Báo động game online - Bài 1: Khó quản hay thờ ơ?

Ngày đầu bỏ ngỏ
Báo động game online - Bài 1: Khó quản hay thờ ơ?

Game online (GO) đầu tiên “tham chiến” tại Việt Nam là M.U không do bất cứ nhà phát hành nào trong nước cung cấp. M.U xuất hiện cùng lúc khi dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL ra đời vào tháng 6-2003, chấm dứt thời kỳ kết nối Internet tốc độ “rùa bò” của các dịch vụ Dial-up… Và cũng chính ADSL qua các tiệm Internet công cộng trở thành tiền đề quyết định giúp GO phát triển mạnh mẽ… tạo nên thế giới GO với những hệ lụy đến mức phải báo động như ngày hôm nay.

Cần có biện pháp quản lý loại game bắn súng có nhiều cảnh bạo lực như thế này. Ảnh: TẤN BA

Cần có biện pháp quản lý loại game bắn súng có nhiều cảnh bạo lực như thế này. Ảnh: TẤN BA

Ngày đầu bỏ ngỏ

Để thấy rõ bản chất của vấn đề, cần nhìn lại quá trình phát triển của GO tại Việt Nam cũng như tiệm Internet công cộng (phòng net). Từ năm 2003 đến năm 2006, việc có được giấy phép mở một tiệm Internet công cộng coi như “trúng quả”. Thời điểm đó, GO cũng chín rộ với hàng chục GO được các nhà phát hành Việt Nam mua của nước ngoài về.

Đáng chú ý là vào tháng 1-2004, GO Gunbound ra đời. Gunbound được hân hoan chào đón và mang lại thành công vang dội cho Công ty Asiasoft. Tiếp đó, đến đầu năm 2005, GO Võ lâm truyền kỳ của VinaGame ra mắt. Và đến tháng 6-2005, GO 3D đầu tiên tại Việt Nam ra đời với tên PTV (Priston Tale) được phát hành thông qua FPT Online...

Trong khoảng thời gian trên, những tiệm Intetnet công cộng chuyên phục vụ dân chơi GO cũng mọc lên như nấm tạo cơn “sốt” thực sự trong giới trẻ… Điển hình như tiệm Net 124 Trần Quang Khải, quận 1 vốn bề thế với gần 100 máy cấu hình cực mạnh mà lắm lúc cũng phải xếp hàng chờ đến lượt.

Trước những phản ánh về tác động tiêu cực của GO đối với xã hội và nhất là giới trẻ, đến giữa năm 2006, Thông tư 60 về quản lý GO ra đời, quy định giới hạn giờ chơi cũng như “chỉ đạo” mỗi tài khoản chỉ được chơi dưới 5 giờ/ngày khiến tình hình có chút dịu lắng khi các phố Internet lâm cảnh hoạt động cầm chừng…

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, các điều khoản giới hạn điểm thưởng nhằm mục đích buộc các game thủ chơi... điều độ hơn đã không thành công. Các GO đa phần lách luật bằng cách thoát ra rồi đăng nhập lại vào game thì nhân vật trong GO tiếp tục có 5 giờ chơi mới mà không hề bị giới hạn điểm thưởng.

Do đặc điểm của GO khi nhập vai trực tuyến càng phải chơi nhiều nhân vật ảo trong game mới không bị rớt “top” nên người đã chơi cứ phải tranh thủ chơi và làm các phòng net thêm một lần hồi sinh…

Ngày sau bùng phát

Hiện các tiệm net vẫn sống khỏe nhờ khách hàng chơi GO. Vào tiệm Net N.T đường Trần Quang Khải vào buổi tối vẫn thấy hàng chục game thủ đang say sưa “chiến đấu” với đủ loại game như Võ lâm truyền kỳ, Đột kích… Căn phòng rộng chừng 50m² ngột ngạt vì khói thuốc và trên bàn máy la liệt đủ loại đồ ăn thức uống mà chủ tiệm cung ứng để tiếp “năng lượng” người chơi game. Không ít game thủ do thức nhiều nên mặt hốc hác, vừa chơi vừa gật gà trên ghế.

