Phản hồi loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ” - Lấy công khai minh bạch làm khâu đột phá

Sau loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ”, trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí (ảnh) khẳng định: “Sẽ cho rà soát lại những thông tin mà Báo SGGP đã phản ánh và yêu cầu các địa phương có liên quan giải trình có hay không có sự việc nói trên. Tùy tính chất, mức độ mà nhắc nhở hoặc xử lý nếu có vi phạm”.
Phản hồi loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ” - Lấy công khai minh bạch làm khâu đột phá

Sau loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ”, trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí (ảnh) khẳng định: “Sẽ cho rà soát lại những thông tin mà Báo SGGP đã phản ánh và yêu cầu các địa phương có liên quan giải trình có hay không có sự việc nói trên. Tùy tính chất, mức độ mà nhắc nhở hoặc xử lý nếu có vi phạm”.

* Phóng viên: Chúng ta đã trải qua 10 năm thực hiện cải cách hành chính, nhưng xem ra đến nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân?

* Đồng chí LÊ MINH TRÍ: Nhìn chung, giai đoạn 2001 - 2010, trong bối cảnh đất nước vừa có những thuận lợi, thời cơ vừa có những khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo tập trung của Thành ủy, sự điều hành linh hoạt, kiên quyết của UBND TP và nỗ lực của các ngành, các cấp và sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP, GDP tăng trưởng bình quân 11%/năm. Sự phát triển đó có sự đóng góp quan trọng của công tác cải cách hành chính vì nó đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn, chất lượng phục vụ các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được nâng lên và quan trọng nhất là lòng tin, sự ủng hộ của cộng đồng xã hội đối với các cấp chính quyền TP.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của xã hội, sự phát triển và mong muốn của người dân, doanh nghiệp thì chúng ta chưa hài lòng với những gì đã đạt được. Bên cạnh mặt tích cực, cải cách hành chính TP cũng còn những hạn chế, chưa đồng bộ. Trong đó, kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan hành chính còn lỏng lẻo. Thái độ phục vụ của cán bộ công chức trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp có tiến bộ nhưng cũng còn hiện tượng nhũng nhiễu, né tránh, sợ trách nhiệm, thái độ thờ ơ trong giải quyết công việc còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ công chức, đang là lực cản gây trở ngại cho việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của TP.

* Trở lại những vụ việc cụ thể mà Báo SGGP đã nêu. Phản hồi của nhiều bạn đọc cho thấy đó không phải là những trường hợp cá biệt mà là những hình ảnh dễ dàng thấy được ở nhiều địa phương, đơn vị. Phải chăng, ý kiến cho rằng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở đang ngày càng quan liêu, xa rời quần chúng là không sai?

* Đúng là hiện nay có một bộ phận đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở sa sút đạo đức, thiếu tinh thần trách nhiệm khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc, không hài lòng. Những vụ việc Báo SGGP nêu như ở phường 12, quận Bình Thạnh lẽ ra theo quy định, cán bộ chỉ nghiên cứu hồ sơ, trả lời người dân một lần chứ không được trả đi trả lại. Việc sao y, chứng thực cũng vậy, Nghị định 79 của Chính phủ cũng có những quy định cụ thể, có những cái chỉ cần đối chiếu bản chính là đủ mà không cần bản sao, nhưng có lẽ cán bộ công chức sợ trách nhiệm nên cứ “thủ” cho chắc, gây phiền hà cho dân. Chuyện đi làm trễ, về sớm là hình thức “ăn cắp” giờ Nhà nước.

Theo quy định, khi cán bộ đi họp, học thì phải cử người thay mình phụ trách giải quyết công việc cho dân chứ đâu có chuyện bao nhiêu người chờ đợi chỉ vì anh bận họp, bận học như vậy được… Tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin trên báo, nếu sự thật đúng như báo nêu, cán bộ công chức phải giải trình rõ. Nếu sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần thì phải xử lý theo quy định và người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm với cấp trên.

Nhân viên UBND quận Tân Bình hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất. Ảnh: MINH TÂM

Nhân viên UBND quận Tân Bình hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất. Ảnh: MINH TÂM

* Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, một bộ máy chính quyền mạnh không thể thiếu yếu tố những công bộc của dân làm cho “tròn vai” thông qua sự giám sát chặt chẽ. UBND TP có kế hoạch gì để chấn chỉnh và xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở chuẩn mực hơn?

* Trong giai đoạn 2011 - 2020, TPHCM quyết tâm thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ trên các lĩnh vực thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nhất là việc đánh giá, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm người đứng đầu, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Lấy việc công khai minh bạch các quy định của Nhà nước và bố trí cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu công việc làm khâu đột phá trong cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền đô thị.

Trong thời gian tới, trong Thường trực UBND TP có sự phân công lại trong nhiệm kỳ mới, nếu tôi được giao phụ trách lĩnh vực này, tôi sẽ chọn một số nội dung cụ thể để đột phá vào, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng khâu, từng cấp trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính tích cực của mỗi cán bộ công chức. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục thanh tra công vụ, kiểm tra đột xuất các địa phương để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm.

“Nói đi cũng phải nói lại, hiện nay, khối lượng và tính chất công việc ở TP luôn trong tình trạng quá tải trên nhiều lĩnh vực, bởi TP là trung tâm kinh tế lớn, một đô thị trên dưới 10 triệu dân thực tế nhưng bộ máy và biên chế không thể tăng dễ dàng được (?) nên kết quả cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chỉ tính riêng việc sao y chứng thực ở quận 1 đã gần bằng số lượng hồ sơ của một tỉnh, giải quyết khiếu nại tố cáo ở TP bằng 1/6 cả nước, thi hành án cũng chiếm 1/6 cả nước, ngân sách TP đóng góp thì bằng 1/3 cả nước…”.

Đồng chí Lê Minh Trí

H.HIỆP - H.NHUNG (thực hiện)

- Thông tin liên quan:

>> Phản hồi từ loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ”: Nên thí điểm cải cách tiền lương

Tin cùng chuyên mục