Điều 4 chuyên cơ đón lao động tại Libya

* Chở 8 tấn thực phẩm sang Ai Cập * 2.000 lao động rời Libya
Điều 4 chuyên cơ đón lao động tại Libya

* Chở 8 tấn thực phẩm sang Ai Cập
* 2.000 lao động rời Libya

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính tới chiều 28-2, các đối tác, chủ thầu có thuê lao động Việt Nam ở Libya đã giúp di tản hơn 8.000 lao động Việt Nam khỏi Libya, trong đó 4.600 người đã sang các nước thứ ba. Đồng thời, đến chiều 28-2, đã có 931 lao động Việt Nam trở về quê nhà và thêm 40 lao động trở về trước ngày 1-3. đến ngày 3-3, sẽ có thêm 1.000 lao động nữa trở về nước. Như vậy, sẽ có tổng cộng 2.000 lao động trở về nước trong thời gian từ nay cho tới 3-3.

Hiện vẫn còn 4.000 lao động Việt Nam đang kẹt sâu ở Libya. Nhiều lao động đang bị chủ sử dụng bỏ rơi, gặp khó khăn về phương tiện di chuyển. Thậm chí, nhiều chủ thầu sau khi biết tin Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam chủ động sử dụng máy bay để đón lao động về nước đã lơ là việc đưa lao động Việt Nam ra khỏi Libya. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bên cạnh đề nghị ràng buộc trách nhiệm của các nhà thầu, chủ sử dụng lao động, chúng ta cũng cần chủ động, nỗ lực đưa lao động Việt Nam ra khỏi Libya và về nước. Trong vài ngày tới, sẽ cố gắng đưa thêm 2.800 - 3.000 lao động ra khỏi vùng nguy hiểm.

(SGGP).- Tại cuộc họp khẩn bàn các giải pháp đưa hàng ngàn lao động còn mắc kẹt tại Libya về nước, tổ chức chiều 28-2 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo các phương án hỗ trợ lao động Việt Nam đã quyết định điều 4 chuyên cơ của Vietnam Airlines, chở 4 đoàn công tác, mỗi đoàn gồm 4 - 7 người, sang các nước gồm Ai Cập, Tunisia, Malta và Thổ Nhĩ Kỳ đón lao động về Việt Nam. Các chuyến bay cất cánh ngay trong đêm 28-2.

Trước đó, đã có các chuyến bay chở lao động Việt Nam từ Libya về nước, song đều do các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc và đối tác sử dụng lao động Việt Nam bỏ kinh phí thuê chuyên cơ chở về. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ trực tiếp dùng chuyên cơ đưa các lao động rời Libya về nước.

Trong đó, đoàn thứ nhất đi Tunisia, nơi thành lập sở chỉ đạo tiền phương, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm trưởng đoàn. Đoàn thứ 2 đi Ai Cập do Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa làm trưởng đoàn.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, riêng đoàn thứ 3 gồm 5 người sang Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đường cách đây 2 ngày và hiện đã có thông tin về nước. Đoàn thứ 4 đi Malta trong đêm qua (28-2). Đoàn thứ 5 đi Hy Lạp lẽ ra cũng bay ngay trong 2 ngày 28-2 và 1-3, nhưng hiện chưa lo được thủ tục visa nên chỉ bay được vào 2-3 và có thể bay bằng máy bay thương mại. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các chuyến bay về cần hỗ trợ người lao động mang theo hành lý, tránh tình trạng nhiều lao động trở về nước chỉ mang theo được vài bộ quần áo, thậm chí tay không.

Lao động Việt Nam vui mừng khi về đến sân bay Nội Bài. Ảnh: C.T.V.
Lao động Việt Nam vui mừng khi về đến sân bay Nội Bài. Ảnh: C.T.V.

