Nông dân nhận tiền bồi thường của Vedan - Chậm trễ do thiếu giấy chủ quyền

Ngày 13-1, UBND huyện Cần Giờ họp báo thông tin về tiến độ bồi thường thiệt hại cho nông dân TPHCM do Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các hộ dân trong danh sách sẽ được bồi thường đợt 1 (50%) từ ngày 23 đến 28-1. Đợt 2 từ ngày 20 đến cuối tháng 2-2011.

Đến nay, huyện Cần Giờ mới chốt danh sách 875 trường hợp đáp ứng đủ 2 điều kiện nhận tiền bồi thường: Nông dân có hồ sơ khai báo thiệt hại trong danh sách 839 trường hợp ủy quyền yêu cầu bồi thường và số hộ bổ sung trong thời gian công khai niêm yết danh sách đợt 1 của Hội Nông dân huyện Cần Giờ. Các hộ nông dân phải có các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản (dầm, đập), khai thác thủy hải sản (đáy, lưới, cào, te) từ năm 1995 - 2008 thực tế có thiệt hại trong vùng ô nhiễm do Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) xác định và Tổng cục Môi trường công bố. Trong số 782/839 trường hợp có ủy quyền yêu cầu bồi thường và 93 trường hợp bổ sung, vấn đề gây thắc mắc  là việc một số trường hợp có trong danh sách ban đầu, nhưng khi rà soát lại đã bị lọt và trường hợp bổ sung sau khi Vedan đồng ý bồi thường.

Theo ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, việc tiến hành có chậm hơn là xuất phát từ tình hình thực tế. Đầm đập nuôi trồng thủy sản trong rừng (2.300 ha sản xuất trong rừng, 10% diện tích trong rừng phòng hộ, nhưng người dân không có giấy chủ quyền). Cũng vì sản xuất trong rừng, không thu được thuế nên cũng không lập bộ thuế. Tính chất đặc thù từng ngành nghề của Cần Giờ cũng đa dạng hơn như nghề đánh bắt nhiều hơn, trong đó không ít trường hợp sản xuất theo mùa (50% thời gian đánh bắt trong vùng ô nhiễm, 50% thời gian là ở ngoài vùng ô nhiễm). Đồng thời nông dân tại đây sử dụng nhiều công cụ khác nhau do tính chất đặc thù của Cần Giờ.

Theo số liệu đã phân chia tiền đền bù, có 782 trường hợp với số tiền đã được nhận là 42,9 tỷ đồng, trong đó nghề nuôi trồng thủy sản (đầm, đập) được 17,1 tỷ đồng, tương ứng 197 trường hợp. Nghề khai thác thủy hải sản (đáy, lưới, cào, te) được 25,8 tỷ đồng với 585 trường hợp. Như vậy, so với tổng số tiền bồi thường của Vedan còn lại 2,7 tỷ đồng, tương ứng 57 trường hợp không đủ điều kiện bồi thường trong danh sách 839 trường hợp ban đầu. Phương án phân chia theo nguyên tắc, các hộ dân tự thảo luận và quyết định phương án dưới sự chủ trì và hướng dẫn của Hội Nông dân. Và nông dân ngành nghề nào quyết định phân chia ngành nghề đó. Đến thời điểm này có các nghề nông dân đã quyết định xong phương án phân chia là đầm, đập và đáy, chủ yếu nông dân ở các xã Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, An Thới Đông, thị trấn Cần Thạnh, Long Hòa và quận 9. Nghề lưới và cào te xã đảo Thạnh An đang hoàn tất bước cử đại diện và chuẩn bị thảo luận, thống nhất phương án phân chia.

Về những trường hợp nằm trong danh sách 839 hộ nhưng khi xem xét lại và bị lọt ra ngoài, ông Đoàn Văn Sơn cho biết, huyện vẫn còn để ngỏ để bà con có thời gian chứng minh cho đến đợt 2 (sau tết). Đối với những hộ xâm canh, huyện đã thống nhất với Hội Nông dân, Sở NN-PTNT… là bàn giao những trường hợp này về địa phương giải quyết như tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục