Chậm như... cứu cụ rùa

Quá chậm chạp
Chậm như... cứu cụ rùa

Những ngày gần đây, cụ rùa Hồ Gươm liên tục nổi lên mặt nước, với hàng loạt vết thương, lở loét trên mình, ngày càng lan rộng… Thế nhưng các nhà khoa học, cơ quan chức năng, chính quyền vẫn còn loay hoay với chuyện hội thảo, tranh cãi về các phương án cứu cụ rùa như thế nào!

Cụ rùa Hồ Gươm liên tục nổi lên mặt nước, trên mai mang nhiều vết sẹo, đốm trắng thể hiện tình trạng báo động về sức khỏe.

Cụ rùa Hồ Gươm liên tục nổi lên mặt nước, trên mai mang nhiều vết sẹo, đốm trắng thể hiện tình trạng báo động về sức khỏe.

Quá chậm chạp

Sáng và trưa 23-2, cụ rùa lại nổi lên mặt nước, nhiều lần trồi lên ngụp xuống, trên mai lộ rõ những đốm trắng lở loét. Theo PGS-TS Hà Đình Đức, trong tháng 2, cụ rùa nổi liên tục, tổng cộng 18 lần. Trước đó, vào tháng 1-2011, cụ nổi 14 lần. Càng ngày tần suất nổi của cụ rùa càng nhiều hơn.

Trong khi dư luận liên tục báo động về sức khỏe và tính mạng của cụ rùa thì ngày 17-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu cụ rùa Hồ Gươm. Trước đó, vào ngày 15-2, Sở KH-CN Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội thảo để mời các nhà khoa học, chuyên gia về rùa bàn cách cứu cụ rùa. Tại hội thảo, có quá nhiều quan điểm ngược nhau theo 2 hướng: nên đưa cụ rùa lên cạn để chữa trị hay vẫn cứ để dưới nước. Vì vậy cho tới nay, UBND TP Hà Nội cũng chưa thống nhất được giải pháp nào. Tới 21-2, UBND TP Hà Nội lại họp thêm một lần nữa, theo đó xác định phương án có thể đưa cụ rùa lên khu vực Tháp Rùa (nằm giữa Hồ Gươm) nhưng làm sao để bắt được cụ, đưa lên cách nào thì vẫn chưa có. Do đó, ngày 25-2, UBND TP Hà Nội sẽ lại họp bàn một lần nữa và cũng không ai chắc có quyết được giải pháp hay không!

Còn ở khu vực Hồ Gươm mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân và du khách kéo ra xem cụ rùa nổi mà lòng không khỏi quặn đau, giống như chứng kiến một người bệnh nặng mà các chuyên gia vẫn còn đang ngồi trong phòng hội thảo. Thực sự cho tới nay vẫn chưa xác định được cơ quan nào, ai và bao giờ sẽ xắn tay cứu cụ rùa Hồ Gươm. Ông Nguyễn Tấn Vinh, một nhà nhiếp ảnh cao niên ở Hà Nội, thổ lộ: “Đành rằng Hà Nội đang làm nhiều việc cho cụ rùa sau khi báo chí phản ánh nhưng tiến độ chậm quá, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân”.

Cũng liên quan tới việc cứu cụ rùa, vấn đề mà nhiều người đã đề cập từ trong năm 2010 là loại trừ rùa tai đỏ khỏi Hồ Gươm. Thế nhưng, cho tới đầu tháng 2-2011, cũng sau nhiều lần hội thảo, Sở KH-CN Hà Nội mới thử nghiệm 7 dụng cụ bẫy rùa tai đỏ tại hồ Mỗ Lao và Văn Quán (Hà Đông-Hà Nội). Song hiện nay, vẫn chưa biết chắc khi nào việc bẫy bắt rùa tai đỏ tại Hồ Gươm sẽ triển khai, cơ quan chức năng chỉ nói là cuối tháng 2, đợi khi trời ấm.

Phải làm ngay

Hiện còn có thêm thông tin cho rằng cụ rùa có thể đang bị bệnh phổi nên nổi liên tục. Ông Hà Đình Đức không đồng tình nhận định trên, song thừa nhận chất lượng nước của Hồ Gươm đang bị ô nhiễm. Rõ ràng, việc khi sức khỏe và tính mạng của cụ rùa trở nên báo động, trên mình mang vết lở loét, cổ có vết rách… chính quyền cùng các cơ quan chức năng mới vào cuộc, đề nghị xử lý chất lượng nước, khắc phục ô nhiễm đã là muộn, thay vì có thể can thiệp sớm hơn.

PGS-TS Hà Đình Đức bày tỏ: “Hiện nay, sức khỏe, tính mạng cụ rùa đang cấp bách rồi. Không phải là nên sớm cứu cụ rùa mà là phải cứu ngay, bắt tay ngay vào việc cứu”. Ông đề nghị: “Việc ngay trước mắt là đưa cụ rùa lên cạn để chữa trị các vết thương, để cụ rùa bình phục ngay sức khỏe, duy trì mạng sống, sau đó mới nên bàn tới các vấn đề như nguyên nhân nào làm cụ bị thương, tại sao cụ liên tục nổi, rồi xử lý môi trường nước Hồ Gươm, chống ô nhiễm như thế nào”. Ông Đức tin rằng, các nhà khoa học, chuyên gia thú y thủy sản Việt Nam đủ sức chữa trị dứt điểm vết thương, nâng cao sức khỏe cụ rùa Hồ Gươm, không cần phải nhờ chuyên gia nước ngoài.

PGS-TS Hà Đình Đức cũng đề nghị, sau khi cứu chữa thành công vết thương cho cụ rùa ở trên cạn, để đảm bảo an toàn về lâu dài cho sức khỏe cụ, chính quyền, cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp có liên quan tới Hồ Gươm, như bên cạnh cải tạo môi trường nước, phải loại bỏ rùa tai đỏ khỏi đây.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục