Những điểm sáng ở một quận ven

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Những điểm sáng ở một quận ven

Tháng 12-2003, quận Tân Phú được tách ra từ một phần quận Tân Bình. Hơn 6 năm qua, quận phát huy sức mạnh của nhân dân, tập hợp và khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh việc cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa Tân Phú từ quận vùng ven dần trở thành vùng đô thị. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và biết làm, quận đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.

Trường Tiểu học Hồ Văn Cường được xây dựng trong nhiệm kỳ 2005-2010.

Trường Tiểu học Hồ Văn Cường được xây dựng trong nhiệm kỳ 2005-2010.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Khi tách ra, quận Tân Phú có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với giá trị sản xuất đứng hàng thứ hai trong 24 quận, huyện của TP. Tuy nhiên, trước thực trạng các doanh nghiệp đa phần sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, Đảng bộ quận thấy rằng phải chuyển đổi ngành nghề thì mới có thể phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, quận chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế sang thương mại, dịch vụ. Thực tế đã chứng minh hướng đi đúng đắn của quận.

Dù đã hoàn tất công tác di dời 289/289 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư (chiếm 1/4 tổng số cơ sở di dời của TP), nhưng tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp cũng như doanh thu thương mại – dịch vụ của quận Tân Phú đều tăng hàng năm và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ IX (nhiệm kỳ 2005 – 2010) đề ra.

Trên lĩnh vực quản lý đô thị và xây dựng cơ bản, quận Tân Phú không ngừng nỗ lực để phục vụ người dân tốt hơn. Cụ thể, trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, quận Tân Phú là một trong những quận được UBND TPHCM, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá cao vì có sự chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng các văn bản pháp luật để giải quyết hồ sơ cho người dân, không để hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn.

Hơn 5 năm qua, quận đã cấp 39.883 giấy chứng nhận cho người dân. Ngoài ra, quận cũng được UBND TPHCM chọn là một trong hai quận thí điểm triển khai mô hình quản lý nhà đất hiện đại. Từ những nỗ lực trên, Đảng bộ và chính quyền quận nhận được sự đồng thuận của người dân trong các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ủng hộ phong trào “vận động nhân dân hiến đất làm đường”, người dân trong quận tham gia hiến 86.686m² đất với tổng giá trị gần 578 tỷ đồng, nâng diện tích đường giao thông được nhựa hóa trên toàn quận lên 98%.

Ưu tiên cho giáo dục

Trong 5 năm qua, quận Tân Phú đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục qua việc xây dựng mới 6 trường; cải tạo, nâng cấp mở rộng 21 trường. Qua thống kê mới nhất, đến năm 2010, số học sinh trên toàn quận là 70.800 em, tăng 35% và đội ngũ giáo viên tăng 75%. Nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục nên quy mô giáo dục tăng nhanh (không chỉ ở khối công lập, quận còn vận động các nhà đầu tư dành nhiều mặt bằng cho giáo dục và hiện có 106 nhóm trẻ gia đình, 23 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông dân lập). Toàn quận hiện có 68 trường học, tăng 28 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 24 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 15 trường ngoài công lập cấp 2, 3.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, Tân Phú tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng mới trường lớp; bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên; cán bộ quản lý; xây dựng 1-2 trường đạt chuẩn quốc gia và đẩy mạnh ứng dụng tin học trong giảng dạy – học tập với chỉ tiêu đến năm 2015 tất cả học sinh lớp 3 trở lên được học tin học, ngoại ngữ.

T.Hân - Q.Cường – Q.Phú

Tin cùng chuyên mục