và nhiều danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú)…

Phó Chủ tịch nước khẳng định, công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua và khen thưởng đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận, phong trào thi đua có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục, phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào. Chưa quan tâm chú trọng khen thưởng cho cá nhân người lao động, người trực tiếp sản xuất; còn có biểu hiện bệnh thành tích trong khen thưởng, khen thưởng còn chưa đồng đều, mới tập trung ở một số bộ, ngành, địa phương và một số lĩnh vực, việc tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp (trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế) còn tràn lan, một số chương trình giải thưởng tôn vinh có biểu hiện thương mại hoá, chưa đảm bảo tính tiêu biểu, nêu gương và giáo dục, ít được dư luận xã hội đồng tình.

Giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua được xác sẽ là động lực cách mạnh to lớn của toàn dân tộc, hướng tới phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chiều nay sẽ diễn ra  cuộc giao lưu các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Một số điển hình tham gia báo cáo, giao lưu tại Đại hội:

  • Vận động viên Pencak Silat Lê Thị Hồng Ngoan, sinh năm 1982, 3 lần vô địch thế giới 2002, 2004, 2007, vô địch châu Á 2003, vô địch Đại hội võ thuật châu Á lần 1-2009 tại Thái Lan, vô địch Indoor Games lần 3 tại Việt Nam, 4 lần liên tiếp vô địch SEA Games 2003, 2005, 2007 và 2009, 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
  • Ông Ya Loan, dân tộc Chu Ru, nông dân tỉnh Lâm Đồng tích cực thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng, tham gia hoạt động xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (bảo vệ rừng, soạn giáo trình dạy tiếng Chu Ru, giúp cho các đoàn nghiên cứu về văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
  • Ông Đỗ Quý Hạo, chủ trang trại khoai lang Ba Hạo, Hòn Đất, Kiên Giang, khởi nghiệp với 2.000m² đất trồng khoai lang, nay diện tích tăng 500 lần, năng suất tăng 7 lần. Ông còn góp phần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người nông dân biết giao dịch và bán hàng trên mạng, sử dụng thanh toán điện tử, quản lý sản xuất bằng máy tính điện tử hiện đại.
  • Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, 15 năm vượt dãy Trường Sơn đi tìm đồng đội, tham gia quy tập mộ liệt sĩ tại đất nước bạn Lào, cùng dân xây dựng đời sống và được người dân địa phương hết sức giúp đỡ và ủng hộ trong việc quy tập hài cốt đồng đội.
  • Anh hùng La Văn Cầu (khách mời giao lưu). Trong trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới năm 1950), khi đang chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị tiến công đồn, ông bị thương gãy nát cánh tay, đã nhờ đồng đội chặt đứt để khỏi vướng, dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch. Ngày 19-5-1952, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi đang là tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.
  • Em Hồ Thị Hiếu Hiền, Trường THCS Tây Sơn - quận Hải Châu - Đà Nẵng, người đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 39 năm 2010 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức.
  • Phạm Thị Huân, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân (TPHCM) với hành trình lập nghiệp làm giàu bằng việc làm ra sản phẩm là những quả trứng sạch an toàn, hợp vệ sinh...
  • GS Ngô Bảo Châu là khách mời chỉ định của đại hội. Ông là Giáo sư Toán học trẻ nhất Việt Nam hiện nay và nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields, mang vinh quang về cho Tổ quốc…
Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục