Cán bộ xã biến đất công thành “đất ông”. Bài 1: Hè nhau “luộc” đất công

Từ đất công thành “đất ông”
Cán bộ xã biến đất công thành “đất ông”. Bài 1: Hè nhau “luộc” đất công

LTS: Những ngày qua, người dân ở huyện Tân Hưng tỉnh Long An nói chung, ở 2 xã Hưng Điền và Hưng Điền B nói riêng rất bức xúc khi biết nhiều cán bộ chủ chốt của hai xã này “xẻ thịt” đất công, chiếm phần nền nhà ở cụm dân cư tránh lũ… Thậm chí, có cán bộ còn ăn chặn tiền từ Chương trình 135 của Chính phủ gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Điều đáng nói, những cán bộ tha hóa, biến chất ở hai xã này chưa ai bị xử lý (!?).

Hàng chục hécta đất công ở xã Hưng Điền bị cán bộ xã tự ý chia nhau, bán “nội bộ” cho nhau bằng “giá nhà nước”. Không chỉ vậy, nhiều nền nhà trong cụm dân cư tránh lũ nhưng dân không mua được bởi cán bộ xã bán cho… cán bộ xã, cũng theo “giá nhà nước”…

Ông Năng thuê nền nhà của một cán bộ xã để cất nhà ở tạm, phía sau nhà là 2 lô đất ông Minh mới bán để hưởng tiền chênh lệch.

Ông Năng thuê nền nhà của một cán bộ xã để cất nhà ở tạm, phía sau nhà là 2 lô đất ông Minh mới bán để hưởng tiền chênh lệch.

Từ đất công thành “đất ông”

Ông Võ Hữu Nghị, Phó phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng (nguyên là Huyện ủy viên, Bí thư, Chủ tịch xã Hưng Điền từ 1995-2003) cho biết năm 1994, UBND huyện Tân Hưng có cho một người dân mượn 96ha đất để trồng cây công nghiệp. Người này sử dụng không hiệu quả nên năm 1996 UBND huyện Tân Hưng lấy đất lại và giao cho UBND xã Hưng Điền quản lý. Sau khi tiếp nhận đất, xã chủ trương cấp đất cho cán bộ xã mỗi người khoảng 3ha để sản xuất, cải thiện đời sống.

Năm 2004, khi ông Lê Văn Lân lên làm Bí thư xã Hưng Điền, ông đã chủ trương phân phối lại số đất đai này trong nội bộ với nhau. Cán bộ cấp ủy của xã được cấp 1,5ha, số cán bộ còn lại được cấp trung bình từ 0,5 - 1ha. Ông Bí thư Lân được cấp 1,5ha, nhưng ông không hề sản xuất mà đem cho thuê, hưởng lợi. Đến năm 2008, ông Lân được huyện “bán hóa giá” miếng đất này với “giá nhà nước” là 60 triệu đồng/ha (giá thị trường lúc đó là 125 triệu đồng/ha). Vậy là từ đất công, các cán bộ ở đây đã lặng lẽ chuyển hóa thành “đất ông” êm ru. Và lạ một điều là miếng đất diện tích 1,5ha, nhưng trên giấy tờ nhà nước bán cho ông Lân chỉ ghi có khoảng 0,7ha (?) và người đứng tên làm chủ miếng đất là bà Phạm Thị Kim Loan, vợ ông. Cứ thế, cán bộ xã Hưng Điền trước được cấp đất, sau được “bán hóa giá” nội bộ bằng “giá nhà nước”. Quỹ đất công bị xà xẻo vô tội vạ.

Đáng nể là trường hợp ông Bùi Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền. Ngoài phần đất 1,4ha ông được cấp theo chủ trương của ông Bí thư Lân được ông để cho người con là Bùi Thị Đông đứng tên. 3 người con khác của ông là Bùi Chí Linh, Bùi Thị Thu và Bùi Văn Tâm cũng được ăn theo, được bán hóa giá bằng “giá nhà nước” gần 3ha từ nguồn quỹ đất công này.

Chưa hết, năm 1994 khi quy hoạch khu chợ xã, sau khi đã bán một số lô nền cho dân, xã giữ lại 2 nền nhà (4,5m x 12m/nền) để làm trạm cấp nước, rồi định sử dụng làm nhà trẻ, nhưng cuối cùng không làm. Thấy không ai động tới 2 lô nền nhà này, ông Quý cùng với ông Nguyễn Quốc Thịnh (Phó Chủ tịch xã) mỗi người chiếm 1 lô, rồi tự nói là đã mua lại của nhà nước, nhưng có thông tin cho biết hai ông thậm chí không đăng nộp tiền giá gốc của 2 lô đất trên cho ngân sách nhà nước. Đất này sau đó ông bán, hưởng lợi lớn.

Ở đây cũng cần nói thêm, ông Đỗ Hồng Phong (hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Tân Hưng) không phải là cán bộ của xã Hưng Điền nhưng vẫn được xã này xét cấp 1,5ha. Năm 2008, ông cũng được bán hóa giá số đất này bằng “giá nhà nước”, nhưng do vợ ông là bà Phạm Thị Nga đứng tên.

“Biển thủ” nền nhà cụm dân cư chống lũ

Cũng theo ông Võ Hữu Nghị, năm 2009, trong một lần đoàn kiểm tra của huyện (ông Nghị là thành viên) về kiểm tra xã Hưng Điền, phát hiện số tiền thu từ việc bán các lô nền trên cụm dân cư chống lũ của xã quá thấp so với số nền đã bán. Truy ra mới biết, số tiền chưa nộp phần đông rơi vào các cán bộ của xã Hưng Điền. Họ mua nền nhà trong cụm dân cư chống lũ ở trung tâm xã, nhưng tiền thì chưa chịu nộp vào ngân sách nhà nước.

Cái đáng nói ở đây là UBND xã Hưng Điền đã lừa dân và nói dối với huyện về thực trạng mua bán các lô nền nhà trong cụm dân cư trung tâm của xã. Người dân cho biết họ đến đăng ký mua thì được UBND xã bảo các lô nền đã bán hết rồi. Trong khi đó, UBND xã lại báo cáo về huyện là các lô nền ở cụm dân cư này bán không được, đề nghị huyện cho bán tới các cán bộ nhân viên của xã. Và dù huyện chưa có ý kiến gì, lãnh đạo xã Hưng Điền vẫn tiến hành bán các lô nền nhà này cho cán bộ xã, cấp ủy được mua 2 nền, còn cán bộ thường được 1 nền.

Ông Nguyễn Văn Năng, một người dân nghèo ở xã Hưng Điền cho biết, ông đến đăng ký mua nền nhà trong cụm dân cư trung tâm của xã để ở thì được UBND xã Hưng Điền bảo rằng đã bán hết nền rồi. Trong khi đó, ông Hoàng Đình Minh, Phó Chủ tịch HĐND xã có nhà ở gần đó vẫn được xã này bán chịu cho 2 nền trong cụm dân cư. Mới đây ông Minh đã bán 2 lô nền này, hưởng chênh lệch giá gần 50 triệu đồng. Ông Năng chua chát nói: “Ở đây còn nhiều nền chưa bán, nhưng có lẽ xã giữ lại để bán cho cán bộ xã, để được hưởng chênh lệch giá!”.

Theo quy định, các lô nền trong cụm tuyến dân cư trên địa bàn, sau khi ưu tiên xét cấp, bán cho các đối tượng ưu tiên cần nhà ở xong (các hộ nghèo thuộc gia đình chính sách như thương binh, liệt sĩ…), số còn lại dành 30% bán giá kinh doanh theo giá thị trường. Bất kỳ ai ở trong vùng ngập lũ, nếu có nhu cầu thì sẽ được bán nền trong số 30% còn lại này. Thế nhưng, ở đây con số 30% nền còn lại này, dân hỏi mua thì xã bảo hết nhưng để “ưu tiên” bán cho cán bộ xã với giá “trợ cấp” của nhà nước chứ không phải giá thị trường.

Đã vậy, nhiều cán bộ mua xong vẫn không trả tiền, thậm chí có người sang tay luôn để hưởng tiền chênh lệch nhưng cũng không trả tiền gốc cái nền nhà cho nhà nước. Như ông Hoàng Đình Minh, Phó Chủ tịch HĐND xã, mua 2 nền nhà trên cụm dân cư của xã với “giá nhà nước” khoảng 40 triệu đồng, nhưng chưa trả tiền. Đã vậy, ông còn bán luôn 2 nền này với giá 90 triệu đồng để hưởng tiền chênh lệch, trong khi quy định của nhà nước là chỉ được bán nền nhà sau khi mua 10 năm.

Chưa hết, ông Minh còn được LĐLĐ huyện xét cấp cho một suất nhà “mái ấm công đoàn” trị giá 15 triệu đồng (tiêu chuẩn để được xét cấp nhà là những công nhân lao động, viên chức trên địa bàn huyện có khó khăn về nhà ở). Và sau khi được xét cấp nhà, ông Minh đàng hoàng cất ngôi nhà chí ít cũng trên trăm triệu đồng, ngày tân gia ông mua một bộ ghế salon trên 15 triệu đồng. Dư luận thắc mắc, chẳng rõ vì sao một người khá giả như thế mà LĐLĐ huyện Tân Hưng vẫn xét cấp nhà “mái ấm công đoàn”.

Còn ông Võ Văn Cọp, Bí thư xã Hưng Điền (thay ông Lân từ cuối năm 2008) cũng được mua 2 nền, khi chưa trả tiền xong cũng đã bán lại cho người khác hưởng chênh lệch gần 70 triệu đồng… Cứ thế, xã Hưng Điền có trên 30 cán bộ, ai cũng được mua nền nhà trong cụm dân cư trung tâm của xã. Người thì “neo” lại chờ giá lên để bán, còn người thì nôn nóng bán luôn để lấy tiền tươi…

Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục