Trước biến động ở Libya, Thủ tướng chỉ đạo: Khẩn trương đưa lao động Việt Nam về nước

181 lao động đã rời Libya
Trước biến động ở Libya, Thủ tướng chỉ đạo: Khẩn trương đưa lao động Việt Nam về nước

(SGGP).– Chiều 25-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình lao động Việt Nam tại Libya.

* Vietnam Airlines sẽ thực hiện 2 chuyến bay Hà Nội - Cairo - Hà Nội để đưa người lao động Việt Nam tại Libya (đã sang Ai Cập) về nước. Chuyến bay xuất phát tại Hà Nội dự kiến vào đêm 28-2 và 1-3 bằng máy bay Boeing 777 (324 ghế). Chuyến bay chiều về dự kiến khởi hành lúc 9 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 1 và 2-3 và hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào 22 giờ cùng ngày.

Th.Tuyết

Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, hiện có 10.482 lao động Việt Nam làm việc tại Libya. Trong đó khoảng 2.000 lao động tại TP Benghazi và 5.000 lao động làm việc tại thủ đô Tripoli (đây là 2 địa phương đang mất ổn định).

Hiện nay, hầu hết các công trường có lao động Việt Nam đều đã ngừng làm việc. Người lao động ở nhà để đảm bảo an toàn. Có một số khu nhà ở an ninh không đảm bảo, người lao động Việt Nam đã được đưa vào nhà thờ, khách sạn hoặc những nơi an toàn hơn.

Sau khi có thông tin về biểu tình tại TP Benghazi, ngày 18-2 vừa qua, Bộ LĐTB-XH cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo sát tình hình, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam. Đồng thời, thực hiện tạm dừng không đưa lao động sang Libya, theo dõi, báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, hướng dẫn người lao động không đi tới các nơi có biểu tình và tránh tụ tập đông người tại nơi công cộng.

Cũng theo Bộ LĐTB-XH, tính đến sáng 25-2, Việt Nam đã phối hợp với các đối tác làm thủ tục sơ tán được 4.572 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Hy Lạp, Tunisia, UAE… để từ đó đưa lao động về Việt Nam. Đồng thời, đến nay có hơn 1.300 lao động Việt Nam được đưa sang nước thứ 3; 282 lao động đang trên đường bay về Việt Nam.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ LĐTB-XH, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng đã có những việc làm tích cực giúp cho người lao động Việt Nam tại Libya đảm bảo an toàn. Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB-XH, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng, tài sản cho người lao động Việt Nam tại đây và tìm mọi cách đưa người lao động về nước an toàn, có trật tự.

Các cơ quan chức năng tăng cường thêm cán bộ sang Libya làm việc với chính quyền nước sở tại, các đối tác, doanh nghiệp để cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo an toàn, khẩn trương làm các thủ tục về nước cho lao động Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cử một thứ trưởng sang trực tiếp chỉ đạo các công việc có liên quan đến công dân Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại các nước lân cận Libya cần tăng cường nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền các nước bạn, các tổ chức quốc tế, các đối tác để sớm đưa lao động Việt Nam về nước an toàn.

Thủ tướng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban; Bộ trưởng LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó trưởng ban. Bộ Tài chính được yêu cầu bố trí kinh phí thích hợp cho các hoạt động giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi. Thủ tướng cũng cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để tạm thời hỗ trợ mỗi lao động về nước 1 triệu đồng. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ LĐTB-XH căn cứ vào mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Phan Thảo


Mòn mỏi đợi người thân

Lẽ ra hôm qua (25-2) đã có những lao động Việt Nam đầu tiên bị mắc kẹt ở Libya về nước, nhưng do liên tục xảy ra sự cố nên chuyến bay phải hoãn lại, có thể hôm nay (26-2) mới về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Trong khi ở các làng quê, gia đình của hàng ngàn lao động vẫn đang từng giờ mòn mỏi lo cho người thân của mình.

Người dân xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) từng giờ mong đợi con em đang bị mắc kẹt tại Libya trở về.

Người dân xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) từng giờ mong đợi con em đang bị mắc kẹt tại Libya trở về.

181 lao động đã rời Libya

Từ rạng sáng 25-2, hàng trăm người cùng đại diện Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại (Vinaconexmec), đơn vị đã đưa 3.000 lao động Việt Nam sang Libya, đã có mặt tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) để chờ đón gần 200 lao động Việt Nam đầu tiên thoát khỏi Libya trở về nước. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên đưa các lao động đã không về được như dự định. Ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH, khẳng định 181 lao động đầu tiên của Việt Nam đã được lên máy bay thoát khỏi Libya an toàn và hiện đang quá cảnh tại UAE. Có thể ngày 26-2, các lao động sẽ về tới Việt Nam.

Còn ông Lê Thanh, Trưởng phòng nhân lực và đào tạo của Vinaconexmec, cho biết sau khi đón các lao động về tới sân bay Nội Bài, công ty sẽ lo toàn bộ xe đưa họ về tận nhà, đồng thời hỗ trợ trước mắt mỗi lao động 1 triệu đồng. Để đưa 181 lao động về nước, công ty đã thuê riêng một chuyên cơ chở người Việt rời khỏi vùng nguy hiểm. Toàn bộ số tiền thuê chuyên cơ được Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và chủ sử dụng lao động bỏ ra với tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân Việt Nam.

Suốt chiều và tối qua, hàng trăm người vẫn túc trực ở sân bay để chờ đón các lao động Việt Nam.

Nỗi niềm người thân

Trong khi đó, vẫn còn hàng ngàn lao động trong tổng số 10.642 lao động vẫn đang mắc kẹt tại Libya đang tìm cách trở về nước, làm những người thân ở quê nhà nóng lòng như đang ngồi trên lửa. Chúng tôi tới thôn 6, xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội), nơi có hàng chục người đi xuất khẩu lao động tại Libya theo hợp đồng với Vinaconexmec, hiện vẫn bị mắc kẹt tại đây. Suốt nhiều ngày qua, hàng chục gia đình trong thôn ăn không đặng, ngủ không yên vì mong mỏi người thân được sớm trở về.

Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, chồng chị là anh Vương Đình Đô vừa mới sang Libya được 8 tháng qua. Hồi cuối năm ngoái, hai vợ chồng vẫn thường xuyên liên lạc với nhau nhưng mấy ngày gần đây chị không liên lạc được nữa. Tới 3 giờ sáng 24-2, chị mới nhận được điện thoại của chồng. Anh cho biết, hiện đang ở ngoại ô Tripoli, thủ đô của Libya. Nhưng tình hình ở Libya đang rất căng thẳng và các lao động Việt Nam tại đây cũng vậy. Để tránh đám đông biểu tình có thể xâm hại, hàng ngàn lao động đang phải ở tạm trong các nhà trọ chật hẹp, ai cũng hết sạch tiền, thức ăn đồ uống đã cạn, thiếu thốn mọi bề, sức khỏe bị ảnh hưởng thấy rõ. Mỗi ngày, mỗi người chỉ được phát một bát cơm ăn cầm hơi.

Các lao động đã liên tục đề nghị công ty xuất khẩu lao động trả lại hộ chiếu để có thể về nước. đến chiều 22-2, họ mới nhận được hộ chiếu, nhưng lại không biết làm cách nào để thoát khỏi Libya vì các phương tiện di chuyển đều vô cùng khó khăn.

Theo kế hoạch, các lao động Việt Nam đang mắc kẹt tại Tripoli sẽ ra bến tàu để sang các nước láng giềng của Libya như Hy Lạp, Ai Cập. Nhưng do không có phương tiện nên các lao động có thể sẽ phải đi bộ quãng đường dài 400km để ra bến tàu, sau đó mới tính đường sang các nước láng giềng.

Văn Phúc

Thông tin liên quan

- Sáng 25-2, gần 200 lao động Việt Nam tại Libya về Hà Nội

- Lao động Việt Nam vẫn an toàn tại Lybia

Tin cùng chuyên mục