Đại diện Vietnam Airlines khẳng định đã lo đủ các điều kiện để đảm bảo 4 chuyến bay sang các nước. Hiện tại, còn gặp khó khăn là làm thủ tục cho máy bay qua không phận của Ấn Độ và Pakistan, đề nghị Bộ Ngoại giao sớm giúp đỡ. Khi máy bay tới Ai Cập, chỉ có thể đợi 2 giờ là phải bay về, nên Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo cần tập kết sẵn các lao động trước 4 giờ để làm thủ tục về nước. Đặc biệt, chuyến bay sang Ai Cập sẽ mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm. Sau khi hàng tới sân bay Cairo (Ai Cập) sẽ được chở tới khu vực biên giới, nơi hàng ngàn người lao động Việt Nam từ Libya sang chờ quá cảnh.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cũng cho biết, hiện ở Libya đang có khoảng 500 lao động thiếu ăn và không có phương tiện di chuyển khỏi Libya. Do đó, bên cạnh sử dụng chuyên cơ sang cứu lao động, cần phải thuê thêm tàu thủy để đưa họ sang các nước thứ ba. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo: “Đoàn công tác qua Ai Cập sẽ nắm tình hình, có thể thuê tàu, thậm chí có thể thuê cả máy bay quân sự đáp xuống thủ đô Tripoli của Libya để đưa họ sang Tunisia, Ai Cập”.

Chính phủ không chậm trễ

Chiều 28-2, trao đổi với báo giới ngay sau cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có hơn 1.000 lao động Việt Nam sang được Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang tập trung ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ rất đông. Đoàn công tác ở đây đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để thuê 2 máy bay đưa lao động Việt Nam về nước.

- PV: Có những quan điểm cho rằng, Chính phủ còn chậm phản ứng trong việc hỗ trợ lao động Việt Nam ở Libya, bộ trưởng nghĩ sao?

- Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Chính phủ không chậm chút nào. Mặc dù đến tối 28-2, Chính phủ mới điều các chuyên cơ sang các nước mà lao động ở Libya di tản sang, nhưng ngay từ khi sự việc xảy ra, chúng ta đã rất chủ động việc chỉ đạo, hỗ trợ tìm cách đưa các lao động về nước an toàn. Cho tới nay, Việt Nam là một trong những nước đưa lao động về an toàn. Đã có 1.000 lao động về tới quê nhà, khỏe mạnh. Bộ LĐTB-XH thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với Bộ Ngoại giao và các tổ chức đại diện ở nước ngoài. Các đại sứ quán của chúng ta ở nước ngoài cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ lao động trở về.

- Với những lao động đã về nước, chúng ta có chính sách hỗ trợ nào?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng làm lộ phí về quê. Đây là việc xảy ra ngoài ý muốn, không phải lỗi của doanh nghiệp hay người lao động. Chúng tôi sẽ cố gắng làm để người lao động sau khi trở về không gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là những người vừa mới sang, chưa có thu nhập đã quay về trong khi phải vay tiền để đi làm. Chúng ta đều chủ động để giải quyết chính sách theo tinh thần không để người lao động thiệt thòi.

- Tuy nhiên, người lao động đang lo ngại khoản vay ngân hàng để đi xuất khẩu lao động sẽ không trả được, có thể đề nghị giãn nợ không?

- Có rất nhiều người lao động phải vay tiền của ngân hàng để đi. Song hiện chưa có ngân hàng nào đòi nợ, chúng tôi cũng chưa đề nghị việc giãn nợ.

- Các doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu lao động sẽ thiệt hại như thế nào?

- Chắc chắn doanh nghiệp bị lỗ, sau sự việc này, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động cũng khó khăn. Nhưng phải chia sẻ trách nhiệm và giải quyết đúng theo chính sách pháp luật quy định. Hiện tại không đặt vấn đề mất mát bao nhiêu, tốn kém thế nào, ai bị lỗ ai chịu thiệt. Mục tiêu quan trọng đặt ra lúc này là làm thế nào đưa các lao động về nước an toàn

Phúc Hậu

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục