Con cá lớn và chiếc cần câu nhỏ

Nhà Bè, cũng như rất nhiều vùng đất khác trong cả nước, đang đứng trước thời điểm quan trọng là đô thị hóa. Nhiều vườn, nhiều đất sẽ không còn dùng để trồng cây, nuôi gà mà trở thành đường, thành cảng, thành nhà máy, xí nghiệp, nhà kho… Nhiều người dân sẽ rời mảnh vườn, mảnh ruộng của mình để trở thành cư dân đô thị, với một số tiền đền bù giải tỏa rất lớn, và có thể, là với câu hỏi cũng lớn không kém: mai mốt, làm gì để sinh nhai?

Nhà Bè, cũng như rất nhiều vùng đất khác trong cả nước, đang đứng trước thời điểm quan trọng là đô thị hóa. Nhiều vườn, nhiều đất sẽ không còn dùng để trồng cây, nuôi gà mà trở thành đường, thành cảng, thành nhà máy, xí nghiệp, nhà kho… Nhiều người dân sẽ rời mảnh vườn, mảnh ruộng của mình để trở thành cư dân đô thị, với một số tiền đền bù giải tỏa rất lớn, và có thể, là với câu hỏi cũng lớn không kém: mai mốt, làm gì để sinh nhai?

Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, người ta không thể trả lời được câu hỏi đó. Sau khi mất đi một mảnh vườn, một mảnh ruộng nhỏ, nhiều nông dân đã được trao một số tiền lớn. Về giá trị, số tiền đó có thể lớn hơn rất nhiều giá trị một mảnh ruộng, mảnh vườn của họ. Nhưng không như mảnh vườn, mảnh ruộng, số tiền đền bù giải tỏa đó, dù lớn, cũng chỉ là con cá, chứ không thể là một chiếc cần câu. Mảnh ruộng, mảnh vườn mang theo đó một cái nghề, một khoản thu nhập, dù ít, có thể truyền từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác. Và ở nhiều nơi, thay vì sử dụng số tiền đền bù giải tỏa ấy để làm một phương tiện mưu sinh, tạo ra một cơ hội học nghề, người ta đã dùng nó để mua xe, để “sống cho bõ những ngày khổ cực”.

Đó là cảnh báo, là vết xe đổ để lãnh đạo và người dân Nhà Bè trông vào, mà biết rằng phải chọn cho mình con đường đi khác. Cả đất nước đang thay đổi, Nhà Bè cũng sẽ thay đổi, chứ không thể chỉ ôm khư khư những mảnh vườn, mảnh ruộng con con. Vấn đề là, làm sao khi đổi chiếc cần câu nhỏ cho người dân, họ cũng được chuẩn bị đủ tâm lý để dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đoàn thể, các cơ quan nhà nước, họ trang bị cho mình được chiếc cần câu khác, mà không chỉ ngồi ăn dần vào con cá lớn được trao.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu, Thành ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nhà Bè, đã có nhiều nông dân làm tốt điều đó. Đó là gia đình ông Nguyễn Hoàng Hòa ở xã Phước Lộc, sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa đã thuê đất, mở khu câu cá giải trí. Đó là gia đình ông Trương Văn Ba ở xã Long Thới, sau khi nhận tiền, con ông vào làm việc tại khu công nghiệp, bản thân ông đi học nghề xây dựng, rồi về thầu các công trình cho bà con… Những người nông dân ấy đã nhanh chóng tìm cho mình chiếc “cần câu” phù hợp, chuyển đổi ngành nghề, xóa nghèo rất căn cơ.

Những tấm gương đó cần được nhân rộng. Nhà Bè tiếp tục cần sự chuyển dịch sâu hơn, mạnh hơn, sự phát triển nhanh hơn, để phù hợp với xu thế chung của đất nước. Trong quá trình đó, nông dân Nhà Bè rất cần sự hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Nhưng quan trọng nhất, trong quá trình đó, người dân Nhà Bè phải thay đổi được nhận thức, thay đổi được thói quen, lề lối sinh hoạt, để kịp chọn cho mình chiếc cần câu phù hợp với sự phát triển của quê hương.

Con cá, dù lớn đến đâu, ăn hoài cũng hết. Khi bước vào quá trình đô thị hóa, Nhà Bè không chỉ đứng trước một bước ngoặt của việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị hay phát triển kinh tế, mà quan trọng nhất, là đang đứng trước những bước ngoặt lớn nhất của sự thay đổi trong mỗi con người.

Khi đô thị hóa đang diễn ra trên khắp đất nước, cái khó khăn đó không phải chỉ một mình Nhà Bè phải giải quyết. Mong rằng, với vai trò của một huyện thuộc TPHCM năng động, đi đầu đất nước, Nhà Bè - với nỗ lực của mình và sự hỗ trợ từ TP - sẽ đủ sức làm tốt điều này.

HẠ VĂN

Tin cùng chuyên mục