Lao động trở về từ Libya: Không lo thiếu việc làm

Hơn 10.000 người lao động Việt Nam đi làm việc tại Libya đã về nước, trong số đó nhiều người lo ngại sẽ không có đủ việc làm, tạo thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) đều khẳng định, các lao động sẽ không lo thiếu việc làm vì hiện có nhiều doanh nghiệp đang đề nghị nhận các lao động từ Libya trở về.
Lao động trở về từ Libya: Không lo thiếu việc làm

Hơn 10.000 người lao động Việt Nam đi làm việc tại Libya đã về nước, trong số đó nhiều người lo ngại sẽ không có đủ việc làm, tạo thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) đều khẳng định, các lao động sẽ không lo thiếu việc làm vì hiện có nhiều doanh nghiệp đang đề nghị nhận các lao động từ Libya trở về.

  • Doanh nghiệp mở rộng tay đón lao động

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết trước tình hình hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn, với ý nguyện chung tay góp sức cùng các cơ quan và các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Libya giải quyết công ăn việc làm cho số lao động trên, nhiều công ty trong nước đã thông báo tuyển lao động trở về từ Libya vào làm việc.

Trong đó, Tổng Công ty Viglacera có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, lao động xây dựng và lao động kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật xây dựng (khoảng 1.000 lao động trong năm 2011) vào làm việc tại các công ty thành viên của tổng công ty. Hiện doanh nghiệp này đang phối hợp với các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Libya thông báo tuyển dụng những lao động từ Libya trở về. Lao động nào có nhu cầu vào làm việc có thể liên hệ với Viglacera để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ.

Lao động từ Libya trở về tại sân bay Nội Bài.

Lao động từ Libya trở về tại sân bay Nội Bài.

Bên cạnh đó, từ ngày 28-2, Công ty CP Công nghiệp xây dựng Toàn Phát (Topaco) có trụ sở tại Đống Đa (Hà Nội) cũng đã có văn bản gửi Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) để tạo điều kiện cho việc tiếp nhận bộ phận kỹ sư, công nhân kỹ thuật trở về từ Libya. Theo ông Quỳnh, nhu cầu tuyển dụng của công ty này rất lớn, khoảng 40 kỹ sư, đội trưởng, chỉ huy trưởng công trình với mức thu nhập từ 350 - 1.000 USD/tháng và 350 thợ xây dựng, thợ hàn, mức lương mỗi tháng 200 - 250 USD.

Ngoài ra, nhiều công ty khác như Công ty CP Vinaconex 6 (cần tuyển khoảng 3.000 công nhân), Công ty CP Cầu Đuống, Công ty CP Nội thất Hòa Phát… cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trở về từ Libya vào làm việc.

Còn ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, khẳng định hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động ở trong nước vẫn còn rất cao, các doanh nghiệp vẫn đang khan thiếu lao động, nên các lao động từ Libya trở về sẽ không phải lo thiếu việc làm.

  • Tiếp tục hỗ trợ lao động trở về

Ngay khi các lao động vừa trở về nước, Bộ LĐTB-XH đã quyết định trích 1 triệu đồng từ Quỹ Lao động việc làm ngoài nước để hỗ trợ cho từng người. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ mỗi lao động thêm 1 triệu đồng để làm lộ phí về quê.

Những lao động Việt Nam cuối cùng trở về từ Libya vào sáng 9-3.

Những lao động Việt Nam cuối cùng trở về từ Libya vào sáng 9-3.

Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội cũng vừa quyết định trích ngân sách hỗ trợ mỗi lao động từ Libya trở về, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mức 1 triệu đồng/người và chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội giãn nợ tiền vay với thời hạn tối đa 24 tháng cho các lao động đã vay tiền để đi xuất khẩu lao động tại Libya. Nếu lao động nào có nhu cầu vay vốn, tìm việc làm, học nghề sẽ được UBND TP Hà Nội hỗ trợ theo quy định.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam ở Libya cũng vừa tổ chức cuộc họp về giải quyết việc làm cũng như chính sách hỗ trợ cho các lao động sau khi trở về. Theo đó, Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương hỗ trợ cho người lao động theo đúng chính sách, quy định về xuất khẩu lao động. Song theo người đứng đầu Bộ LĐTB-XH, kế hoạch đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. “Bởi ngay những tháng đầu năm, chúng ta đã phải đưa hơn 10.000 lao động trở về” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ. Để đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2011, Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác những thị trường lao động mới, an toàn và tiềm năng hơn.

VĂN PHÚC

>> Xây dựng 2.000 chỗ ở cho lao động Việt Nam từ Libya về

>> Hoàn tất việc đưa lao động từ Libya về nước

>> Sáng nay 9-3, nhóm lao động ở Libya cuối cùng về nước

>> Ngày 9-3, hoàn tất việc đưa lao động tại Libya về nước

>> Toàn bộ lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya

>> Quyết tâm đưa lao động tại Libya về nước sớm nhất

Tập đoàn Khang Thông: Cam kết nhận hơn 10.000 lao động trở về từ Libya

Ngày 11-3, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đi thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Khang Thông - chủ đầu tư dự án Khu phức hợp giải trí Happyland Việt Nam tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) về công tác tiếp nhận, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động từ Libya về nước.

Bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Khang Thông, báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân về công tác bảo đảm nơi ăn chốn ở cho khoảng 2.000 lao động đầu tiên đã hoàn tất. Theo cam kết, toàn bộ hơn 10.000 lao động từ Libya về nước sẽ được tiếp nhận vào làm việc tại dự án Happyland theo mức lương và công việc phù hợp với từng người. Để hỗ trợ khó khăn cho công nhân, Tập đoàn Khang Thông lo toàn bộ chỗ ở, bảo lãnh tiền vay ngân hàng đối với chi phí cho việc đi lao động ở Libya và lo tiền ăn (trừ vào lương hàng tháng). Hiện nhu cầu sử dụng lao động tại dự án Happyland là rất lớn - khoảng 26.000 người, trong đó chiếm chủ yếu là lao động nghề xây dựng đã qua đào tạo.

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp đã vào cuộc một cách quyết liệt với nhà nước trong việc giải quyết việc làm cho lao động từ Libya phải về nước sớm. Đây là hướng đi đúng được Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tiếp nhận lao động thực hiện đầy đủ các thủ tục và bảo đảm giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho toàn bộ lao động từ Libya về nước trong thời gian nhanh nhất, không để trường hợp nào không có việc làm, hoặc không được hỗ trợ về đời sống và sinh hoạt khi gặp khó khăn.

H.NAM

Tin cùng chuyên mục