Đến khuya mà vẫn có một cậu bé lật đật chạy vào thuê máy chơi game với lời trần tình: “Ở nhà có máy tính riêng nối mạng nhưng do bố mẹ khá nghiêm khắc nên mỗi ngày chỉ được chơi trong khoảng 1 tiếng, nếu muốn chơi thêm thì phải ra tiệm…”.

Chơi game online tại 1 tiệm internet. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chơi game online tại 1 tiệm internet. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tiệm net này về mức độ “bề thế” vẫn thua nhiều cơ sở khác như Trung tâm Game C.T cũng trên đường Trần Quang Khải với đường truyền cáp quang không bị rớt mạng, tốc độ truy cập cao và phục vụ khách tận răng, từ ghế ngồi bọc da như ghế giám đốc đến trà nước, thức ăn…

Một nhân viên tên Dũng cho biết, khách ở đây là khách “ruột”, họ thuê máy từ ngày này qua ngày khác. Có khách treo máy nơi đây rồi thuê người quản nhân vật trong game, khách hàng đa phần là công chức… Nhìn quanh, nơi đây có gần 200 máy, có vài chục người khách đang gọi điện, truy cập Internet và vô số thanh niên ngồi chơi GO…

Không chỉ Trung tâm C.T, tại các tụ điểm khác như Pro Game Club, Centronet cũng trên con phố Trần Quang Khải… không bao giờ ngớt bóng người vào chơi GO. Do quá đông khách nên xe gắn máy của khách dàn kín vỉa hè…

Không riêng gì tại quận 1, nhiều trung tâm GO cao tốc ở khu vực Văn Thánh Bắc (Bình Thạnh), tiệm net ở quận 10… ngày cũng như đêm đông nghẹt các game thủ… Còn tại Câu lạc bộ GO trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú dù có tới 50 máy vi tính nhưng cảnh chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới có máy chơi GO là chuyện xảy ra hàng ngày…

Quân, chủ phòng net này cho biết thêm: “Làm ăn vẫn ổn, tiệm tôi đông khách vì mình ký hợp đồng với nhiều nhà dịch vụ cung cấp Internet nhằm ổn định đường truyền để hạn chế tối đa việc rớt mạng”.

Điểm qua thực trạng trên để thấy cơ quan quản lý chưa có một động thái tích cực nào quản lý GO. Ngay khi GO bùng phát, cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp hữu hiệu để quản lý nhà phát hành GO (quy định về giới hạn giờ chơi bị lách luật…) cũng như tiệm net (không hoạt động quá 22 giờ…).

Đặc biệt việc quản lý người chơi GO ở các tiệm net (trẻ con phải có người lớn đi cùng, người chơi phải khai báo thông tin cá nhân…) cũng bỏ ngỏ nên đến hôm nay GO ở tiệm net vẫn được chơi thâu đêm suốt sáng bất kể lứa tuổi nào. Điều này cho thấy trong thời gian khá dài, quản lý nhà nước đã không theo kịp sự phát triển của GO.

Theo thống kê sơ bộ, vào năm 2006, ước tính số người chơi game thường xuyên tại Việt Nam vào khoảng 1 triệu người với sản phẩm đình đám nhất Võ lâm truyền kỳ. 4 năm sau, con số này tăng lên khoảng 8 lần. Thể loại game cũng phát triển rất đa dạng, từ nhập vai kiếm hiệp (Kiếm thế, Thiên Long bát bộ, Võ lâm truyền kỳ) đến bắn súng (Đột kích, CounterStrike), âm nhạc (Audition), bóng đá (Fifa Online) và cả… làm nông dân (các thể loại game Nông trại trên các mạng xã hội).

Lý do chính cho sự phát triển khủng khiếp này là những thể loại game đa dạng đáp ứng nhiều nhu cầu và sở thích khác nhau (10 game vào năm 2006 tăng đến gần 80 game vào năm 2010) và GO trở thành sản phẩm giải trí được giới trẻ tiếp xúc khá dễ dàng.

Bá Tân - Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục