Cán bộ xã biến đất công thành “đất ông” - Bài 2: Mạnh tay vơ vét túi riêng

Giống như xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An), ngoài việc xà xẻo đất công, một số cán bộ chủ chốt của xã Hưng Điền B còn “lủm” nhiều thứ thuộc tài sản công của xã. Thậm chí 2 chiếc máy cắt lúa của xã mua từ nguồn tiền Chương trình 135 của Chính phủ cũng bị ông chủ tịch xã bán, lấy tiền tiêu xài cá nhân…
Cán bộ xã biến đất công thành “đất ông” - Bài 2: Mạnh tay vơ vét túi riêng

Giống như xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An), ngoài việc xà xẻo đất công, một số cán bộ chủ chốt của xã Hưng Điền B còn “lủm” nhiều thứ thuộc tài sản công của xã. Thậm chí 2 chiếc máy cắt lúa của xã mua từ nguồn tiền Chương trình 135 của Chính phủ cũng bị ông chủ tịch xã bán, lấy tiền tiêu xài cá nhân…

Đua nhau “xẻ thịt” đất công

Nhiều người dân ở xã Hưng Điền B rất bức xúc việc hàng chục hécta từ quỹ đất công của xã bỗng dưng trở thành đất của người thân của một số cán bộ xã. Như miếng đất công 3,3 ha thuộc lô 22 khu vực ấp Gò Pháo “tự dưng” trở thành đất của ông Tạ Văn Sỹ, người nhà của ông Tạ Văn Mệnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B.

Hay 7,7ha ở khu vực Sa Điền bị ông Huỳnh Văn Lùng, Phó Chủ tịch UBND xã chiếm lấy rồi sau đó bán cho ông Phan Văn Đồ (dân Đồng Tháp) với giá 150 chỉ vàng.

Còn ông Nguyễn Đức Trung, cán bộ địa chính xã thì giúp chị vợ là bà Tiêu Thị Xinh chiếm 12ha đất công ở vùng Sa Điền, giúp anh em bạn rể là Đoàn Thanh Bình chiếm 4ha đất công cũng ở khu vực Sa Điền. Danh sách người thân ông Trung còn có cha vợ là ông Nguyễn Văn Dũng chiếm 5,5ha đất công ở khu vực Ngọn Cây Me.

Ngoài bao chiếm đất công, ông Trung còn bị người dân “tố” là nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền mỗi khi người dân nhờ làm giấy tờ nhà đất. Như ông Trịnh Văn Xuân, nhà ở ấp Kinh Mới xã Hưng Điền B bị ông Trung vòi vĩnh lấy 4 triệu đồng khi ông Xuân nhờ giúp làm giấy tờ 4ha đất ruộng của ông. Chưa hết, khi đến xã mua hồ sơ để làm giấy tờ hợp thức hóa đất đai thì ông Trung nói hết hồ sơ, nhưng lại kêu đến nhà riêng vợ ông sẽ bán cho, với giá 50.000 đồng/hồ sơ, mắc hơn giá bán tại xã.

Ngoài ra, ông Trung, ông Mệnh và ông Nguyễn Vũ Linh (Trưởng ban tài chính xã) còn liên kết với nhau bán “nội bộ” 42 ha quỹ đất công của xã theo “giá nhà nước” là 80 triệu đồng/ha. Trong đó, bà Xinh chị vợ ông Trung mua 9ha ở vùng Sa Điền. Ông Nghiêm - anh kết nghĩa với ông Trung, mua 10ha ở vùng Ngọn Cây Me. Còn bà Nhung, vợ của ông Trung thì mua 10ha ở khu vực Sông Trăng, sau đó bà Nhung bán lại cho ông Hùng, Trưởng ấp Kinh Cũ xã Hưng Điền B với giá 145 triệu đồng/ha, bỏ túi chênh lệch 65 triệu đồng/ha (!)…

Trong khi đó, UBND xã Hưng Điền B cũng cố “xẻ thịt” đất công bằng cách lấy 9ha đất công “tặng” cho một vài cán bộ ở huyện Tân Hưng…

Tiền cho thuê sạp tại chợ xã Hưng Điền B cũng bị xà xẻo.

Tiền cho thuê sạp tại chợ xã Hưng Điền B cũng bị xà xẻo.

Vô tư xài “tiền chùa”

Ông Mệnh với tư cách là Chủ tịch UBND xã nên có “toàn quyền” định đoạt nhiều việc ở xã này. Người dân biết ông lấy sân vận động xã đem cho thuê nhiều năm liền với giá 20 triệu đồng/năm. Số tiền này ông bỏ túi, xài riêng chứ không nộp vào ngân sách xã. Thậm chí, 2 máy cắt lúa xã mua từ năm 2005 từ tiền Chương trình 135 của Chính phủ để giao cho dân nghèo sử dụng.

Năm 2007, khi ông Mệnh lên làm chủ tịch ông đã ra lệnh bán luôn 2 máy này, chẳng theo thủ tục quy định bán thanh lý tài sản công và cũng không nộp tiền vào ngân sách xã. Chưa hết, khoản tiền trên 30 triệu đồng do Ngân hàng Nhà ĐBSCL và Ngân hàng NN-PTNT huyện Tân Hưng hỗ trợ cho ngân sách xã cũng không biết “đi đâu về đâu”…

Có lẽ “học tập” cấp trên về cách “xài tiền chùa” nên ông Nguyễn Vũ Linh, Trưởng ban tài chính xã, cũng tranh thủ “lủm” quỹ tiền công của xã. Như bán đấu giá bến đò ngang kinh KT7 với giá 9 triệu đồng, ông Linh “quên” nộp vào ngân sách xã mà bỏ túi riêng. Còn tiền thu từ các quầy bán hàng trong chợ xã gần 20 triệu đồng, ông Linh “quên luôn”. Thậm chí, ông Linh tự ý rút ở kho bạc huyện 1 triệu đồng để chi xài cá nhân, nhưng lại nói là chi cho đội bóng của xã.

Còn ông Võ Văn Tiền, cán bộ kế toán ngân sách xã, cũng bắt chước các “quan anh xài tiền chùa”. Như năm 2007-2008, ông thu tiền cho thuê các quầy bán hàng trong chợ xã và tiền quỹ đất công với số tiền gần 30 triệu đồng, ông Tiền cũng bắt chước “quên luôn” không nộp vào ngân sách xã. Đó là chưa kể tới chuyện trước đây ông từng bị phát hiện tham ô gần 7 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý.

Vì sao việc xà xẻo đất công, rút ruột công quỹ… trong một thời gian dài nhưng không ai bị xử lý? Dư luận công chúng đòi hỏi cần điều tra, xử lý thật nghiêm các hành vi này để làm gương. Đồng thời cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan cấp trên có liên quan, cấp chính quyền có chức năng quản lý giám sát, cũng như cá nhân các cán bộ cấp trên được phân công phụ trách địa bàn 2 xã, đã để xảy ra tình trạng tiêu cực. 

ĐĂNG NGUYÊN

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Hè nhau “luộc” đất công

Tin cùng chuyên mục